Đường Hồ Chí Minh trên biển - nét độc đáo, sáng tạo, sự kế thừa và phát triển lên tầm cao mới nghệ thuật quân sự Việt Nam

Quyết định mở đường Hồ Chí Minh trên biển không chỉ thể hiện tầm nhìn chiến lược của Ðảng về nghệ thuật chiến tranh, khả năng chuyển hóa tương quan lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường, mà còn là nét độc đáo, sáng tạo, sự kế thừa và phát triển lên tầm cao mới nghệ thuật quân sự Việt Nam trong giải quyết mối quan hệ giữa hậu phương với tiền tuyến trong chiến tranh.

Tuyến đường với những con tàu không số đã gắn với tên tuổi, địa danh và biết bao chiến công hiển hách của những Anh hùng liệt sĩ, của quân và dân các địa phương, đặc biệt là bộ đội Hải quân Nhân dân Việt Nam anh hùng, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội.

Thời  gian đã đi qua nhưng đường Hồ Chí Minh trên biển đã và sẽ mãi mãi trở thành biểu tượng sáng ngời của ý chí sắt đá, lòng dũng cảm, sức sáng tạo phi thường của toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; là niềm tự hào, nguồn cổ vũ, động viên lớn lao đối với toàn quân, toàn dân ta, đặc biệt là đối với bộ đội hải quân và nhân dân các tỉnh duyên hải nơi tuyến đường đi qua. Những chiến sĩ của "Ðoàn tàu không số" mãi mãi được Tổ quốc, nhân dân tôn vinh, kính trọng.

Quyết định mở đường Hồ Chí Minh trên biển không chỉ thể hiện tầm nhìn chiến lược của Ðảng về nghệ thuật chiến tranh, khả năng chuyển hóa tương quan lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường, bản lĩnh và tài thao lược của Ðảng, quân đội và nhân dân ta, mà còn là nét độc đáo, sáng tạo, sự kế thừa và phát triển lên tầm cao mới nghệ thuật quân sự Việt Nam trong giải quyết mối quan hệ giữa hậu phương với tiền tuyến trong chiến tranh.

Bến tàu không số K15 nơi khởi nguồn con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển. Ảnh: baodaklak.vn

Ðường Hồ Chí Minh trên biển đã tạo nên kỳ tích có một không hai trong lịch sử kháng chiến chống xâm lược, đã hội tụ được sức mạnh toàn dân tộc cho kháng chiến thắng lợi và đánh dấu sự sáng tạo, độc đáo trong tư duy chiến lược của Ðảng trong hoàn cảnh đặc biệt của cuộc chiến tranh.

Từ năm 1954 đến năm 1959, Mỹ - Diệm trắng trợn vi phạm Hiệp định Giơ-ne-vơ, tiến hành tổng tuyển cử riêng rẽ, khủng bố, đàn áp dã man phong trào yêu nước của nhân dân miền nam; huy động cao độ các phương tiện vũ khí, kỹ thuật và phương tiện chiến tranh hiện đại để ngăn chặn sự chi viện của miền bắc cho chiến trường miền nam.

Ðể kịp thời lãnh đạo cách mạng miền nam, tháng 1-1959, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Lao động Việt Nam tổ chức Hội nghị lần thứ 15 (khóa II), mở ra bước ngoặt cho cách mạng miền nam chuyển từ thế bảo toàn lực lượng sang thế chủ động tiến công liên tục. Dưới ánh sáng Nghị quyết Trung ương 15, nhân dân miền nam đã nhất tề đứng lên, quyết chiến đấu với quân thù. Tình hình đó đặt ra nhu cầu về vũ khí, trang bị quân sự trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Việc quyết định mở đường Hồ Chí Minh trên biển cùng với đường Hồ Chí Minh trên bộ đã tạo nên một sức mạnh mới, phát huy được mọi tiềm năng vật chất, sức sáng tạo của toàn dân, toàn quân chi viện cho chiến trường. Quyết định đó cũng thể hiện bản lĩnh kiên cường, ý chí và quyết tâm cao của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta; tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Với việc khai thông tuyến chi viện chiến lược bắc - nam trên biển, là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng. Từ đây, các địa phương ven biển miền nam, từ Nam Trung Bộ đến Nam Bộ đã nhận được sự chi viện trực tiếp của miền bắc, tạo nên sức mạnh và niềm tin cho các lực lượng vũ trang trên chiến trường, góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.

Nét độc đáo, sáng tạo, sự kế thừa và phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam của đường Hồ Chí Minh trên biển thể hiện ở việc tổ chức, sử dụng lực lượng hợp lý, giữ được yếu tố bí mật, bất ngờ, lựa chọn đường đi linh hoạt.

Ngay từ đầu cuộc chiến tranh, kẻ thù đã sử dụng hàng trăm tàu chiến lớn nhỏ thiết lập các hệ thống tuần tiễu suốt ngày đêm trên biển và cả hệ thống tuần tiễu bằng máy bay trên không để phát hiện tàu lạ, hòng ngăn chặn sự chi viện, tiếp tế của miền bắc xã hội chủ nghĩa cho chiến trường miền nam. Sau thất bại nặng nề trong giai đoạn 1954-1960, đế quốc Mỹ tiến hành chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" (1961-1965), ráo riết thực hiện các cuộc hành quân tìm, diệt; đồng thời mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền bắc bằng biệt kích thám báo và phong tỏa biên giới, vùng biển để ngăn chặn chi viện của miền bắc cho miền nam.

Nhất là sau sự kiện "Vũng Rô", địch phát hiện tàu và vũ khí trang bị, đạn dược ta tiếp viện cho miền nam, chúng đã huy động lực lượng của Hạm đội 7, các biên đội tàu sân bay và hàng trăm tàu chiến đấu các loại, thành lập lực lượng đặc nhiệm phối hợp lực lượng hải quân ngụy Sài Gòn; tăng cường hàng trăm lượt máy bay trinh sát ven bờ để sục sạo liên tục ngày đêm từng ki-lô-mét vuông mặt biển; đồng thời xây dựng nhiều trạm ra-đa và mạng lưới thông tin hiện đại quan sát ven bờ, trên các đảo để phát hiện, ngăn chặn sự tiếp viện của ta.

Mặc dù kẻ thù tìm mọi cách để phong tỏa, lùng sục, kiểm soát gắt gao, nhưng không có sức mạnh nào cắt đứt được tuyến giao thông huyết mạch của ta trên biển. Lợi dụng sự đi lại của tàu thuyền với mật độ cao trên tuyến hàng hải quốc tế và hàng vạn tàu thuyền đánh cá của ngư dân ven biển miền nam, ta đã sử dụng các loại tàu nhỏ, ngụy trang giống các tàu đánh cá, các tàu buôn quốc tế, biên chế lực lượng ít, mang theo số lượng vũ khí đạn dược vừa phải; đồng thời có phương án phòng tránh, đánh trả và có phương án hủy tàu khi bị địch phát hiện, truy đuổi nên hầu hết các tàu vận tải tiếp viện của ta vẫn vượt qua mọi gian nguy, thử thách chi viện được cho miền nam.

Cùng với việc sử dụng lực lượng hợp lý, ta đã biết kết hợp giữa hoạt động bí mật và công khai; xuất phát ở nhiều bến và cập bến ở nhiều điểm, có khi phải cập bến ở cả cảng của nước bạn trước khi cập bến vào miền nam để giao hàng; đi trên nhiều tuyến, nhiều cung đường khác nhau, có khi phải ra tận hải phận quốc tế để tránh sự phát hiện, ngăn chặn của địch.

Khi địch ngăn chặn, phong tỏa gần bờ, ta đi trên vùng biển xa; địch phong tỏa đường dài thì ta đi phân đoạn; khéo léo kết hợp ngụy trang nghi binh, khôn khéo, táo bạo, bí mật bất ngờ luồn sâu vào các bến trong các kênh rạch làng xã của dân; khi địch phát hiện bám đuổi thì ta đi ra vùng biển quốc tế; khi địch phát hiện tấn công tàu thì ta đánh trả quyết liệt, khi cần thiết thì tiến hành phá hủy tàu để giữ bí mật. Thành công đó đã làm nên nét độc đáo, sáng tạo của nghệ thuật quân sự Việt Nam, tiếp tục kế thừa và phát huy cao độ truyền thống đánh giặc của cha ông.

Ðường Hồ Chí Minh trên biển còn là sự vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự toàn dân đánh giặc, kết hợp ba thứ quân, phát huy tới mức cao nhất sức mạnh của toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại tạo nên sức mạnh tổng hợp vô cùng to lớn để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Quán triệt đường lối chiến tranh nhân dân của Ðảng và hiểu sâu sắc nghệ thuật quân sự toàn dân đánh giặc của ông cha ta, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị được giao nhiệm vụ vận tải trên biển thường xuyên được giáo dục tinh thần vì dân mà chiến đấu, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải giữ mối liên hệ chặt chẽ với nhân dân. Vì thế, trong suốt hành trình vận tải trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển, từ những chuyến vượt biển đầu tiên của các đội thuyền Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu... cho đến sau này thành lập Ðoàn 759, Ðoàn 125, tuyến vận tải quân sự chiến lược - đường Hồ Chí Minh trên biển luôn nhận được sự hỗ trợ tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền, nhân dân và các lực lượng nơi có bến bãi tập kết hàng của các địa phương ven biển nơi con đường đi qua.

Nhờ có sự giúp đỡ, che chở, đùm bọc của nhân dân các địa phương luôn sẵn sàng đóng góp của cải và công sức cho tuyến vận tải chiến lược trên biển được thông suốt, các nước anh em, bạn bè trên thế giới, đặc biệt là Liên Xô, Trung Quốc đã dành cho Việt Nam sự giúp đỡ vật chất và ủng hộ tinh thần hết sức lớn lao và hiệu quả, đường Hồ Chí Minh trên biển-con đường huyền thoại luôn được giữ bí mật trong suốt  thời gian dài và đưa các chuyến hàng tiếp viện từ bắc vào nam cập bến an toàn, góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền nam, thống nhất Tổ quốc. Ðó chính là sự kế thừa và phát triển nghệ thuật quân sự toàn dân đánh giặc của dân tộc, là thành công to lớn của đường lối chiến tranh nhân dân, thế trận lòng dân của Ðảng ta.

Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến phức tạp, vừa thuận lợi, vừa có những thách thức mới. Ðiều đó đặt ra những yêu cầu rất cao đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa. Chắc chắn rằng, những bài học về nét độc đáo, sáng tạo, sự kế thừa và phát triển của nghệ thuật quân sự Việt Nam, của Ðường Hồ Chí minh trên biển sẽ được toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục phát huy lên tầm cao mới, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định  và phát triển toàn diện đất nước; thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Ðại tướng Phùng Quang Thanh

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng (thời điểm năm 2011)

Nguồn: Nhân dân Chủ nhật

Theo Kỳ tích đường Hồ Chí Minh trên biển (Nhà xuất bản Hồng Đức)

Hải Phong

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.