Nhớ mãi kỷ niệm được đi đón Bác Hồ và bác Văn

Đó là câu chuyện của Đại tá Trịnh Đình Thi, quê thôn Thạch Tổ, xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm.

Sinh năm 1929 ở thôn Thạch Tổ, xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm, từ nhỏ, ông Trịnh Đình Thi đã tham gia lực lượng tự vệ của địa phương, sau đó chuyển sang Đội du kích tập trung của xã. Năm 1950, mới 21 tuổi, ông vinh dự được kết nạp vào Đảng tại đình Bồng Lạng, xã Thanh Nghị, Thanh Liêm. Cũng trong năm 1950, ông được tuyển vào Tiểu đoàn 954 Hà Nam Ninh - đơn vị bộ đội chủ lực về hoạt động tại địa phương. Đến cuối năm 1950, Tiểu đoàn rút quân về Ninh Bình sau đó hành quân lên Cao Bằng. Đầu năm 1951, ông được đơn vị chọn cử sang Vân Nam, Trung Quốc học về trinh sát pháo binh.

Vinh dự được đi đón Bác Hồ

Đại tá Trịnh Đình Thi (bên trái) kể lại chuyện được gặp Bác Hồ với một người bạn.

Kể cho chúng tôi nghe về lần được gặp Bác Hồ, Đại tá Trịnh Đình Thi xúc động nhớ lại: Học xong trinh sát pháo binh trở về nước, cuối năm 1953, đơn vị tôi (Trung đoàn 45) đóng tại Tuyên Quang. Một hôm, thủ trưởng đơn vị gọi tôi lên và giao nhiệm vụ quan trọng: Đồng chí Thi và đồng chí Trung đội trưởng cảnh vệ đi đón Bác Hồ, đưa Bác từ đường 12 vào hội trường của đơn vị (hội trường - địa điểm chính đón Bác nằm trong rừng Phú Thọ, gần Tuyên Quang nơi đơn vị đóng quân, cách đường 12 khoảng 300 - 400m).

Nhận nhiệm vụ, tối hôm đó, tôi xách một chiếc đèn bão, đồng chí Trung đội trưởng cảnh vệ dắt theo một con ngựa đi ra đường 12 đón Bác. Ra đến nơi, chúng tôi gặp Bác đi cùng một số đồng chí khác. Sau khi chào hỏi, đồng chí Trung đội trưởng cảnh vệ lễ phép nói: Thưa Bác, mời Bác lên ngựa. Bác nhìn con ngựa rồi nói vui: Ngựa của các chú không phải là con ngựa mà là con nghẽo nên Bác không đi. Mọi người trong đoàn đi cùng Bác cười vui vẻ, chỉ hai anh em chúng tôi thì ngỡ ngàng không hiểu. Lúc sau chúng tôi mới nhận ra, đoàn đi cùng đã chuẩn bị sẵn ngựa cho Bác, nhưng Bác không đi, Bác đi bộ cùng mọi người.

Trên đường vào đơn vị, Bác hỏi tôi: Quê chú ở đâu? Tôi trả lời, thưa Bác, quê cháu ở Thanh Liêm, Hà Nam. Bác nói vui: Quê nhà chú 6 tháng đi chân, 6 tháng đi tay. Lúc đó tôi băn khoăn lắm nhưng không dám hỏi. Về sau mới hiểu ra, quê mình đồng chiêm trũng, 6 tháng mùa mưa người dân đi lại bằng thuyền thúng, chèo bằng tay. Sau đó Bác hỏi tiếp: Chú đã có gia đình chưa? Sang Trung Quốc học có nhớ nhà không? Chú học về ngành gì?... Tôi trả lời Bác: Sang Trung Quốc chúng cháu học tập tốt. Cháu học trinh sát pháo binh.

Bác nói: Học trinh sát pháo là tốt đấy... Qua đoạn đường rừng, gần tới hội trường, tôi nhanh chân đi trước vào gặp thủ trưởng Trung đoàn báo cáo: Thưa thủ trưởng, Bác đã đến. Thủ trưởng Trung đoàn nhìn quanh rồi hỏi: Bác đâu? Tôi quay lại đằng sau, giật mình hốt hoảng vì không thấy Bác đâu. Thì ra khi gần tới cửa hội trường Bác không vào cửa trước mà đi một vòng xung quanh kiểm tra rồi vào từ đằng sau...

Lần được đi đón Bác, nghe Bác hỏi chuyện năm ấy tôi luôn ghi nhớ trong lòng. Tôi cảm nhận rõ, tình cảm của Bác dành cho những người lính chúng tôi như tình cảm người cha dành cho người con. Tình cảm ấy thực sự rất thiêng liêng và cao quý...

Tự hào được đi đón bác Văn

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, Đại tá Trịnh Đình Thi là Tiểu đội trưởng (Trung đoàn 45) chịu trách nhiệm trinh sát đồi Him Lam, sân bay Mường Thanh. Đại tá Trịnh Đình Thi nhớ lại: Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trinh sát đồi Him Lam, sân bay Mường Thanh, pháo đã kéo vào trận địa... tất cả đã sẵn sàng thì có lệnh ở trên là: Dừng, kéo pháo ra. Chúng tôi là đảng viên được phổ biến trước, nhưng cũng rất băn khoăn không hiểu tại sao, trong lòng nghĩ thầm: Hay là địch rút?, hay là không đánh nữa?...

Băn khoăn vậy, nhưng nhận lệnh của cấp trên, cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị nhanh chóng rút ra nhận nhiệm vụ mới. Khi ra, tôi được đồng chí Trung đoàn trưởng, đồng chí Chính ủy Trung đoàn và đồng chí Phạm Ngọc Mậu (Chủ nhiệm Chính trị Binh chủng công pháo - nay là Binh chủng Pháo binh) giao nhiệm vụ đi đón bác Văn (chứ không nói là bác Giáp). Thời điểm ấy, để giữ bí mật, các đồng chí chỉ huy không nói rõ địa điểm, chỉ nói ở tọa độ ấy, trên đường các đồng chí đi sẽ gặp bác Văn. Sau này, tôi mới biết khu vực ấy thuộc Mường Phăng...

Nhận nhiệm vụ, chúng tôi vừa đi vừa xác định tọa độ. Chúng tôi đi suốt đêm. Trên đường đi chúng tôi gặp bác Văn cùng đoàn đi ra, nhưng không ai biết bác Văn là ai. Lúc ấy, tôi lại gần đoàn và nói: Xin báo cáo được đón bác Văn. Mấy cậu công vụ và cảnh vệ của bác Văn chỉ vào bác, tôi hướng sang bác và thưa: Báo cáo bác, cháu ở đơn vị pháo, được lệnh của bác Mậu vào đón bác về đơn vị. Bác Văn bắt tay và hỏi: Thế chú ở pháo binh hả? Tôi trả lời: Vâng, cháu ở pháo binh. Bác ân cần hỏi thăm: Thế nào, đơn vị kéo pháo vào giờ kéo pháo ra bộ đội và các chú có thắc mắc gì không? Lúc ấy trong lòng nhiều thắc mắc nhưng không dám nói ra, tôi trả lời: Thưa bác, được lệnh của thủ trưởng Mậu kéo pháo ra là kéo pháo ra. Bác hỏi tiếp: Chú ở pháo binh là pháo thủ số mấy? Tôi trả lời: Báo cáo bác cháu là tiểu đội trưởng trinh sát của pháo, Trung đoàn 45. Cháu là Trịnh Đình Thi. Trên đường đi, bác hỏi chuyện gia đình ra sao, học hành thế nào? Nhân dân có biết các chú có pháo không? Tôi trả lời: Dạ thưa bác hiện nay bí mật lắm, đơn vị đóng xa dân, canh gác cẩn mật nên không ai biết ta có pháo. Bác hỏi tiếp: Chú đã vào trinh sát chưa? Tôi trả lời: Báo cáo bác, lúc đầu vào Đại đội chỉ huy giao cho cháu đài số một, trinh sát Him Lam và sân bay Mường Thanh. Bác nói vui: Ừ, chú là trinh sát, trinh sát thế nào thì trinh sát chú đừng trinh sát để pháo binh các chú đấm lưng bộ binh ta. Mọi người cùng cười vui vẻ. Còn tôi thưa với bác: Chúng cháu đã học tập rồi ạ...

Tới đơn vị, bác động viên mọi người và nói: Lúc đầu đến địch chưa kiên cố công sự. Hiện nay đã kiên cố, nếu đánh nhanh sẽ không diệt được địch, tốn đạn, lại hy sinh nhiều. Vì vậy, ta phải củng cố lại hầm hào công sự, đánh chắc, tiến chắc...

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, sau khi giải phóng Him Lam, Đại tá Trịnh Đình Thi phát hiện địch từ Mường Thanh kéo ra (với đội hình 6 xe tăng, có lính lê dương) định chiếm lại Him Lam. Đại tá Thi lập tức báo cáo cấp trên, cấp trên hạ lệnh cho pháo nã vào đội hình địch, địch rút lui, Him Lam hoàn toàn giải phóng. Với chiến công lập được, ngày 13/3/1954 ta nổ súng đánh Him Lam, ngày 16/3/1954, Đại tá Trịnh Đình Thi vinh dự được bác Giáp ký tặng Huân chương chiến công hạng Ba ngay tại mặt trận...

Hơn 60 năm đã qua đi, nay đã bước sang tuổi 90 nhưng kỷ niệm được gặp Bác Hồ, bác Văn vẫn còn đậm sâu trong ký ức Đại tá Trịnh Đình Thi. Với ông, đây là kỷ niệm sâu sắc nhất, thiêng liêng nhất mà ông mãi ghi nhớ, trân trọng và tự hào.

Phạm Hiền

Phạm Hiền

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy