Khai mạc kỳ họp thứ tư Quốc hội khoá 14

Trong gần một tháng làm việc, Quốc hội sẽ xem xét 27 dự án luật, nghị quyết; miễn nhiệm và phê chuẩn hai thành viên Chính phủ.

khai-mac-ky-hop-thu-tu-quoc-hoi-khoa-14

Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khoá 14 kéo dài trong 26 ngày. Ảnh: Giang Huy.

9h sáng nay (23/10), Quốc hội khai mạc kỳ họp kéo dài 26 ngày.

Cùng với báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri từ Mặt trận tổ quốc, Quốc hội sẽ nghe Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày tình hình kinh tế-xã hội năm 2017 và kế hoạch năm tới.

Theo Uỷ ban Kinh tế, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2017 ước thực hiện sẽ đạt 6,7%, với điều kiện tăng trưởng quý IV đạt mức 7,4%-7,5%.

Nhiều ý kiến cho rằng, đây vẫn là thách thức lớn do những nhóm yếu tố tạo đà tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm 2017 gồm tiêu dùng của người dân, xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và tăng trưởng của ngành chế biến, chế tạo hiện không còn nhiều dư địa; bên cạnh đó là rủi ro tiềm ẩn đối với tăng trưởng của ngành nông nghiệp vốn phụ thuộc nhiều vào thời tiết…

Ngoài ra, yếu tố cảnh báo về thiên tai, bão, lũ lụt vẫn hiện hữu là thách thức đối với tăng trưởng của khu vực nông nghiệp.

Chiều cùng ngày, Quốc hội làm việc về báo cáo về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2017; dự toán năm 2018. Hai bộ trưởng Văn hóa, Thể thao Du lịch và Công Thương sẽ lần lượt trình bày dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; Luật Cạnh tranh (sửa đổi).

Nội dung "nóng" của kỳ họp

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 6 dự án luật, 12 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 9 dự án luật khác, gồm:  Luật quản lý nợ công (sửa đổi);  Luật quy hoạch; Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt...

Quốc hội cũng sẽ thảo luận, dự kiến ra nghị quyết về dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông; giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới; cơ chế, chính sách để phát triển TP HCM...

Bên canh công tác xây dựng pháp luật, Quốc hội dành khoảng 15 ngày để xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng, như: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018; các báo cáo của ngành tư pháp và báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng...

khai-mac-ky-hop-thu-tu-quoc-hoi-khoa-14-1

Quốc hội sẽ miễn nhiệm Bộ trưởng Giao thông Trương Quang Nghĩa và Tổng thanh tra trong kỳ họp này. Ảnh: CTV

Về công tác nhân sự, Quốc hội sẽ miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Giao thông vận tải đối với ông Trương Quang Nghĩa và chức vụ Tổng thanh tra Chính phủ đối với ông Phan Văn Sáu; phê chuẩn nhân sự mới thay thế ngay trong tuần làm việc đầu tiên.

Ông Trương Quang Nghĩa đã được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng. Trong khi đó, theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, ông Phan Văn Sáu đã có đơn gửi Bộ Chính trị xin thôi nhiệm vụ Tổng thanh tra, chuyển công tác khác phù hợp; tuy nhiên hiện chưa rõ ông Phan Văn Sáu sẽ đảm nhiệm vị trí công tác mới nào.

Ngoài nội dung nêu trên, Quốc hội dành thời gian 3 ngày để thực hiện việc chất vấn và trả lời chất vấn.

 

Tại kỳ họp lần này, Quốc hội dự kiến bố trí 11 ngày trong tổng số 26 ngày làm việc được phát thanh, truyền hình trực tiếp về 13 nội dung. Trong đó có 2 nội dung lần đầu tiên bố trí thảo luận tại phiên họp toàn thể của Quốc hội là: Việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

Theo VnExpress

Khánh Ngọc

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy