Lý Nhân thực hiện việc sáp nhập thôn, tổ dân phố

Là địa phương có số lượng lớn thôn, tổ phố không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định phải thực hiện sáp nhập theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) thời gian qua, huyện Lý Nhân đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện chủ trương này.

Thực trạng quy mô thôn, xóm, tổ phố trên địa bàn huyện Lý Nhân khá nhỏ lẻ. Toàn huyện có 23 xã, thị trấn với 345 thôn, xóm, khu phố. Trong đó có 236/345 thôn, xóm quy mô dưới 200 hộ gia đình, 2 khu phố quy mô dưới 250 hộ gia đình, có xóm chỉ có 31 hộ.

Theo quy định, đơn vị dưới xã là thôn, song trên địa bàn huyện lại hình thành các xóm trong thôn. Số lượng thôn, xóm lớn nhưng quy mô số hộ dân nhỏ nên đội ngũ cán bộ thôn, xóm cũng rất lớn (toàn huyện có 1.339 cán bộ không chuyên trách ở thôn).

Cán bộ Phòng Nội vụ huyện Lý Nhân thẩm định dự thảo Đề án sáp nhập thôn, xóm, tổ phố trên địa bàn huyện.

Xác định việc sáp nhập thôn, xóm, tổ phố để có quy mô lớn hơn, có đủ các tổ chức trong từng thôn, tổ phố, góp phần xóa chi bộ sinh hoạt ghép; có điều kiện phát huy nội lực của nhân dân trong xây dựng cơ sở hạ tầng, giảm số lượng cán bộ, giảm chi phí ngân sách và là điều kiện để xây dựng đội ngũ cán bộ thôn, tổ dân phố có chất lượng hơn, bởi vậy cấp ủy đảng, chính quyền ở huyện  đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.

Việc sáp nhập thôn, xóm gặp rất nhiều khó khăn do lịch sử để lại, tính cộng đồng làng xã, dòng họ đã gắn kết với người dân từ nhiều năm; nhiều thôn, xóm có vị trí cách xa nhau, phong tục, tập quán khác nhau; các điều kiện về cơ sở vật chất còn thiếu và quy mô nhỏ; một số người dân còn băn khoăn về hiệu quả công tác quản lý sau khi sáp nhập thôn, xóm có quy mô lớn; số cán bộ đang đảm nhiệm bí thư chi bộ, trưởng thôn, xóm tâm tư bởi sau sáp nhập số lượng còn ít sẽ không được tiếp tục tham gia công tác…

Chính vì thế, trước khi triển khai thực hiện chủ trương sáp nhập thôn, xóm, Thường trực Huyện ủy, lãnh đạo UBND huyện đã chỉ đạo Ban Tổ chức Huyện ủy, Phòng Nội vụ khảo sát, thống kê số lượng, tình hình hoạt động và đội ngũ cán bộ thôn, xóm trong toàn huyện. Tổ chức làm việc với thường trực đảng ủy các xã, thị trấn nghe báo cáo và định hướng phương án sắp xếp, sáp nhập lại các thôn, xóm chưa bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định. Ban Thường vụ (BTV) Huyện ủy thành lập Ban Chỉ đạo sáp nhập xã, thôn, xóm, tổ dân phố của huyện và thành lập Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo giúp các xã thực hiện đúng quy trình.

Trên cơ sở học tập kinh nghiệm chỉ đạo sáp nhập thôn, xóm của các địa phương ngoại tỉnh cùng với vận dụng các quy định của Nhà nước vào tình hình thực tế của địa phương, BTV Huyện ủy đã đề ra nguyên tắc sáp nhập thôn, xóm theo đúng trình tự quy định, bảo đảm tiêu chuẩn số hộ dân; việc sáp nhập không làm thay đổi địa giới hành chính cấp xã, các thôn, xóm sáp nhập phải có vị trí liền kề, địa hình không chia cắt phức tạp; các thôn, xóm có vị trí giáp ranh giữa các xã, thị trấn liền kề đã được quy hoạch hoặc có chủ trương sáp nhập phải tính đến cả phương án sau sáp nhập cấp xã.

Các thôn, xóm có đất sản xuất nông nghiệp không được chia tách để không ảnh hưởng đến sản xuất; khi sáp nhập có tính đến các yếu tố lịch sử, truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán, cộng đồng dân cư, điều kiện địa lý, tự nhiên để khảo sát xây dựng đề án; thống nhất tên gọi các thôn, xóm, khu phố trong toàn huyện là thôn, hoặc tổ dân phố. Trên cơ sở đề án của các xã, BTV Huyện ủy lãnh đạo UBND huyện thống nhất, cho ý kiến để UBND huyện trình UBND tỉnh.

Ngay sau khi được phê duyệt của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo sáp nhập của huyện đã hướng dẫn quy trình 5 bước để các xã thống nhất thực hiện trong toàn huyện.  Vì vậy, huyện đã mời lãnh đạo các sở, ngành có liên quan của tỉnh về làm việc để báo cáo thực trạng, tâm tư nguyện vọng của cán bộ và nhân dân, xin ý kiến và thống nhất một số vấn đề về cơ chế, chính sách sau sáp nhập.

Sau hơn hai tháng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với tinh thần quyết tâm cao, đến nay, Lý Nhân đã cơ bản hoàn thành việc sáp nhập thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn. Các xã, thị trấn đều triển khai đầy đủ, đúng quy trình, quy định. Kết quả lấy ý kiến cử tri đều đạt tỷ lệ cao, nhiều nơi đạt 100% số cử tri nhất trí.

Kết quả đợt 1 đã tiến hành sáp nhập 313/330 thôn, tổ dân phố thuộc 21 xã, thị trấn để thành lập 121 thôn, tổ dân phố mới, giảm 185 thôn, xóm; trong đó có 189 thôn sáp  nhập thành 68 thôn đủ trên 400 hộ dân; 112 thôn thành 49 thôn có dưới 400 hộ dân; không có thôn nào có quy mô 50% số hộ theo quy định; sáp nhập 12 khu phố và xóm thành 4 tổ dân phố quy mô trên 500 hộ dân; đồng thời đã đổi tên 7 xóm thành 7 thôn.

Còn 20 xóm thuộc 2 xã trong quá trình triển khai đến dân chưa được nhân dân đồng thuận cao, huyện chỉ đạo tiếp tục tuyên truyền, vận động và điều chỉnh đề án thực hiện các bước để trình HĐND tỉnh vào kỳ họp cuối năm nay.

Đồng chí Trần Văn Hạnh, TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Lý Nhân cho biết: Các cấp ủy đảng, chính quyền ở địa phương đều nhận thức rõ sự cần thiết và yêu cầu khách quan của việc sáp nhập thôn, xóm mang lại hiệu quả tích cực về nhiều mặt, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ cao. Ngay cả bộ phận đội ngũ trưởng xóm, bí thư chi bộ sau sáp nhập không tiếp tục tham gia công tác cũng ý thức được chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, nêu cao trách nhiệm, tích cực ủng hộ.

Tuy nhiên, qua thực tế công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc sáp nhập ở địa phương cho thấy do lịch sử, truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán, điều kiện tự nhiên, địa lý… của một số nơi khác nhau nên việc ghép thôn không thể theo số lượng phải trên 400 hộ, mà theo đề án tỉnh thông qua thì các thôn trên 200 hộ có thể không phải sáp nhập.

Chính vì vậy, chúng tôi đề nghị tỉnh xem xét cụ thể việc sáp nhập đối với các thôn chưa đủ quy mô trên 400 hộ và trên 50% tiêu chuẩn. Thực tế quá trình xin ý kiến người dân, có thôn sáp nhập 4 xóm vào như thôn Lại Khê (xã Nhân Bình) mới đạt 263 hộ; hay xã Nhân Hưng, sáp nhập 3 làng vào mới đạt 212 hộ, trong khi quy định của Thông tư 04, việc sáp nhập không được thay đổi địa giới hành chính xã nên không thể ghép thôn của xã này với thôn của xã liền kề được…

Chủ trương đúng đắn, nhưng để đi vào cuộc sống cần phải có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế của từng cơ sở. Thực tế công tác lãnh đạo, chỉ đạo sáp nhập thôn, tổ dân phố ở huyện Lý Nhân sẽ là những kinh nghiệm hữu ích cho các địa phương khác trong tỉnh khi thực hiện chủ trương này.                                 

Thu Thảo

Thu Thảo

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy