Một tấm lòng với Bác kính yêu

"… Ngày Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám, tôi mới 15 tuổi - đi theo đoàn quân Việt Minh tiến vào giải phóng huyện lỵ Trực Ninh (Nam Định), sau đó công tác ở Đoàn thanh, thiếu nhi địa phương, được học tập về lịch sử Đảng và tiểu sử của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Đến năm 1948, đủ 18 tuổi, tôi được kết nạp vào Đảng, từ đó được học tập, rèn luyện trong công tác Đảng, công tác chính trị mà trưởng thành...

Hằng năm cứ đến ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 tôi lại nhớ tới không khí tổng khởi nghĩa. Pháp chạy, Nhật hàng, Vua bù nhìn thoái vị, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời và hình ảnh Bác Hồ đọc lời tuyên ngôn độc lập giữa Quảng trường Ba Đình, cảm xúc trong tôi lại trào dâng…

Ông Phạm Quyết với tập bản thảo thơ về Bác Hồ.

Vốn là người yêu thơ từ hồi còn là học sinh, tôi đã làm nhiều bài thơ về cách mạng và Bác Hồ với tấm lòng biết ơn Đảng và lòng yêu kính Bác vô hạn. Chính cảm xúc từ những sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước và cảm nhận công ơn to lớn của Đảng và Bác Hồ với dân tộc, với đất nước nên càng vững tin quyết theo Đảng đến cùng và tôi viết hai tác phẩm thơ "Đường Cách mạng - Đường duy nhất đúng" và "Di chúc Bác Hồ - Di sản vô giá". Đây là những dòng thành kính để góp phần cùng đồng bào, đồng chí hồi tưởng lại không khí sôi sục tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh để tưởng nhớ đến Bác Hồ, đến công lao to lớn của Người với dân tộc, với đất nước…

Bài thơ "Đường Cách mạng - Đường duy nhất đúng" tôi sáng tác chỉ trong một ngày và đã được đăng trên Tạp chí Chính phủ số 2 năm 2014. Con đường cách mạng vô cùng gian lao, lớp sau theo lớp trước, không sợ hy sinh gian khổ kết lại thành làn sóng với sức mạnh thần kỳ, cuốn phăng mọi trở ngại dù trong hoàn cảnh khó khăn, tạo nên bằng máu và nước mắt của một dân tộc "thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ". Kể từ lúc Bác đi tìm đường cứu nước 30 năm, cộng với 5 năm từ khi Bác về Pắc Bó để lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lịch sử. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám chính là sự phát huy cao độ bản sắc văn hóa truyền thống yêu nước quý báu của người Việt Nam. Ngày 19/8/1945 mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi.

Cách mạng Tháng Tám đã chứng minh: Theo Đảng, theo Bác, người Việt Nam từ trong tăm tối vùng lên, bước ra ánh sáng chói lòa. Dù một dân tộc kiệt quệ đến đâu, trong tay không một tấc sắt nhưng đồng lòng cứu nước thì gian khổ hy sinh đến mấy cũng vượt qua. Tinh thần ngày 19/8 bất diệt tạo nên nền tảng tinh thần to lớn cho toàn dân tộc để chúng ta có thể bước vào những cuộc trường chinh đầy máu và nước mắt kiên quyết giữ cho được độc lập, thống nhất giang sơn… Có thể nói con đường cách mạng mà Bác đã chọn là nguồn cảm hứng mãnh liệt để tôi viết nên bài thơ này. "Đường cách mạng là con đường giải phóng/ Đường cách mạng là đường duy nhất đúng/ Vững niềm tin theo Đảng đến cùng"…

Theo năm tháng, chính tình cảm thành kính và lòng biết ơn vô hạn đối với Bác đã giúp cho tôi viết nên những lời thơ dạt dào cảm xúc. Khi viết bài thơ "Di chúc Bác Hồ - Di sản vô giá" tôi đã rất xúc động khi đọc phần về việc riêng của bản Di chúc. Bác thọ 79 mùa xuân, không hiểu sao Bác viết Di chúc nói về việc riêng cũng đúng có 79 từ. Năm 1965 là lúc Người khởi thảo trang đầu tiên của Di chúc. Có ai ngờ 24 năm trước Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập, 24 năm sau lại tiễn Bác đi đúng tại nơi đó. Bác lập nước ngày nào, Bác ra đi vào ngày ấy, mà Bác lại đi đúng khoảng giờ tâm linh - lúc đó là 9h47' ngày 2/9/1969. Những điều này con cháu chúng ta phải biết vì nó trở nên rất linh thiêng với cuộc sống của chúng ta. Ta không thần thánh hóa Bác, nhưng Bác vĩ đại đến mức thành huyền thoại thì điều này rất linh thiêng. "Cả dân tộc lệ rơi lã chã/ Cả tháng trời tầm tã mưa rơi/ Đau thương nghiêng ngả đất trời/ Mây vần vũ trắng bay ngoài nước non"…  "Đúng 79 từ mà hàng triệu con tim òa khóc/ Khi tôi qua đời, chớ nên điếu phúng linh đình/ Lãng phí thời gian, tiền bạc của dân mình… Ôi! phẩm giá sáng trong, cao đẹp mà giản dị" Chúng ta nguyện với nhau học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người, sống sao cho xứng đáng như Bác hằng mong đợi ở chúng ta…".

Đó là sự trải lòng của cựu chiến binh 69 năm tuổi Đảng Phạm Quyết (tổ 9, phường Lương Khánh Thiện, thành phố Phủ Lý) trong những ngày thu lịch sử của đất nước về hai trong số nhiều bài thơ ông viết về Bác Hồ. Là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, ông từng có tác phẩm đạt Giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Khuyến, năm nay dù đã ở tuổi 87, song, ông vẫn sáng tác thơ, và Bác Hồ vẫn luôn là nguồn cảm hứng, là chủ đề chính cho thơ ông. Được gặp và trò chuyện với ông tại nhà riêng, ông vẫn đầy nhiệt tình và sự tinh tường khi lần giở từng trang chữ viết tay và đọc cho chúng tôi nghe những bài thơ ông viết về Bác. Ở ông và thơ của ông luôn thấy một niềm tin theo Đảng và đặc biệt một tấm lòng yêu kính Bác lớn lao, chân thành mà thiêng liêng, cao quý. Niềm tin và tình cảm đặc biệt đó đã được ông thể hiện bằng gần 40 bài thơ viết về Bác. Ông bảo: Nghĩ và viết về Bác để luôn nhắc nhớ tới công ơn trời biển của Bác, để luôn nhắc nhớ phải học, làm theo Bác…

Đưa cho chúng tôi tập bản thảo cả viết tay, cả đánh máy với tựa đề "Học, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" cùng bức ảnh Bác Hồ, ông vui lắm: Đây là tập thơ tập hợp những bài thơ tôi viết về Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi dự định nay mai sẽ "ra" tập thơ này để tưởng nhớ tới Bác và người học trò xuất sắc của Người nhân bước sang năm 2018 - kỷ niệm 128 năm Ngày sinh của Bác và cũng là 5 năm ngày mất của Đại tướng với tất cả tấm lòng thành kính và biết ơn của mình…

Với ông tình cảm đối với Bác là một tình cảm lớn, thiêng liêng và biết ơn sâu sắc. Yêu kính Bác, nhớ về Bác và ghi nhớ lời dạy của Bác, cả cuộc đời sống, chiến đấu và học tập, công tác của ông luôn là sự nỗ lực, phấn đấu hết mình và gương mẫu. Là Đại tá quân đội về nghỉ hưu với nhiều Huân chương, huy hiệu cao quý, ông tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của địa phương. Ông từng là Bí thư chi bộ xuất sắc với 13 năm làm Bí thư chi bộ tổ dân phố 3B, phường Lương Khánh Thiện, được Đảng tin, dân mến. Ông luôn nhớ những bài học, lời căn dặn của Bác, sống tiết kiệm, giản dị, trách nhiệm và gương mẫu để con, cháu noi theo. Chính vì vậy, người đảng viên trung kiên 69 năm tuổi Đảng này vẫn không ngừng trau dồi, giữ gìn đạo đức cách mạng, nguyện mãi mãi làm theo lời dạy của Bác kính yêu…

Thu Thảo

Thu Thảo

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy