Chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân và vai trò của chính quyền

Thực hiện Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 8/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (TCPL), đến nay, tỉnh Hà Nam có 61/116 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL theo quy định.

Theo quy định tại Quyết định số 619/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, để xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL, các địa phương cần bám sát 5 tiêu chí gồm: Bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật; thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã; phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Giải quyết TTHC tại xã Mộc Bắc (Duy Tiên).

Thực hiện Quyết định này, Sở Tư pháp đã sớm tham mưu với UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1624/KH-UBND ngày 22/6/2017 về việc triển khai thực hiện Quy định xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL trên địa bàn tỉnh, nhằm mục đích nâng cao nhận thức pháp luật và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL.

UBND tỉnh giao Sở Tư pháp hướng dẫn UBND các huyện, thành phố xây dựng, đánh giá, chấm điểm, công nhận cấp xã đạt chuẩn TCPL theo đúng quy định. Đến nay, toàn tỉnh có 61/116 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL, chiếm tỷ lệ 52,58%. Trong đó, huyện Duy Tiên và Thanh Liêm là 2 huyện có 100% các xã, thị trấn trên địa bàn đạt chuẩn TCPL.

Qua phát phiếu khảo sát về đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và các tiêu chí chuẩn TCPL cho thấy tỷ lệ người dân hài lòng với việc thực hiện các tiêu chí chiếm tỷ lệ cao, như: tỷ lệ đánh giá công tác hòa giải ở cơ sở đạt hiệu quả trung bình tại các xã chiếm trên 92%; tỷ lệ đánh giá việc thực hiện tốt các quy định về dân chủ ở cơ sở đạt trên 96%; tỷ lệ nắm bắt được các quy định pháp luật liên quan trực tiếp tới quyền, nghĩa vụ của người dân chiếm trên 95%...

Chia sẻ về việc triển khai xây dựng xã đạt chuẩn TCPL, ông Tống Văn Công, công chức tư pháp – hộ tịch xã Mộc Bắc (Duy Tiên) cho biết: Xác định việc xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, thời gian qua, xã Mộc Bắc đã quan tâm đầu tư và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận “một cửa” tiếp nhận và trả kết quả. Đến nay, hầu hết thủ tục, hồ sơ của người dân được giải quyết trước và đúng thời gian quy định, không có hồ sơ tồn đọng.

Đặc biệt, với những TTHC cơ bản (cấp giấy khai sinh, khai tử, kết hôn, chứng thực…), cán bộ bộ phận “một cửa” luôn cố gắng giải quyết nhanh chóng cho người dân trong ngày, tránh quá hạn. Trong thực hiện quy chế dân chủ, mọi công việc, chủ trương của xã đều được công khai để người dân theo dõi, nắm bắt, giám sát việc thực hiện, tạo được sự đồng thuận, phát huy được vai trò của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Để đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân, xã Mộc Bắc đã phát trên 200 phiếu lấy ý kiến của người dân. Kết quả, năng lực, thái độ phục vụ, tinh thần trách nhiệm của cán bộ chuyên môn được đánh giá cao, 100% tổng số phiếu bày tỏ hài lòng và rất hài lòng.

Đối với những xã, phường chưa được công nhận đạt chuẩn TCPL như phường Thanh Châu (TP. Phủ Lý), ông Hồ Ngọc Tuyên, Phó Chủ tịch UBND phường chia sẻ: UBND phường thường xuyên phối hợp với Phòng Tư pháp thành phố, Sở Tư pháp tổ chức hội nghị tập huấn chuyên đề, mời báo cáo viên Sở Tư pháp trực tiếp truyền đạt, hướng dẫn về nội dung xây dựng, chấm điểm, đánh giá, công nhận phường đạt chuẩn TCPL. Đồng thời, chú trọng hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, khai thác tủ sách pháp luật và làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở.

Cũng theo ông Hồ Ngọc Tuyên, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với các đối tượng đặc thù ở cấp xã, phường rất khó thực hiện, vì khó thu hút được các đối tượng này đến tham dự các buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật hoặc tìm hiểu pháp luật thông qua tủ sách pháp luật.

Xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL là nội dung mới, vì vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều địa phương còn lúng túng, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện. Ở một số địa phương, công tác hướng dẫn, chỉ đạo, triển khai mới chỉ tập trung tại các xã xét công nhận nông thôn mới; coi nhiệm vụ đánh giá chuẩn TCPL chỉ là một trong các tiêu chí để đánh giá nông thôn mới, trong khi thực chất, đây là nhiệm vụ hằng năm và được thực hiện tại tất cả các xã, phường, thị trấn. Không chỉ vậy, việc tiếp cận các thông tin về TTHC của người dân vẫn còn hạn chế, dẫn đến việc người dân thường đến UBND cấp xã để hỏi các TTHC trước khi thực hiện TTHC, gây mất nhiều thời gian và chi phí đi lại để hoàn thành xong một TTHC.

Để nâng cao hiệu quả công tác chuẩn TCPL, thời gian tới, UBND các huyện, thành phố cần tăng cường hơn nữa sự chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp xã trong việc đánh giá chuẩn TCPL; chỉ đạo các phòng chuyên môn liên quan đến các tiêu chí chuẩn TCPL thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các tiêu chí để bảo đảm việc công nhận cấp xã đạt chuẩn TCPL khách quan, chính xác.

Đồng thời, tập trung thực hiện một số giải pháp nhằm hoàn thành các tiêu chí chuẩn TCPL, như: mô hình “3 trong 1” của Sở Tư pháp; tăng cường đổi mới nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hệ thống truyền thanh; hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất cho các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn, hòa giải ở cơ sở để nâng cao điều kiện TCPL cho người dân tại cơ sở. Thường xuyên kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong việc triển khai thực hiện, kịp thời biểu dương nhân rộng điển hình để đội ngũ công chức, người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, lợi ích của việc xây dựng phường, xã, thị trấn đạt chuẩn TCPL.                           

Thanh Vân

Thanh Vân

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.