Côn Đảo: "Trăm nghe không bằng một thấy!"

Từng đi B năm 1972, sau đó năm 1975, ông Đỗ Khả Gia (quê Nam Định) tham gia tiếp quản Sài Gòn và là một trong số cán bộ đại diện của Bộ Giáo dục tại thành phố Hồ Chí Minh... Mặc dù đã ở trong Nam nhiều năm và đi công tác nhiều nơi nhưng ông chưa một lần được ra Côn Đảo.

Hôm nay, ở vào tuổi 86 ông mới có điều kiện theo con trai đến nơi này. Khi đỡ tay ông xuống cầu thang máy bay tại nhà ga Côn Đảo, ông nói với tôi: "Dù thế nào ông cũng phải ra đây, vì trăm nghe không bằng một thấy!".

NƠI... "ĐỊA NGỤC TRẦN GIAN"  

Theo tài liệu còn lưu lại, ngày 1/2/1862, Thống đốc Bonard ở Nam Kỳ ký quyết định thành lập nhà tù Côn Đảo - "địa ngục trần gian" (nay thuộc huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Đây là một hệ thống nhà tù với nhiều khu vực biệt giam, chuồng cọp. Sau nhiều năm xây dựng hệ thống nhà tù của thực dân Pháp được chia làm hai trại chính, Trại Phú Hải và Trại Phú Tường.  

Trại Phú Hải. Ảnh: Hữu Tuấn

Điểm đầu tiên chúng tôi được tham quan đó là Trại Phú Hải, tại mỗi phòng giam như này, lúc cao điểm có đến hàng trăm người yêu nước, chiến sĩ cộng sản bị nhốt giam với gông cùm xiềng xích. Cai ngục đã dùng nhiều hình thức tra tấn từ thể xác đến tinh thần đối với các tù nhân. Nhiều sĩ phu yêu nước như: Huỳnh Thúc Kháng, Phan Chu Trinh... cho đến các đồng chí như: Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng... từng bị giam giữ nơi đây.      

Với Trại giam Phú Tường, nơi nổi tiếng có khu "chuồng cọp". Được xây dựng từ năm 1940, nhưng phải đến 30 năm sau khu "chuồng cọp" này mới bị phát hiện và bị dư luận trong nước, quốc tế đã dấy lên làn sóng phản đối mãnh liệt... Ngoài việc bị tra tấn, tù nhân còn bị bỏ đói cho đến chết. Hầu hết tù nhân bị đưa vào chuồng cọp thì cái chết coi như cận kề.

Cùng với hai trại giam lớn là Phú Hải và Phú Tường, ở đây vào năm 1971 Mỹ, ngụy quyền đã xây dựng thêm Trại 7 (còn được gọi là chuồng cọp kiểu Mỹ). Sau Hiệp định Paris đổi tên gọi trại Phú Bình. Khi cô gái hướng dẫn viên dẫn chúng tôi đi trong khu chuồng cọp không ánh sáng ấy, nhằm lúc mọi người không để ý, cô liền bám tay vào cánh cửa buồng giam và dập mạnh ba bốn cái liền... Tiếng âm thanh phát ra từ cửa sắt va vào nhau nghe choang choảng vang vọng khắp nhà giam đã làm cả đoàn hoảng sợ vì chói tai, nhức óc, có người thót cả tim... Nữ hướng dẫn viên bảo với chúng tôi: "Các bác, các anh chị mới nghe có một cánh cửa thôi, chứ khi tra tấn kiểu này thường chúng dập hàng chục cánh cửa cùng một lúc, tuy đơn giản nhưng lại rất nguy hiểm. Vì những lúc như vậy, làm cho tù nhân hoảng loạn tinh thần, có nhiều người không chịu nổi bị chảy máu tai... rồi chỉ có điên và chết!"...

Trong thời gian hơn 100 năm, đã có khoảng 20.000 người Việt Nam thuộc nhiều thế hệ bị giam cầm, hy sinh tại "địa ngục trần gian" này.

GẶP NHÂN CHỨNG SỐNG

Tác giả trò chuyện với vợ chồng nữ tù nhân chính trị Côn Đảo, Nguyễn Thị Ni. Ảnh: Việt Linh

Theo sự chỉ dẫn của hướng dẫn viên du lịch Lê Quý Hợi, sau khi đi tham quan các trại giam, tôi đã đến thăm nữ tù nhân Côn Đảo, Nguyễn Thị Ni (nguyên Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động huyện đảo Phú Quốc) - nhân chứng sống. Bà cũng đã từng bị giam cầm tại khu "chuồng cọp" Phú Tường. Hiện nay bà là nữ duy nhất trong số năm tù nhân còn sống tại Côn Đảo. Tôi thực sự xúc động khi được biết, ở tuổi 78 bà vẫn tự đảm nhiệm mọi công việc trong gia đình và cùng chồng là ông Đỗ Nam Hoàng nguyên bộ đội, cán bộ đã nghỉ hưu nay ở tuổi gần 90. Họ đã chung sống với nhau hơn 30 năm ngay tại mảnh đất này, không có họ hàng thân thích. Được biết bà quê ở Tiền Giang, tham gia cách mạng bị giặc Mỹ bắt ngay tại quê rồi đưa về trại giam Thủ Đức, sang cả trại giam Tân Hiệp.

Mặc dù bị tra tấn dã man nhưng một mực bà không khai báo. Cuối cùng chúng đưa bà ra giam tại nhà tù Côn Đảo. Bà không kể nhiều về những cực hình bị những tên cai ngục tra tấn, nhưng nỗi đau về thể xác và tinh thần thì dường như còn nguyên trên gương mặt và trong cảm xúc. Chính vì vậy, tôi cũng không dám hỏi nhiều vì sợ chạm vào những nỗi đau của người nữ tù nhân Côn Đảo này. Khi hỏi thăm về cuộc sống hàng ngày bà vẫn vui vẻ trò chuyện với chúng tôi như những người thân trong gia đình. Tôi biết đằng sau nụ cười ấy là nỗi đau không thể xoá nhoà, như bà bảo: "Nỗi đau lớn nhất và cũng là sự mất mát vĩnh viễn với bà đó là không bao giờ được làm mẹ vì hậu quả của những cực hình tra tấn dã man trong suốt thời gian hơn ba năm bị tù đày!"

Khi được gặp mặt nữ tù nhân Côn Đảo Nguyễn Thị Ni, đã làm tôi thực sự cảm động. Và tôi đến thăm bà chỉ vì một lẽ khát khao cũng như được đến Côn Đảo, để ngưỡng mộ, chia sẻ và thực sự khâm phục, tri ân với những thế hệ ông, cha đã gan dạ, sắt son một lòng chung thuỷ với đồng đội, với tổ chức và với dân tộc - chính họ đã viết nên những bài ca bất tử...   

BẤT TỬ VÀ LINH THIÊNG

Theo người dân, Côn Đảo tuy chưa được nhộn nhịp và phát triển như Phú Quốc, nhưng mọi người vẫn cảm thấy hài lòng vì ở đây khí hậu mát mẻ ôn hoà và cuộc sống thanh bình. Nhưng có lẽ điều mà mọi người ở hòn đảo này từ lâu luôn tâm niệm và tự hào về quá khứ hào hùng đấu tranh anh dũng kiên cường của những tù nhân Côn Đảo. Nơi đây, trong mỗi tấc đất đã thấm đẫm biết bao máu xương của những tù nhân, vì lòng quả cảm một mực trung kiên, vì lòng yêu quê hương đất nước, đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Họ đã sẵn sàng đón nhận những kiểu tra tấn dã man nhất, tàn bạo và khốc liệt nhất của kẻ thù từ những bàn tay độc ác của những tên cai ngục, chúa đảo và trước họng súng họ vẫn một mực không khai báo, không chịu ly khai... để rồi đón nhận sự ra đi mãi mãi như bao tấm gương vẫn được người dân nơi đây lưu truyền và kính trọng, như Anh hùng Cao Văn Ngọc, Anh hùng Lưu Chí Hiếu... và đặc biệt là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Sáu là những minh chứng bất tử.

Ông Đỗ Khả Gia xúc động khi nghe thuyết minh kể lại những cực hình tra tấn tù nhân tại Khám 9 (Trại Phú Hải) trong đó có bác Tôn (đồng chí Tôn Đức Thắng, nguyên Chủ tịch nước) cũng từng bị giam cầm. Ảnh: Việt Linh

Tôi được nghe nhiều câu chuyện về người nữ Anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu, không chỉ là những ngôn từ nói về lòng dũng cảm, mà còn được nghe những lưu truyền về sự linh thiêng của chị. Khi còn chế độ cũ, nhiều cai ngục, chúa đảo đã phải ra tận mộ của chị để lễ tạ, sám hối. Và cũng không ít tên còn lập bàn thờ tại nhà để thờ cúng chị, mong linh hồn chị Sáu che chở, trong đó có cả Tỉnh trưởng Côn Đảo, Tăng Tư. Còn người dân nơi đây thì hầu như nhà nào cũng lập bàn thờ cô Sáu tại nhà. Ngày 23/1 hằng năm là ngày giỗ cô Sáu. Đây là ngày giỗ rất lớn ở Côn Đảo mà Nhà nước và nhân dân cùng tổ chức. Giờ đây, người ta ít gọi là chị Sáu, mà thường gọi là cô Sáu hay bà Sáu. Họ kính trọng và tôn sùng sự linh thiêng của cô Sáu đến mức, khi thề bồi thì người ta nói: "Thề có cô Sáu chứng giám". Khi mắng nhau thì bảo: "Cô Sáu vặn cổ mày đi"!

Trước khi ra Côn Đảo, một đồng nghiệp ở báo Trung ương nói với tôi: Anh ra Côn Đảo thì nên lễ đêm ở Nghĩa trang Hàng Dương. Vì ở đó rất linh thiêng anh ạ! Và khi màn đêm buông xuống không chỉ có tôi mà hầu hết các thành viên trong đoàn đều háo hức chờ đợi. Rồi 23g, khi kim đồng hồ cũng nhích tới, chúng tôi lên xe để tới Nghĩa trang Hàng Dương - chốn tâm linh với bao điều kỳ diệu. Toàn bộ Nghĩa trang Hàng Dương rộng chừng 20ha hoà trong ánh đèn điện mờ ảo, người đi viếng khá đông. Tôi ước có tới hàng trăm người. Trên từng ngôi mộ liệt sĩ đều được cắm những cây hương đang cháy và đặt một bông hoa tươi. Đi trong màn đêm lung linh ánh điện vừa đủ sáng, cùng với tiếng gió xào xạc của lá cây là chất giọng nữ truyền cảm về những tư liệu ở nơi đây và nhất là khi bài hát "Biết ơn chị Võ Thị Sáu" của nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn được phát lên qua hệ thống loa nghe sao mà da diết, đầm ấm và sâu thẳm đã làm cho mỗi người càng thêm cảm động.


Hướng dẫn viên kể lại những cực hình tra tấn tù nhân tại Trại Phú Bình cho khách tham quan. Ảnh: Việt Linh

Theo sự chỉ dẫn của hướng dẫn viên, chúng tôi đến bên tượng đài dâng hương và khấn cho những linh hồn anh hùng liệt sỹ nơi đây... Rời tượng đài, chúng tôi tới khu mộ của chị Võ Thị Sáu. Nơi đây, người viếng tập trung đông kín nhưng không ồn ào, không chen lấn và trên gương mặt mọi người đều tỏ rõ niềm thầm kính tôn nghiêm. Từng đoàn người tự giác lần lượt vào thắp hương viếng chị. Trên phần mộ của nữ anh hùng liệt sỹ, một bát hương lớn nghi ngút khói và hoa tươi đa phần là màu trắng, trái cây... tất cả những gì du khách và người dân mang đến đều được bày cúng trang trọng. Khi viếng xong tôi quay lại đi về phía sau và bắt gặp đôi nam nữ người nước ngoài, họ đứng sát bên nhau hướng về phía ngôi mộ cô Sáu, tay nắm chặt với nhau... Hoà vào dòng người, tôi đi cắm nhang trên từng phần mộ bên cạnh.

Khách du lịch tham quan chùa Vân Sơn Tự (Côn Đảo). Ảnh: H.T

Rời Nghĩa trang Hàng Dương trong không gian yên tĩnh, đâu đó xa xa tiếng sóng biển rì rào... Vì thế, có lẽ không chỉ riêng tôi, hay ông Đỗ Khả Gia mà tất cả mọi người đều có chung một cảm giác bâng khuâng, lưu luyến... Tuy âm dương cách biệt nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được bóng dáng những người con bất tử, cho Tổ quốc mãi trường tồn trên hòn đảo linh thiêng này. Giờ đây khi ngồi viết những dòng chữ cho bài viết, tôi lại nhớ câu chuyện của nữ hướng dẫn viên tại Trại Phú Bình, có đoạn: Sau khi giải phóng Sài Gòn, ngày 2/5/1975 Thành uỷ Sài Gòn - Gia Định gọi điện ra cho các tù nhân Côn Đảo xem ngoài này cần thứ gì nhất để trong này đáp ứng. Đồng chí đại diện cho Đảo uỷ lâm thời đã nghẹn ngào trả lời: "Chúng tôi cần ảnh Bác Hồ". Trong chuyến tàu đầu tiên cập bến ấy vào rạng sáng ngày 4/5/1975 lịch sử, đã mang ra Côn Đảo 500 bức ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những chiến sỹ cách mạng ở Côn Đảo đều ôm ảnh Bác và cờ giải phóng vào lòng mà rưng rưng lệ... Và trong những ngày này khi cả nước đang hướng về kỷ niệm 72 năm Quốc khách 2/9, tôi lại thấy mình cũng như những du khách đã, đang và sẽ có mặt ở Côn Đảo càng thấy ý nghĩa hơn và hiểu sâu hơn giá trị của hai chữ độc lập. Và nhớ về Bác Hồ kính yêu, về những chiến sỹ cách mạng và các Anh hùng liệt sỹ để lòng mình trong sáng hơn!

Bùi Hữu Tuấn

Hữu Tuấn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy