Kiểm soát quyền lực để chủ động phòng ngừa tiêu cực trong công tác cán bộ

Trao đổi với phóng viên (P.V) Báo Hà Nam, đồng chí Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở đảng, Ban Tổ chức Trung ương cho rằng: "Kiểm soát chặt chẽ quyền lực là một trong những giải pháp quan trọng, trực tiếp góp phần nâng cao thế chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tiêu cực trong công tác cán bộ".

Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/05/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác cán bộ thu hút sự quan tâm đặc biệt của đông đảo cán bộ, đảng viên (CBĐV), nhất là một số nội dung mới, trong đó có vấn đề kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Trao đổi với phóng viên (P.V) Báo Hà Nam về nội dung này, đồng chí Nguyễn Đức Hà (ảnh), nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở đảng, Ban Tổ chức Trung ương cho rằng: "Kiểm soát chặt chẽ quyền lực là một trong những giải pháp quan trọng, trực tiếp góp phần nâng cao thế chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tiêu cực trong công tác cán bộ".  

Ảnh: VOV.VN

P.V: Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã chỉ ra một số hạn chế, yếu kém và nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ. Xin đồng chí cho biết ý kiến về nội dung này!

Đồng chí Nguyễn Đức Hà: Trước hết, tôi tán đồng rất cao với những nhận định của Ban Chấp hành Trung ương. Tôi cho rằng đây là những nhận định, đánh giá rất thẳng thắn, dũng cảm của Đảng ta về những hạn chế, yếu kém, bất cập trong công tác cán bộ, nhất là về kiểm soát quyền lực - yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến thực trạng công tác cán bộ hiện nay. Đặc biệt, tôi rất ấn tượng với nội dung xác định nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, yếu kém. Đó là việc phân công, phân cấp, phân quyền chưa gắn với ràng buộc trách nhiệm, với tăng cường kiểm tra, giám sát và chưa có cơ chế đủ mạnh để kiểm soát chặt chẽ quyền lực. Công tác cán bộ còn thiếu những biện pháp hữu hiệu để kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng chạy chức, chạy quyền và những tiêu cực; sự phối hợp trong hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm có mặt còn thiếu chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Cùng với đó, chưa phát huy đầy đủ vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, vai trò giám sát, phản biện của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội; thiếu cơ chế phù hợp để CBĐV gắn bó mật thiết với nhân dân; chưa phát huy có hiệu quả vai trò của cơ quan truyền thông.

P.V: Vậy phải chăng, mặc dù đã có những giải pháp tích cực nhưng thời gian qua chúng ta vẫn còn nhiều sơ hở trong kiểm soát quyền lực, dẫn đến nảy sinh những tiêu cực về công tác cán bộ?

Đồng chí Nguyễn Đức Hà: Đúng vậy! Và điều này đã được nhận định, phân tích rất thẳng thắn trong Nghị quyết của Trung ương. Đây có lẽ cũng là câu trả lời giải đáp phần nào những băn khoăn, trăn trở từ phía những CBĐV tâm huyết, có trách nhiệm với công tác xây dựng Đảng, rằng: tại sao trong công tác cán bộ có không ít trường hợp tuy đã được quy hoạch và thực hiện bài bản, đúng quy trình, nhưng khi bố trí con người cụ thể thì lại không đúng người đúng việc.

P.V: Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trên đây, Nghị quyết Trung ương đã đề ra một số giải pháp để tăng cường kiểm soát quyền lực, qua đó phòng ngừa có hiệu quả những tiêu cực trong công tác cán bộ. Đồng chí tâm đắc nhất giải pháp nào?

Đồng chí Nguyễn Đức Hà: Tôi rất tâm đắc với nhóm giải pháp trong khâu tổ chức thực hiện nhằm khắc phục ngay những sơ hở về kiểm soát quyền lực, từ đó nâng cao hơn nữa thế chủ động phòng ngừa tiêu cực trong công tác cán bộ. Đó là giải pháp xây dựng, hoàn thiện thể chế để kiểm soát quyền lực theo nguyên tắc: mọi quyền lực đều phải kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền hạn phải được ràng buộc bằng trách nhiệm. Như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: "Phải nhốt quyền lực trong lồng cơ chế". Cùng với đó, thực hiện công khai, minh bạch tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ nhân sự cán bộ, cung cấp, trao đổi thông tin, giải trình đầy đủ khi có yêu cầu. Xác minh, xử lý kịp thời, hiệu quả, hợp lý thông tin phản ánh từ tổ chức, cá nhân, phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra giám sát, thanh tra theo các hình thức: định kỳ, đột xuất, theo chuyên đề, chuyên ngành, của cấp trên đối với cấp dưới, cấp dưới giám sát cấp trên… Mặt khác, quy định chặt chẽ và thực hiện nghiêm quy trình công tác cán bộ; xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu, tăng cường cơ chế chất vấn, giải trình trong công tác cán bộ. Nhận diện rõ và đấu tranh quyết liệt với những đối tượng có biểu hiện, hành vi chạy chức, chạy quyền. Đặc biệt, coi trọng giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao ý thức trách nhiệm, lòng tự trọng, danh dự của cán bộ để hình thành văn hóa không chạy chức, chạy quyền.

Các đại biểu dự Hội nghị học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khoá XII tại điểm cầu Hà Nam. Ảnh: Nguyễn Uyên

P.V: Đề cập đến công tác cán bộ, một lần nữa nghị quyết Trung ương  tiếp tục nhắc đến quan điểm của Đảng: "không có vùng cấm". Vậy theo đồng chí quan điểm đó thể hiện ở nội dung nào trong phần giải pháp? 

Đồng chí Nguyễn Đức Hà: Quan điểm "không có vùng cấm" thể hiện rất rõ ở nội dung: Cùng với coi trọng cảnh báo, phòng ngừa, xử lý sai phạm cần xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước; lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền. Hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm. Quan điểm "không có vùng cấm" cũng thể hiện rõ trong nội dung bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 7 khóa XII: "Để thực hiện có kết quả nghị quyết, tất cả chúng ta, từ trên xuống dưới, đều phải có quyết tâm rất lớn, có sự thống nhất rất cao, lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt, nói đi đôi với làm, làm cho nghị quyết lần này thực sự đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến rõ rệt, thu được kết quả cụ thể, CBĐV và nhân dân nhìn thấy được, cảm thấy được", "Đề cao giải pháp kiểm soát quyền lực, chống chạy chức chạy quyền, chủ nghĩa cá nhân, cục bộ địa phương, họ hàng trong công tác cán bộ".

P.V: MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân được xác định là một trong những lực lượng tham gia kiểm soát quyền lực, góp phần phòng ngừa tiêu cực về công tác cán bộ. Theo đồng chí cần có giải pháp như thế nào để phát huy vai trò của lực lượng này trong kiểm soát quyền lực?

Đồng chí Nguyễn Đức Hà: Thực ra, trước khi có Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Bộ Chính trị đã có quy định về công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ. Nhiệm vụ của các cấp, ngành liên quan là khẩn trương thể chế hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định này. Nghị quyết Trung ương lần này nêu rõ thực hiện nghiêm quy định: thường trực cấp ủy các cấp định kỳ tiếp dân; thường trực, thường vụ cấp ủy, cấp ủy viên dự sinh hoạt với chi bộ khu dân cư; đảng viên công tác tại xã, phường, thị trấn sinh hoạt đảng tại chi bộ khu dân cư. Thực hiện phân công CBĐV phụ trách hộ gia đình nơi cư trú bằng những hình thức, nội dung phù hợp để tăng cường sự gắn bó mật thiết với nhân dân; đồng thời qua đó để nhân dân thực hiện giám sát CBĐV, trước hết là giám sát về đạo đức, lối sống.

Để phát huy vai trò của nhân dân trong giám sát quyền lực, hạn chế tiêu cực về công tác cán bộ, cấp ủy các cấp cần tiếp tục cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả cơ chế "dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát" trong công tác cán bộ, xây dựng, quản lý đội ngũ cán bộ. Cùng với đó, nghiên cứu mở rộng hình thức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với từng đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị một cách phù hợp. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý thông tin về những ý kiến phản ánh, khiếu nại, tố cáo của nhân dân, nhất là của người có uy tín, trách nhiệm trong cộng đồng dân cư gửi đến cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu địa phương, đơn vị và qua phương tiện thông tin đại chúng với những hình thức phù hợp, hiệu quả.

P.V: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Thế Vĩnh (thực hiện)

Thế Vĩnh, Nguyễn Hằng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.