Ký ức của một cựu chiến binh hải quân

Ra chiến trường vào thời điểm tháng 2/1975, nhưng cựu chiến binh (CCB) Trần Thủ Thành, thôn Văn Lâm, xã Liêm Tiết (thành phố Phủ Lý) cũng đã từng "nếm trải" bao sự gian nguy, khốc liệt của chiến tranh. Trò chuyện với chúng tôi, ký ức về những năm tháng ấy như vẫn còn in dấu đậm nét trong tâm trí của ông.

Từ những ngày đầu nhập ngũ, vốn có vóc dáng cao to, khỏe mạnh hơn các bạn cùng trang lứa, ông đã được chọn đầu quân cho đơn vị lính hải quân thuộc Lữ đoàn 125, tham gia vào đoàn tàu không số huyền thoại. Vinh dự, tự hào, nhưng cũng không ít hiểm nguy. Sau thời gian huấn luyện tại đơn vị, anh lính trẻ Trần Thủ Thành bắt đầu được giao làm nhiệm vụ theo những chuyến tàu Nam tiến.

Trên đoàn tàu không số, chở vũ khí cung cấp cho chiến trường miền Nam, anh lính trẻ Trần Thủ Thành cùng các thủy thủ vừa phải làm nhiệm vụ đặc biệt, vừa phải làm nhiệm vụ của những ngư dân thực thụ. Những ngày đầu đi biển với anh lính trẻ Trần Thủ Thành thật lạ lẫm bởi từ nhỏ anh vốn theo cha mẹ đi làm kinh tế mới ở vùng  Tây Bắc, chưa bao giờ được biết đến biển cả. Nhưng rồi được sự chỉ bảo dìu dắt của lớp đàn anh, vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, Trần Thủ Thành dần quen với nhiệm vụ được giao, dần quen với sóng gió trên biển.

Nhiệm vụ trên tàu của anh khi đó chủ yếu làm "anh nuôi", vừa nấu cơm phục vụ anh em thủy thủ, vừa kéo lưới như một ngư dân đánh cá. Việc làm đó nhằm mục đích ngụy trang, đánh lạc hướng, tránh sự nhòm ngó của quân địch có thể gây cản trở đến việc thực thi nhiệm vụ của đoàn tàu. Nếu ngụy trang không khéo, bị lộ, quân địch có thể tấn công đe dọa tính mạng của anh em thủy thủ tàu, mất hàng, mất vũ khí. Và đoàn tàu có thể sẽ mãi mãi nằm lại nơi biển khơi.

Cựu chiến binh Trần Thủ Thành cùng các đồng đội thăm lại con tàu không số mang tên HQ 671 tại Bến cảng Bảo tàng Hải quân.

Ngoài nhiệm vụ "anh nuôi", đánh bắt cá, những lúc rảnh rỗi anh lính trẻ Trần Thủ Thành đã được học lái, phụ giúp cho các thủy thủ tàu. Bao khó khăn vất vả, đối mặt với hiểm nguy từ phía kẻ thù và sóng gió trên biển, nhưng với Trần Thủ Thành và các anh em trên đoàn tàu không số ấy vẫn kiên trì, đoàn kết bên nhau, quyết tâm vững vàng vượt qua.

Sự dũng cảm và lòng quyết tâm ấy của những người lính hải quân đã giúp cho những chuyến tàu ra khơi và cập bến an toàn, đưa những chuyến hàng gồm thuốc men, vũ khí... cung cấp kịp thời cho đồng chí, đồng đội nơi chiến trường miền Nam ác liệt. Nhớ lại những năm tháng ấy, với CCB Trần Thủ Thành vẫn vẹn nguyên cảm xúc của những chuyến đi. Điều để lại ấn tượng sâu đậm trong quãng đời làm lính hải quân đó là trước mỗi chuyến tàu ra khơi, đơn vị đều tổ chức lễ truy điệu sống với các cán bộ, chiến sĩ. Gian nguy, vất vả, nhưng động lực lớn của những người lính hải quân khi ấy đó là mỗi khi tàu cập bến, được bà con địa phương đón chào rất nồng hậu, ấm áp, điều đó khiến cho những người lính biển thấy như mình được trở về nhà. Để rồi như lại được tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục ra khơi hoàn thành tốt nhiệm vụ, đưa những chuyến tàu tới bến đỗ, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và vũ khí.

Kể về quãng thời gian đi biển, CCB Trần Thủ Thành không khỏi bùi ngùi, xúc động: Có những lần máy hỏng, tàu phải thả trôi giữa biển, lương thực, thực phẩm, nước uống cạn dần, ai ai cũng lo lắng. Giữa mênh mông biển trời, nếu không sửa được máy, chắc chắn sẽ mất tàu, mất vũ khí và toàn bộ anh em trên tàu cũng khó có thể duy trì sự sống nếu không cập được bờ. Những lúc như vậy, anh em thủy thủ trên tàu đều ý thức tập trung khắc phục sự cố, tìm mọi cách sửa chữa để tàu có thể tiếp tục hành trình.

Sau này, khi đất nước độc lập, ông Trần Thủ Thành vẫn tiếp tục là lính hải quân, theo các đoàn tàu làm nhiệm vụ chuyên chở quân, lương, hàng hóa, vật liệu xây dựng đi xây dựng, kiến thiết các đảo thuộc vùng biển đảo của Tổ quốc. Những chuyến đi dài ngày xa đất liền liên miên với người lính trẻ ấy. Năm 1978, thời điểm đi làm nhiệm vụ ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), ở nhà, cha đẻ của ông mất nhưng không thể liên lạc được, 1 năm sau ông về phép mới thắp hương cho cha.

Hy sinh tình cảm gia đình, tình cảm riêng tư để hoàn thành tốt nhiệm vụ chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đó là một sự hy sinh vô cùng lớn lao của những người lính. Sự hy sinh ấy đã góp phần làm nên chiến thắng và xây dựng đất nước hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc. Ngày nay, trở về cuộc sống đời thường, CCB hải quân Trần Thủ Thành cùng đồng đội vẫn tiếp tục động viên nhau gương mẫu trong lao động, sản xuất, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, góp sức xây dựng quê hương đổi mới.

Hương Giang

Phương Dung

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy