Hiệu quả bước đầu trong sáp nhập đầu mối chi bộ thôn ở Thanh Liêm

Đầu tháng 9/2018, Đảng bộ huyện Thanh Liêm đã hoàn thành việc sáp nhập, tinh gọn đầu mối chi bộ, tổ chức đoàn thể đối với những thôn đủ điều kiện theo tinh thần Nghị quyết 18 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Xã Liêm Cần có 9 chi bộ thôn thuộc diện phải sáp nhập, sắp xếp theo quy định. Để tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên (CBĐV), nhân dân đối với chủ trương sáp nhập chi bộ thôn, Đảng ủy xã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các chi bộ làm tốt công tác tuyên truyền, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, giải quyết kịp thời thắc mắc, kiến nghị, đề xuất ngay từ cơ sở. Đồng thời, phân công các đồng chí ủy viên ban thường vụ đảng ủy trực tiếp về dự sinh hoạt với các chi bộ để thống nhất phương án sáp nhập, lựa chọn, tiến cử ban chi ủy mới bảo đảm cơ cấu, có năng lực, tâm huyết.

Theo đồng chí Đặng Như Thọ, Bí thư Đảng ủy xã Liêm Cần, khi bắt đầu triển khai sáp nhập chi bộ thôn, CBĐV, nhân dân cũng có nhiều băn khoăn, e ngại, Đảng ủy xã đã sâu sát, chỉ đạo, hướng dẫn các chi bộ làm tốt công tác tư tưởng, tạo sự nhất quán trong nhận thức, đồng thời sâu sát trong kiểm tra, giải quyết kịp thời những vướng mắc nên đã nhận được sự đồng tình nhất trí cao từ mỗi cộng đồng dân cư. Sau khi sáp nhập, Đảng bộ xã Liêm Cần còn 4 chi bộ thôn (giảm 5 chi bộ).

Ban Chi ủy Chi bộ thôn Ngũ Cõi, Đảng bộ xã Liêm Cần (Thanh Liêm) thống nhất nội dung sinh hoạt chi bộ thường kỳ.

Theo thống kê của Ban Tổ chức Huyện ủy Thanh Liêm, trước khi tiến hành sáp nhập toàn huyện có 164 chi bộ thôn với 6.780 đảng viên. Đối chiếu theo Hướng dẫn số 19 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy "Về việc sáp nhập các chi bộ; ban công tác mặt trận và các đoàn thể sau sáp nhập thôn, tổ phố", Thanh Liêm có 77 chi bộ thôn phải tiến hành sáp nhập. Sau khi sáp nhập toàn huyện còn 119 chi bộ thôn (trong đó 24 thôn thực hiện mô hình bí thư kiêm trưởng thôn), giảm 45 chi bộ và trên 150 cán bộ không chuyên trách; giải quyết dứt điểm tình trạng đảng viên phải sinh hoạt ghép (tại 3 thôn) cũng như việc thiếu đầu mối tổ chức đoàn thể ở một số thôn.

Việc rà soát, xây dựng phương án thực hiện sáp nhập, kiện toàn ban chi ủy thôn bảo đảm theo đúng trình tự, quy định, hợp lý, khách quan, phù hợp với thực tế. Trước khi tiến hành sáp nhập, đảng ủy xã, thị trấn phân công các đồng chí ủy viên ban thường vụ phụ trách địa bàn chủ trì họp với từng chi bộ thảo luận, lấy ý kiến giới thiệu của đảng viên về số lượng, cơ cấu nhân sự dự kiến tham gia ban chi ủy, bí thư, phó bí thư chi bộ lâm thời sau sáp nhập nhằm bảo đảm sự khách quan, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, tạo nguồn cán bộ cho xã, huyện trong thời gian tiếp theo.

Đặc biệt, quá trình thực hiện huyện luôn chú trọng khơi dậy, phát huy trách nhiệm người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, thể hiện rõ quyết tâm cao, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Đồng thời, nghiêm túc, nhất quán trong nhận thức, hành động của mỗi CBĐV về mục đích, sự cần thiết, tầm quan trọng của việc sáp nhập, kiện toàn chi bộ thôn. Từ đó, phát huy vai trò nêu gương, đi đầu của CBĐV trong vận động, tuyên truyền, giải thích về chủ trương sáp nhập thôn, xóm tới từng hộ gia đình; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, đề xuất, tham mưu với cấp ủy, chính quyền điều chỉnh bổ sung nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cho phù hợp với thực tế.

Hiệu quả bước đầu sau khi sáp nhập chi bộ thôn ở Thanh Liêm cho thấy vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng cơ sở được nâng lên, các cuộc vận động, phong trào thi đua triển khai đồng đều, có bước phát triển tích cực. Đặc biệt, việc sáp nhập thôn, xóm góp phần huy động nguồn lực từ nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới.

Mặc dù còn gặp một số khó khăn song với quyết tâm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, thời gian tới Thanh Liêm tiếp tục rà soát, nắm bắt tình hình cơ sở, tâm tư tình cảm của CBĐV, nhân dân, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để vận động, giải thích cụ thể những nội dung liên quan đến việc sắp xếp, sáp nhập tổ chức lại đầu mối các thôn, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Một trong những giải pháp mà huyện tiếp tục đẩy mạnh thực hiện là phân công các đồng chí trong ban thường vụ huyện ủy, huyện ủy viên về dự sinh hoạt cùng chi bộ thôn để nắm bắt, giải quyết, tháo gỡ kịp thời những kiến nghị, đề xuất của CBĐV, nhân dân ngay từ cơ sở. Tiếp tục kiện toàn, bồi dưỡng nâng cao trình độ năng lực đội ngũ cấp ủy viên, bí thư chi bộ, trưởng thôn và các đoàn thể.

Lê Mai

Lê Mai

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.