Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương

Trong 2 ngày 28 và 29/12, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, để triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Tại điểm cầu Hà Nội đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng tới dự và chỉ đạo hội nghị. Cùng dự có Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng: Trần Quốc Vượng, Thành viên Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng; Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các cơ quan Quốc hội, Tư pháp, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; lãnh đạo các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội; các tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học...

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam.

Tại điểm cầu Hà Nam, dự và chủ trì hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Sỹ Lợi, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Xuân Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành chức năng và Chủ tịch UBND các huyện và thành phố.

Năm 2017, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, phức tạp, nhất là tình trạng thiên tai nặng nề, song với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của nước ta cơ bản đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 6,81%, trong đó chủ yếu nhờ tiềm năng, lợi thế, chứ không đến từ khai khoáng. Môi trường kinh doanh chuyển đổi tích cực. Sự tăng trưởng vượt bậc của chỉ số chứng khoán cho thấy niềm tin của xã hội, thị trường, doanh nghệp vào kinh tế Việt Nam ngày càng bền vững.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Năm 2018, Chính phủ xác định phương châm hành động với 10 chữ vàng đó là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” và các trọng tâm chỉ đạo, điều hành là: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các khâu đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thực hiện quyết liệt cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở tất cả các ngành, các cấp. Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam.

Tại hội nghị, các địa phương và bộ, ngành tập trung thảo luận, góp ý để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết đưa ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với 59 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Đồng thời, Chính phủ giao cho các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện 242 nhiệm vụ cụ thể tại phụ lục kèm theo dự thảo Nghị quyết.

Cũng tại hội nghị, các đại biểu nghe các báo cáo tóm tắt về: Kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2017; tình hình thực hiện Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; công tác rà soát, tháo gỡ các vướng mắc, bất cập của các quy định hiện hành về môi trường đầu tư, kinh doanh, các chính sách an sinh xã hội; kết quả thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg về nâng cao năng lực tiếp cận cách mạng công nghệ 4.0; kết quả thực hiện cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử và hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ năm 2017; công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng năm 2017…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Năm 2018 là năm bản lề thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của nhiệm kỳ nên đòi hỏi rất nhiều nhiệm vụ đặt ra cho Chính phủ và các địa phương  như: Tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong việc cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục – đào tạo, phát triển có hiệu quả văn hoá, xã hội; chăm lo cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. 

Để đạt được mục tiêu đề ra, đòi hỏi chúng ta  phải tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là xây dựng Chính phủ, chính quyền các địa phương trong sạch, liêm chính, vững mạnh, hoạt động  hiệu lực, hiệu quả.

Trần Hữu

Trần Thoan

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.