Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông - Chương 2 (Phần 2)

Quy chế pháp lý của các vùng biển và thềm lục địa được xác định một cách cụ thể và với những nội dung khác nhau. Để hiểu rõ tính chất và mức độ khác nhau đó, chúng ta hãy tìm hiểu các khái niệm pháp lý về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia.

2. Phạm vi và quy chế pháp lý của các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam

Quy chế pháp lý của các vùng biển và thềm lục địa được xác định một cách cụ thể và với những nội dung khác nhau. Để hiểu rõ tính chất và mức độ khác nhau đó, chúng ta hãy tìm hiểu các khái niệm pháp lý về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia. Trước hết, cần hiểu thế nào là chủ quyền quốc gia và chủ quyền quốc gia trên các vùng biển là gì? Như chúng ta đã biết, quốc gia là một thực thể cấu thành bởi 3 yếu tố: dân cư, lãnh thổ và chính quyền có chủ quyền, không có chủ quyền thì không thể tồn tại quốc gia theo đúng nghĩa của nó. Nói đến quốc gia là nói đến chủ quyền quốc gia. Chủ quyền là thuộc tính chính trị - pháp lý không thể tách rời của quốc gia.

Một góc đảo Thuyền Chài B của quần đảo Trường Sa. Ảnh: TTXVN

Chủ quyền quốc gia gồm 2 nội dung: quyền tối cao của quốc gia trong phạm vi lãnh thổ của mình và quyền độc lập của quốc gia trong quan hệ quốc tế.

Trong phạm vi lãnh thổ của mình, quốc gia có quyền tối cao về lập pháp, hành pháp và tư pháp. Mọi vấn đề chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của quốc gia phải do quốc gia quyết định, các quốc gia khác, cũng như các tổ chức quốc tế không có quyền can thiệp vào, mọi tổ chức, cá nhân cư trú trên lãnh thổ của quốc gia phải tuân thủ pháp luật của quốc gia nếu điều ước quốc tế mà quốc gia ký kết không có quy định khác.

Trong quan hệ quốc tế, quyền độc lập của quốc gia thể hiện ở chỗ quốc gia có quyền:

* Tự quyết định mọi vấn đề đối nội và đối ngoại của mình, các quốc gia khác không có quyền can thiệp hoặc áp đặt; không có một thế lực nào, cơ quan nào đứng trên quốc gia, có quyền đặt ra pháp luật và bắt buộc quốc gia phải thực hiện.

* Quốc gia chỉ có nghĩa vụ tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế hiện đại, các quy định của điều ước quốc tế mà quốc gia ký kết hoặc tham gia, đồng thời tôn trọng các tập quán quốc tế cũng như các điều ước quốc tế do các quốc gia khác ký kết phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế hiện đại.

Chủ quyền quốc gia trên biển cũng bao hàm những nội dung cốt lõi nói trên. Tuy nhiên, lãnh thổ quốc gia trên các vùng biển không đồng nhất về tính chất và chế độ pháp lý. Vì vậy, trên từng phạm vi của từng vùng biển, quốc gia ven biển có quyền thực hiện và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia. Pháp luật là phương tiện để bảo vệ các quyền cơ bản đó (Theo quan điểm pháp luật quốc tế thì quyền chủ quyền có nguồn gốc chủ quyền lãnh thổ, trong khi quyền tài phán là hệ quả của chủ quyền và quyền chủ quyền, có tác dụng bổ trợ, tạo ra môi trường để thực hiện chủ quyền và quyền chủ quyền). Mặc dù quyền tài phán gắn bó chặt chẽ với lãnh thổ, nhưng nó cũng có thể thực hiện ở nơi mà quốc gia đó không có chủ quyền, như quyền tài phán có thể được áp dụng trên tàu thuyền, phương tiện treo cờ của quốc gia đó khi chúng đang hoạt động trong các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền của quốc gia khác. Như vậy, quyền tài phán theo nghĩa rộng bao gồm:

- Thẩm quyền đưa ra các quyết định, quy phạm.

- Thẩm quyền giám sát việc thực hiện.

- Thẩm quyền xét xử của Tòa án đối với một lĩnh vực cụ thể: theo nghĩa hẹp, đó là thẩm quyền pháp định của Tòa án xét xử một người hay một việc. Sau đây là một số nội dung chủ yếu:

Chủ quyền đối với lãnh hải:

Lãnh hải của một quốc gia ven biển được coi như là lãnh thổ của quốc gia ven biển. Ranh giới ngoài của lãnh hải là biên giới quốc gia của quốc gia ven biển. Nước ven biển có chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn đối với lãnh hải của mình; chủ quyền này được mở rộng đến vùng trời trên lãnh hải, cũng như đến đáy và lòng đất dưới đáy của vùng này. Tuyên bố của Chính phủ ta về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ngày 12/5/1977 đã quy định: "Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn đối với lãnh hải của mình cũng như đối với vùng trời, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải" (Điều 1).

Tuy nhiên, do yêu cầu tính chất truyền thống của hàng hải quốc tế, luật pháp quốc tế trù định quyền của mọi loại tàu, thuyền của tất cả các quốc gia được đi qua không gây hại trong lãnh hải của quốc gia ven biển với điều kiện không gây ảnh hưởng đến hoà bình, trật tự, an ninh và môi trường của quốc gia ven biển. Trên thực tế, một số quốc gia yêu cầu tàu, thuyền nước ngoài phải xin phép hoặc thông báo trước mới được vào lãnh hải của mình, đặc biệt là đối với tàu chiến nước ngoài. Cần lưu ý là, quyền đi qua không gây hại không được áp dụng đối với vùng trời trên lãnh hải. Phương tiện bay nước ngoài muốn bay qua vùng trời trên lãnh hải của một nước ven biển phải xin phép nước ven biển đó.

Quyền chủ quyền đối với thềm lục địa:

Công ước Luật Biển năm 1982 quy định:

Về chế độ pháp lý, tương tự như Công ước năm 1958, Công ước năm 1982 quy định:

Quốc gia ven biển thực hiện các quyền thuộc chủ quyền đối với thềm lục địa về mặt thăm dò khai thác tài nguyên thiên nhiên của mình.

Các quyền đó có tính chất đặc quyền, nghĩa là nếu quốc gia ven biển không thăm dò thềm lục địa hay không khai thác tài nguyên thiên nhiên của thềm lục địa thì không ai có quyền tiến hành các hoạt động như vậy nếu không có sự thỏa thuận rõ ràng của quốc quốc gia ven biển.

Các quyền của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa không phụ thuộc vào sự chiếm hữu thực sự hay danh nghĩa, cũng như vào bất cứ tuyên bố rõ ràng nào.

Đồng thời công ước cũng quy định quốc gia ven biển có quyền tài phán (cho phép hoặc không cho phép) đối với việc xây dựng và lắp đặt các công trình thiết bị và đảo nhân tạo, nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ và giữ gìn môi trường biển trong vùng thềm lục địa của mình.

Mặt khác, Công ước cũng quy định quyền quốc gia ven biển đối với thềm lục địa không được ảnh hưởng tới quy chế vùng nước và vùng trời ở trên, tới quyền tự do hàng hải hay các quyền tự do khác được luật pháp quốc tế thừa nhận.

Chúng ta thấy rằng, mặc dù thềm lục địa không được coi như một bộ phận của lãnh thổ quốc gia (vì nó không thuộc chủ quyền của quốc gia ven biển), nhưng luật biển quốc tế đã quy định rất rõ ràng về phạm vi về quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của quốc gia ven biển đối với việc thăm dò, khai thác, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên thềm lục địa. Đây là quyền riêng biệt của quốc gia ven biển".

Ngư dân Quảng Ngãi quyết tâm bám biển Hoàng Sa. Ảnh: dangcongsan.vn

Quyền chủ quyền đối với vùng đặc quyền về kinh tế:

Trong vùng đặc quyền về kinh tế, các quốc gia ven biển có:

Các quyền thuộc chủ quyền về thăm dò và khai thác bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật, của vùng nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như về các hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế, như việc sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió.

Các quyền tài phán theo đúng những quy định thích hợp của Công ước về việc:

Lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình, nghiên cứu khoa học về biển;

Bảo vệ và giữ gìn môi trường biển;

Các quyền và nghĩa vụ khác do Công ước quy định.

Trong vùng đặc quyền về kinh tế, khi thực hiện các quyền và làm các nghĩa vụ của mình theo Công ước, quốc gia ven biển phải tính đến các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia khác và hành động phù hợp với Công ước.

Các quyền có liên quan đến đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nêu trong điều này được thực hiện theo đúng phần VI (thềm lục địa) của Công ước.

Chúng ta thấy rằng, Công ước đã khẳng định một nguyên tắc pháp lý rất quan trọng đã được các quốc gia đang phát triển ven biển đề xuất là quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với mọi loại tài nguyên thiên nhiên trong vùng đặc quyền về kinh tế của mình. Đây là một điều thay đổi mới cực kỳ quan trọng trong Luật Biển quốc tế. Có thể nói, về nguyên tắc, nó cho phép quốc gia ven biển có "quyền sở hữu mọi tài nguyên, sinh vật cũng như không sinh vật trong vùng đặc quyền về kinh tế, có toàn quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt các tài nguyên ở đó. Mọi hoạt động thăm dò, khai thác bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật, của vùng nước, đáy biển và lòng đất dưới đáy đều thuộc quyền chủ quyền của quốc gia ven biển. Các quốc gia khác muốn tiến hành các hoạt động như vậy đối với tài nguyên thiên nhiên của vùng đặc quyền về kinh tế đều phải được sự chấp thuận hoặc cho phép của quốc gia ven biển.

Trước hết, ta có thể xem xét việc khai thác tài nguyên sinh vật trong giới hạn của vùng. Trước đây tài nguyên sinh vật trong những vùng như vậy do tất cả các quốc gia khai thác theo nguyên tắc quyền tự do đánh bắt hải sản ở biển cả, quyền chủ quyền của một quốc gia nào cũng không được mở rộng ra đối với tài nguyên cũng như đối với biển cả. Nay, theo Công ước mới, các quốc gia ven biển có quyền chủ quyền nhằm mục đích thăm dò, khai thác và bảo vệ các tài nguyên sinh vật trong vùng đặc quyền về kinh tế của mình.

Mọi tài nguyên khoáng sản ở đáy và lòng đất dưới đáy biển trong vùng đặc quyền về kinh tế cũng như các hoạt động thăm dò và sử dụng chúng đều thuộc quyền chủ quyền của quốc gia ven biển.

Một điểm quan trọng khác ở vùng đặc quyền kinh tế là mọi hoạt động nhằm thăm dò và khai thác vùng này nhằm mục đích kinh tế như việc sản xuất năng lượng từ nước, gió, hải lưu đều được đặt dưới quyền chủ quyền của quốc gia ven biển.

Ngoài quyền chủ quyền, quốc gia ven biển có quyền tài phán đối với việc lắp đặt và sử dụng các đảo, các thiết bị và công trình nhân tạo trong vùng đặc quyền về kinh tế đối với việc nghiên cứu khoa học biển cũng như việc bảo vệ và giữ gìn môi trường biển. Điều này có nghĩa là quốc gia ven biển, ngoài viêc có đặc quyền tiến hành xây dựng, cho phép và quy định việc xây dựng, khai thác và sử dụng các đảo, thiết bị và công trình nhân tạo trong vùng đặc quyền kinh tế, có quyền thiết lập các vùng an toàn không mở rộng quá 500m của các công trình đó (Điều 60), còn có thẩm quyền đưa ra các quy định, quy phạm, tiến hành giám sát, xét xử theo pháp luật của nước mình đối với mọi công dân, tổ chức (kể cả người nước ngoài và tổ chức quốc tế) đang tiến hành hoạt động trong vùng đặc quyền về kinh tế của quốc gia ven biển. Mặt khác, Công ước cũng quy định việc xây dựng và thiết lập các công trình nhân tạo trong vùng đặc quyền về kinh tế cần phải được thực hiện phù hợp với các quy định về an toàn hàng hải và không được ảnh hưởng đến việc sử dụng các đường hàng hải quốc tế thiết yếu của cộng đồng quốc tế.

Để đảm bảo cho việc thực thi các quyền thuộc chủ quyền về thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên sinh vật của vùng đặc quyền về kinh tế của quốc gia ven biển trong vùng đặc quyền về kinh tế, Công ước cho phép các quốc gia ven biển thi hành quyền khám xét, kiểm tra, bắt giữ và khởi tố tư pháp (Điều 73). Tàu thuyền đánh cá nước ngoài khi được phép đánh bắt hải sản trong vùng đặc quyền về kinh tế của quốc gia ven biển phải tuân theo các biện pháp bảo tồn và các điều kiện, quy định của quốc gia ven biển về cấp phép, chủng loại và khối lượng được phép, mùa vụ, khu vực, tuổi và kích thước tài nguyên, phương pháp, bốc dỡ... Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của hoạt động nghề cá và để tránh việc lạm dụng, Công ước quy định nếu đã có bảo lãnh nhất định, quốc gia ven biển cần trả tự do ngay cho thủy thủ và ngư dân vi phạm, đồng thời yêu cầu không được áp dụng hình phạt tống giam hay nhục hình đối với những người vi phạm các quy định về việc đánh bắt hải sản trong vùng đăc quyền về kinh tế.

Mặt khác, Công ước cũng cho phép các quốc gia có quyền tự do đặt dây cáp và ống dẫn ngầm trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển. Tuy nhiên, như ta sẽ thấy trong quy định của Công ước về phần nghĩa vụ, hoạt động này của các quốc gia khác không được ảnh hưởng đến hoạt động khai thác, sử dụng biển hợp pháp khác của quốc gia ven biển lẫn các quốc gia khác (Điều 79). Thực tiễn mấy năm qua diễn ra trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cũng chứng minh như vậy. Các đồng chủ các tuyến cáp thông tin đồng trục và cáp quang Sin-Hon Tai, Sin Hon 2, APC, FLg, T-V-H... đã phải tiếp xúc, thảo luận và xin phép Chính phủ Việt Nam để được thực hiện đề án đặt cáp trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Khoản 3, điều 58 như đã viện dẫn ở trên yêu cầu các quốc gia khác khi thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình trong vùng đặc quyền về kinh tế của một quốc gia ven biển phải tính đến các quyền và nghĩa vụ của quốc gia ven biển, và tôn trọng các luật và quy định mà quốc gia ven biển đã ban hành theo đúng các quy định của Công ước và trong chừng mực mà chúng không trái với các quy định của Công ước đối với vùng đặc quyền về kinh tế và các quy tắc khác của pháp luật quốc tế.

Như đã phân tích đầy đủ ở phần trên, các quốc gia khác cần tôn trọng quyền chủ quyền của quốc gia ven biển đối với mọi tài nguyên thiên nhiên và mọi hoạt động nhằm thăm dò, khai thác chúng, tôn trọng quyền tài phán của quốc gia ven biển đối với việc lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị công trình nhân tạo, đối với việc tiến hành nghiên cứu khoa học và bảo vệ và lần giữ môi trường biển trong vùng đặc quyền về kinh tế như Công ước đã quy định, tuân thủ các quy định và luật lệ, việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý của quốc gia ven biển về các lĩnh vực này một khi chúng được ban hành phù hợp với công ước và pháp luật quốc tế nói chung.

Một trong những nét đặc biệt của chế độ pháp lý của vùng kinh tế đặc quyền về kinh tế là nó phải tính đến quyền lợi của một nhóm nước đặc biệt trong cùng một phần khu vực hay khu vực với quốc gia ven biển liên quan: Đó là nhóm các quốc gia không có biển và các quốc gia bất lợi về mặt địa lý.

Vấn đề đánh bắt hải sản trong vùng đặc quyền về kinh tế là một vấn đề lớn và hiện vẫn mang tính chất thời sự. Người ta tính rằng từ năm 1949 đến năm 1972 trước khi triệu tập Hội nghị III của Liên Hợp quốc về Luật Biển có tới 1.100 các vụ xung đôt nghề cá, chiến tranh nghề cá lớn giữa các quốc gia. Ngay từ năm 1976, và lúc Hội nghị mới bắt đầu được 3 năm, Mỹ đã ra tuyên bố đơn phương thiết lập vùng đánh cá của nước ngoài trong khu vực đó. Hành động này của Mỹ có tác động thúc đẩy một loạt các nước khác làm theo. Mêhicô tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tháng 1/1977. Từ đó, hàng loạt các nước khác liên tiếp quy định hoặc vùng đánh cá hoặc vùng đặc quyền về kinh tế 200 hải lý, trong đó có Việt Nam. Đến năm 1979, 5 năm trước khi Công ước được thông qua, đã có trên 100 quốc gia, 73% các nước ven biển, đã tuyên bố vùng đánh cá hoặc vùng đặc quyền về kinh tế 200 hải lý. Đến năm 1993, có 84 quốc gia quy định vùng đặc quyền về kinh tế 200 hải lý.

Tuyên bố của Chính phủ Việt Nam ngày 12/5/1977 đã quy định: "Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam có chủ quyền hoàn toàn về việc thăm dò, khai thác, bảo vệ và quản lý tất cả các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật và không sinh vật ở vùng nước, ở đáy biển và trong lòng đất dưới đáy biển của vùng đặc quyền về kinh tế của Việt Nam; có quyền và thẩm quyền riêng biệt về việc thiết lập, sử dụng các công trình, thiết bị đảo nhân tạo; có thẩm quyền riêng biệt về các hoạt động khác phục vụ cho việc thăm dò và khai thác vùng đặc quyền kinh tế nhằm mục đích kinh tế; có thẩm quyền riêng biệt về nghiên cứu khoa học trong vùng đặc quyền về kinh tế của Việt Nam. Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam có thẩm quyền về bảo vệ môi trường, chống ô nhiễm trong vùng đặc quyền về kinh tế của Việt Nam" (Điều 3).

Bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đảm bảo sự tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cả trên đất liền, trên biển, trên không, ngăn ngừa mọi nguy cơ xâm lăng từ bên ngoài... đó là nhiệm vụ của mỗi người dân Việt Nam và trước hết là của Nhà nước Việt Nam. Pháp luật là phương tiện để Nhà nước thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền của nước ta đối với các vùng biển của mình.

Để cụ thể hóa các quyền và nghĩa vụ của nước Việt Nam trên các vùng biển và thềm lục địa được quy định phù hợp với Công ước, Nhà nước Việt Nam đã ban hành một loạt các văn bản pháp quy khác nhau nhằm điều chỉnh các hoạt động khai thác sử dụng biển ở nước ta như: Tuyên bố của Chính phủ Việt Nam về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam, Nghị định số 30-CP ngày 29/9/1980 về Quy chế cho tàu thuyền nước ngoài hoạt động trên các vùng biển Việt Nam, Nghị định số 437/HĐBT ngày 22/12/1990 về hoạt động nghề cá của người và phương tiện nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam, Nghị định số 142/HĐBT ngày 5/6/1991 về người và phương tiện nước ngoài nghiên cứu khoa học trên các vùng biển Việt Nam, Quy chế quản lý tổ chức, cá nhân và phương tiện Việt Nam làm nghề cá ở vùng biển Viêt Nam năm 1993, Luật Hàng hải Việt Nam năm 1990, Pháp lệnh về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản năm 1989, Luật Môi trường Việt Nam năm 1994... Các văn bản pháp luật này đã tạo thành một hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh điều chỉnh toàn bộ các hoạt động trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam mà trong đó một bộ phận rất quan trọng là vùng đặc quyền kinh tế.

Sự ra đời và pháp điển hóa các quy định pháp luật quốc tế vùng đặc quyền về kinh tế trong Công ước năm 1982 của Liên Hợp quốc về Luật Biển là một thành quả quan trọng có tác động to lớn đến đời sống của tất cả các quốc gia trên thế giới, dù lớn hay nhỏ, dù có biển hay không có biển.

(Còn nữa)

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy