Những màu hoa giữa trùng khơi

Khác với đất liền, mùa hoa đẹp nhất ở huyện đảo Trường Sa phải vào đầu mùa hè. Khi ấy, hoa sứ, hoa giấy, hoa mào gà, hoa trang, hoa mười giờ, hoa cúc lá nhám, hoa vạn thọ… khoe sắc rực rỡ dưới nắng vàng.

Những chùm hoa giấy rực rỡ dưới ánh nắng vàng ở đảo Nam Yết.

Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, mưa ít, nắng nhiều, mùa mưa bão thì gió quật, đảo có nước ngọt, đảo không, hơi nước biển mặn thậm chí còn đóng thành muối ngay trên bờ kè… nên những loại cây được trồng trên các đảo phải thích hợp với nắng, gió biển khơi. Vì thế, ở Trường Sa chủ yếu là cây tra, phi lao, bàng vuông, cây nhàu, phong ba, bão táp, hoa đại, hoa sứ, hoa giấy…, những loại cây, hoa mang trong mình một sức sống mãnh liệt. 

Ở Trường Sa, bàng vuông được xem là loài cây đặc thù tạo màu xanh cho đảo. Bàng vuông tượng trưng cho sức sống mãnh liệt ở Trường Sa. Dù quanh năm nắng gió, mưa bão, hơi mặn của biển nhưng bàng vuông vẫn cắm rễ sâu vào nền đá san hô, vươn lên tươi tốt, cành lá sum suê, tạo nên một dáng đứng hiên ngang, khỏe khoắn. Hoa bàng vuông khi nở từng cuống nhụy trắng điểm phớt tím vươn dài như những tia sáng chúng hợp lại với nhau như màn pháo hoa trong đêm lễ hội. Gió đưa nhè nhẹ, chùm hoa cứ lung linh dưới ánh trăng và sóng nước đại dương. Ngắm hoa bàng vuông tươi tắn, đẹp đẽ nhất là vào lúc sáng sớm khi bình minh bắt đầu ló rạng. Nghe các chiến sỹ thường chăm sóc hoa kể lại, hoa bàng vuông có đặc trưng riêng, trong mỗi chùm hoa mỗi đêm chỉ nở một bông, cứ như vậy quá trình ra hoa của cây liên tục trong năm, thành ra, bàng vuông là loài hoa không mùa của đảo.

Cây bàng vuông có sức sống mãnh liệt. Quanh năm nơi đảo xa nơi đầy sóng gió với nước biển mặn chát, vậy mà cây vẫn xanh tốt, lá bàng rất ít rụng và không có kỳ thay lá. Ngày Tết Nguyên đán, bộ đội còn lấy lá bàng vuông cùng với lá dong của đất liền gửi ra để gói bánh chưng, bánh tét. Gói bánh bằng lá bàng vuông sẽ rất khác so với lá dong vì lá bàng vuông không được to, mềm và dẻo như lá dong. Bánh chưng được gói bằng lá bàng vuông cũng có màu xanh như lá dong nhưng có vị rất khác, một vị chát ngọt của lá bàng vuông, thơm thơm mùi thảo mộc. Đối với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên huyện đảo Trường Sa, chiếc bánh chưng xanh được gói bằng lá bàng vuông là món ẩm thực không thể thiếu trong mỗi dịp Tết đến, xuân về. 

Ở đảo Song Tử Tây, cây bàng vuông được trồng ở khắp nơi, nhiều cây trĩu quả. Còn ở đảo Sơn Ca, bàng vuông che bóng mát từ Trạm hải đăng đi vào tận khu nhà ở, nhà ăn, khu chỉ huy. Sau giờ trực, rèn luyện, cán bộ, chiến sĩ thường ra ngồi dưới tán cây để nghỉ ngơi, trò chuyện, ca hát.

Vườn hoa nhỏ trên đảo chìm Đá Nam.

Cùng với bàng vuông, nhiều loài hoa khác cũng kiên cường bám trụ nơi đây, tạo nên vẻ đẹp rực rỡ giữa trùng khơi sóng gió. Hiện nay, các đảo đã trồng được nhiều loại hoa như phong lan, hoa sứ, hoa cúc, hoa giấy, hoa chiều tím, hoa mười giờ, loa kèn, mẫu đơn, ngũ sắc… 

Khi nhắc đến hoa phong lan, mọi người thường nghĩ đến xứ sở tồn tại của nó là ở trong đất liền và khu vực rừng núi, hoặc cùng lắm là ở các đảo ven bờ, chứ không phải ở nơi đậm đặc vị mặn muối biển giữa trùng khơi bao la thế này. Hoa lan được ví như thiếu nữ đài các, đỏng đảnh, khó chiều. Cùng với sự khắc nghiệt của thời tiết, muốn trồng được những giỏ lan thì phải thực sự yêu hoa, có tâm chăm hoa. Dù giữa mênh mông sóng gió, cán bộ, chiến sỹ trên các đảo nổi của quần đảo đều trồng, chăm sóc những vườn hoa thanh niên rực rỡ. 

Để có được chậu hoa, vườn hoa nhỏ anh em phải dành nhiều công sức để chăm sóc, giữ gìn; có khi những chậu hoa đẹp, vườn hoa đẹp song chỉ một đêm thời tiết thay đổi, giông gió là bao nhiêu công chăm sóc không còn nữa. Khó khăn là thế, nhưng anh em các đảo vẫn khao khát được có những chậu hoa, vườn hoa để ngắm. Bởi lẽ, hoa Trường Sa không chỉ là sức sống mà còn là tinh thần của quân và dân nơi đây.

Trường Sa còn có một loại hoa rất đặc biệt - hoa ốc. Qua bàn tay tài ba, khéo léo, tỷ mỉ của những chiến sĩ hải quân, từ vỏ của những con ốc nhảy, ốc xà cừ, ốc bàn tay… cùng với đoạn dây thép, miếng vải bạt đã làm ra cành hoa ốc đẹp mắt. Ngày về đất liền, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã mang theo những cành hoa ốc để làm quà cho người thân, cũng là để làm kỷ niệm cho chính mình. Để cho dù rời đảo nhưng vẫn nhìn thấy những bông hoa Trường Sa luôn ở bên mình.

Từ sự quyết tâm của cán bộ, chiến sỹ nên dù điều kiện thiếu đất, thiếu nước ngọt, hoa cúc vẫn phát triển tốt trên cát san hô, khi cao điểm cả đảo có tới hàng ngàn đóa hoa tưng bừng khoe sắc. Cũng như ở các gia đình và đơn vị trong đất liền, ở Trường Sa, hoa có ở trước cửa nhà, ở ven hàng rào, ở trong các ô vuông xây gạch ốp lát cẩn thận. Những bông hoa nở rộ khoe sắc làm cho thiên nhiên vốn khắc nghiệt, khô cứng nơi đây trở nên mềm mại và chan hòa hơi thở của sự sống.

Nguyễn Khánh

Khánh Chi

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy