Cải cách thủ tục hành chính tư pháp ở ngành Tòa án

Cải cách thủ tục hành chính tư pháp (TTHCTP), chuyển đổi số tại tòa án là quy trình, thủ tục xử lý công việc mang tính chất hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi có công việc tại tòa án. Nhận thức rõ vấn đề này, thời gian qua, tòa án nhân dân (TAND) hai cấp trong tỉnh đã thực hiện nhiều khâu đổi mới, công khai, minh bạch TTHCTP và chuyển đổi số, qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.

Đồng chí Trần Hữu Quân, Chánh án TAND tỉnh cho biết: Xây dựng tòa án điện tử là chủ trương lớn của TAND Tối cao và là xu thế tất yếu trong “thời đại số” hiện nay. Nhận thức rõ điều đó, thời gian qua, TAND hai cấp trong tỉnh đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hỗ trợ hoạt động; đẩy mạnh việc cung cấp các dịch vụ công tư pháp lên nền tảng số, như: Dịch vụ công đăng ký trực tuyến cấp sao bản án, tài liệu trong hồ sơ vụ án, dịch vụ công gửi - nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của tòa án bằng phương tiện điện tử; triển khai có hiệu quả phần mềm trợ lý ảo hỗ trợ cho thẩm phán, thư ký; công khai các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật trên trang thông tin điện tử của ngành... Qua đó, tiết kiệm được nguồn nhân lực, thời gian làm công tác báo cáo, thống kê, theo dõi, quản lý vụ việc, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động nghiệp vụ.

Các đại biểu rút kinh nghiệm sau khi kết thúc phiên tòa trực tuyến tại điểm cầu trung tâm TAND tỉnh.

Thực hiện chủ trương lớn của toàn ngành, công tác cải cách TTHCTP được TAND 2 cấp trong tỉnh thực hiện đồng bộ ở tất cả các khâu, đặc biệt là đổi mới quy trình, thủ tục tiếp nhận, xử lý đơn, hồ sơ khởi kiện, hồ sơ thi hành án theo hướng đơn giản hóa, rút ngắn thời gian xử lý đơn, giải quyết yêu cầu của cơ quan, tổ chức, công dân. Nếu như trước đây, mỗi khi cần nộp hồ sơ, giấy tờ tại các cơ quan tòa án, người dân có thể phải đi lại nhiều lần, liên hệ với nhiều bộ phận, tòa chuyên trách, nhưng đến nay, chỉ cần có máy tính kết nối internet, công dân có thể nộp các loại giấy tờ cần thiết cho cơ quan tòa án qua cổng thông tin của ngành hoặc nộp trực tiếp qua bộ phận “một cửa”. Nhằm đổi mới quy trình, thủ tục tiếp nhận, xử lý các loại đơn khởi kiện, hồ sơ, giấy tờ liên quan đến công tác tố tụng, xét xử, thi hành án, từ nhiều năm nay, TAND hai cấp của tỉnh đã triển khai mô hình “Hành chính tư pháp một cửa”, thực hiện theo quy trình khép kín một đầu mối. Theo đó, bên cạnh việc nhận hồ sơ, giấy tờ liên quan đến hoạt động tố tụng, cán bộ hành chính tư pháp còn có trách nhiệm hướng dẫn, giải thích cụ thể cho tổ chức, cá nhân đến liên hệ làm việc các bước tố tụng ban đầu, tránh việc nộp đơn tràn lan và đi lại nhiều lần do làm không đúng thủ tục hoặc thiếu giấy tờ. Nhờ đó, số lượt công dân đến liên hệ nhiều lần để giải quyết một việc giảm so với trước, tiết kiệm thời gian, chi phí cho công dân; khắc phục cơ bản tình trạng tổ chức, cá nhân nộp đơn tràn lan, không có căn cứ. Hằng năm, TAND hai cấp còn tiến hành rà soát, loại bỏ những thủ tục rườm rà, không còn phù hợp, xác định rõ thời gian giải quyết đối với từng khâu, bảo đảm các vụ việc được thụ lý, giải quyết đúng quy định.

Cùng với đó, TAND hai cấp đẩy mạnh ứng dụng CNTT; ứng dụng phần mềm nội bộ vào các hoạt động của tòa án như phần mềm quản lý việc thụ lý, giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; phần mềm quản lý số hóa hồ sơ vụ án, phần mềm thư điện tử nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết án và quản lý nghiệp vụ. Các loại hồ sơ, biểu mẫu, hướng dẫn quy trình, thủ tục nộp hồ sơ được công khai trên cổng thông tin của ngành, giúp công dân dễ dàng tra cứu, ứng dụng, thực hiện; việc cung cấp dịch vụ công của ngành TAND lên nền tảng số như dịch vụ công đăng ký trực tuyến cấp sao bản án, dịch vụ công gửi và nhận đơn kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của tòa án nhằm tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức khi đến cơ quan tòa án làm việc... từng bước xây dựng môi trường làm việc khoa học, hiện đại.

Một trong những bước chuyển quan trọng của công tác cải cách TTHCTP, chuyển đổi số tại TAND hai cấp trong tỉnh thời gian qua phải kể đến là việc tổ chức xét xử bằng hình thức trực tuyến, rút kinh nghiệm theo Nghị quyết 33 của Quốc hội và việc công khai các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật trên trang thông tin điện tử của ngành. Theo đó, từ đầu năm đến hết 8 tháng năm 2024, TAND hai cấp trong tỉnh đã tổ chức xét xử bằng hình thức trực tuyến, rút kinh nghiệm đối với 37 phiên tòa, bảo đảm đúng trình tự, thủ tục tố tụng; thể hiện rõ quyết tâm của TAND hai cấp về tăng cường ứng dụng CNTT trong xét xử, giải quyết án, đẩy mạnh cải cách tư pháp, chuyển đổi số, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Đối với việc công khai các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật trên trang thông tin điện tử của ngành, cũng trong 8 tháng qua, các thẩm phán đã công bố 662 bản án, quyết định; thực hiện công khai, minh bạch hoạt động xét xử, giải quyết án của tòa án, bảo đảm cơ chế giám sát của nhân dân đối với hoạt động của tòa án. Từ hoạt động này, nhiều bản án, quyết định của TAND hai cấp trong tỉnh sau khi công bố đã nhận được ý kiến phản hồi tích cực của nhân dân; là một kênh giúp lãnh đạo TAND các cấp có thêm thông tin, giám sát chất lượng bản án, quyết định và đánh giá, phân loại, có giải pháp phù hợp nâng cao chất lượng đội ngũ thẩm phán, định hướng đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, ban hành những quy định để giải quyết những hạn chế, vướng mắc trong áp dụng pháp luật vào hoạt động xét xử; ngăn ngừa, hạn chế hiện tượng tham nhũng, tiêu cực trong công tác xét xử.

Trần Ích

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy