Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông - Chương 3 (Phần 2)

Với tư cách đại diện cho Việt Nam về đối ngoại theo Hiệp ước Patenôtre năm 1884, chính quyền thuộc địa Pháp đã có những hành động cụ thể để củng cố, khẳng định và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

II. Với tư cách đại diện cho Việt Nam về đối ngoại, Cộng hòa Pháp tiếp tục khẳng định, quản lý và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa trong thời kỳ Pháp thuộc (1884 đến 1945)

Với tư cách đại diện cho Việt Nam về đối ngoại theo Hiệp ước Patenôtre năm 1884, chính quyền thuộc địa Pháp đã có những hành động cụ thể để củng cố, khẳng định và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

Bức thư của lãnh sự Pháp Beauvais ở Quảng Châu gửi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp ngày 4/5/1909 đã nêu ý đồ của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã viết: "Như tôi đã trình bày với ông khi kết thúc bản báo cáo gần đây của tôi (số 86 ngày 1/5/1909) về vấn đề các đảo Pratas, vấn đề này khiến chính phủ Trung Quốc chú ý đến các nhóm đảo khác nằm dọc bờ biển của Thiên triều và tới một mức độ nhất định có thể được coi như một bộ phận của Thiên triều, trong đó có quần đảo Paracel".

Cán bộ, chiến sỹ đảo Trường Sa chăm sóc vườn rau xanh. Ảnh: TTXVN

Cũng trong thư trên đề ngày 4 tháng 5 năm 1909, lãnh sự Pháp ở Quảng Châu gửi cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp có một số nội dung đáng lưu ý sau đây:

- Do ảnh hưởng của việc Nhật chiếm Pratas, Trung Quốc muốn bắt đầu chiếm luôn quần đảo Paracel gần Hải Nam.

- Cuộc khảo sát trái phép đầu tiên là của Ngô Kính Vinh đã cho thấy ở mỗi đảo Hoàng Sa đều có một ngôi miếu nhỏ xây kiểu nhà đá (tất cả tường mái là đá san hô và vỏ sò).

- Các ngư dân Việt Nam mang cả vợ con đến sống ở Hoàng Sa, bị đối xử tàn tệ, vợ con bị bắt đến Hải Nam.

P.A. La Picque hồi năm 1909 đang cư trú ở Hồng Kông đã thuật lại cuộc khảo sát Hoàng Sa của chính quyền tỉnh Quảng Đông năm 1909 như sau:

"Vào cuối tháng 5/1909, hai pháo hạm nhỏ ở Quảng Châu chuẩn bị ra khơi, trên tàu có hai người Đức thuộc Maison Carlwitz, ngoài ra còn có các thủy thủ Trung Quốc, trong đó hình như có một đô đốc "đường sông", nếu như hạm đội nhỏ đó, nhờ có đất liền che chắn, đến được cảng Du Lâm, một cảng ở phía nam đảo Hải Nam một cách khá dễ dàng, thì nó vẫn bị nghẽn ở đó đến nửa tháng, chắc là để chờ ra khơi thì các đợt gió "Fong - sami" trở nên thuần lại và thường làm cho các nhà hàng hải dũng cảm đỡ say sóng".

"Cuối cùng, ngày 6 tháng 6 năm 1909 (tức là ngày 19 âm lịch) phái đoàn trông thấy một đảo trong quần đảo Paracel rồi thăm vài đảo, và đến ngày 7 tháng 6 năm 1909, lúc 4 giờ chiều, hai pháo hạm thẳng đường quay lại Quảng Châu như tờ báo Kono Che pao (tờ báo lớn nhất Quảng Châu) cho biết trong một bài báo ngày 20 tháng 6 năm 1909".

Năm 1925, theo Khâm sứ Trung kỳ LeFol viết trong thư ngày 22 tháng 01 năm 1926 gửi cho Toàn quyền Đông Dương, người Pháp mới bắt đầu nghiên cứu sâu quá trình xác lập chủ quyền của "vương quốc Việt Nam" tại quần đảo Hoàng Sa, trước khi cử ông Giám đốc Viện Hải dương học và Nghề cá ở Nha Trang - ông M.A. Krempt đi thám sát Hoàng Sa.

Qua kết quả nghiên cứu tìm hiểu về Hoàng Sa, Khâm sứ Trung kỳ LeFol trong thư ngày 22 tháng 01 năm 1929 gửi Toàn quyền Đông Dương cho biết: "Trong tác phẩm Géographie de la Cochinchine được dịch ra Tiếng Anh và đăng trong tạp chí Journal de la Société Asiatique de Bengale năm 1838, Đức cha Jean Louis Taberd, Giám mục Ismarơpolis (Khâm Mạng toà thánh tại Nam kỳ, Cao Miên và Champa) đã kể lại việc Hoàng đế Gia Long đã chiếm hữu quần đảo Paracel năm 1816 và long trọng kéo lá cờ Nam kỳ trên quần đảo. Việc chiếm hữu đó đã được các biên niên sử của chính quyền An Nam hay Đại Nam nhất thống chí, Nam Việt địa dư tập 2 hay Địa dư nước An Nam, xuất bản năm thứ 14 đời Minh Mạng và cuối cùng Đại Nam nhất thống chí, quyển 6 hay Địa dư Duy Tân; các tài liệu trong kho lưu trữ của chính phủ An Nam cung cấp cho ta những chi tiết về hoạt động của đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải đặt dưới quyền chỉ huy của đội Hoàng Sa".

Và cũng chính trong bức thư kể trên, ông LeFol đã cho biết trước khi mất, ông Thân Trọng Huề, thượng thư bộ Binh của triều đình Huế đã viết một văn thư ngày 3 tháng 3 năm 1925 khẳng định rằng: "Các đảo nhỏ đó bao giờ cũng là sở hữu của nước An Nam, không có sự tranh cãi trong vấn đề này".

Người Pháp cho rằng Hoàng Sa vốn đã thuộc chủ quyền Việt  Nam không cần một hành động chiếm hữu chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa nữa, nên Viện Hải dương học và Nghề cá Nha Trang (Linstitut Océanographique de Nha Trang) đã thực hiện cuộc khảo sát đầu tiên năm 1925 bởi tàu khảo sát kéo lưới (Chalutier) De Lanessan do M.A. Krempt, giám đốc, cùng các nhà khoa học như Delacour, JabouiUe.

Các cuộc khảo sát chủ yếu nghiên cứu về những ám tiêu của các bãi ngầm ở Hoàng Sa. Từ đó tác giả đưa ra lập luận giải thích về sự hình thành các ám tiêu cùng với ảnh hưởng của gió mùa.

Ngày 8 tháng 3 năm 1925, Toàn quyền Đông Dương đã tuyên bố khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Pháp.

Ngày 19 tháng 3 năm 1926, Thống đốc Nam kỳ cấp giấy phép nghiên cứu mỏ ở đảo Trường Sa cho Công ty Phosphat mới của Bắc kỳ.

Trong thư ngày 20 tháng 3 năm 1930, Toàn quyền Đông Dương gửi cho Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp cũng đã xác nhận rằng: "Tôi hoàn toàn đồng ý với những người viết thư cho ông là cần thừa nhận lợi ích nước Pháp có thể có trong việc nhân danh An Nam, đòi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa". Câu này trong bản ghi chú cho Vụ châu Á Đại Dương ngày 15 tháng 5 năm 1950, Cố vấn Pháp luật Bộ Ngoại giao Pháp đã viết rất rõ: "Việc chiếm hữu quần đảo Spartiey do Pháp tiến hành năm 1931 -1932 là nhân danh Hoàng Đế "An Nam". Trong trường hợp này cái danh nghĩa duy nhất mà Pháp đòi hỏi ở đây là việc thực thi chủ quyền có từ trước, là những danh nghĩa của "An Nam", và với tư cách là nước bảo hộ, chịu trách nhiệm về các quan hệ đối ngoại của "An Nam", Pháp có thể sử dụng các quyền đó để chặn các nước thứ ba, và có thể nhận được xét xử quốc tế việc thừa nhận các quyền nói trên. Nếu các quan hệ điều ước giữa Pháp và An Nam vẫn được xác định bởi Hiệp ước Bảo hộ được ký ở Huế ngày 6 tháng 6 năm 1884 thì về phương diện này không thể xuất hiện bất kỳ khó khăn nào; và chính phủ Pháp có quyền bằng cách hành động với danh nghĩa nước bảo hộ, thay mặt nước bị bảo hộ thi hành các thẩm quyền mà nước bị bảo hộ này không thể thi hành. Tại công văn số 704- A. ex, Toàn quyền Đông Dương gửi Bộ trưởng Bộ Thuộc địa báo cáo lập trường của phủ Toàn quyền đối với việc chính quyền địa phương Quảng Đông đòi chủ quyền đối với Hoàng Sa, trong đó nhấn mạnh việc thương lượng giữa Pháp với một chính quyền không có quyền hành gì ở miền Nam Trung Quốc là không thích hợp, và chắc chắn sẽ thất bại.

Chiến sỹ đảo Trường Sa giải trí sau giờ tập luyện. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Ngày 13 tháng 4 năm 1930, Thông báo hạm Malicieuse do thuyền trưởng De Lattre điều khiển đi ra quần đảo Trường Sa theo chỉ thị của Toàn quyền Đông Dương để dựng bia chủ quyền chiếm giữ đảo Trường Sa và các đảo phụ thuộc. Hoạt động này đã được Toàn quyền Đông Dương báo cáo lên Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp tại Paris (Điện số 689 ngày 18/4/1930).

Ngày 23 tháng 9 năm 1930, Pháp gửi thông báo ngoại giao cho các cường quốc về việc Pháp đã chiếm đóng quần đảo Trường Sa.

Ngày 31 tháng 12 năm 1930, Phòng Đối ngoại Phủ Toàn quyền Đông Dương gửi báo cáo lên Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp về những hoạt động chiếm hữu đảo Trường Sa và các đảo phụ cận, cũng như các tư liệu khảo cứu về pháp lý để bảo vệ cho sự chiếm hữu đó.

Ngày 11 tháng 01 năm 1931, Thống sứ Nam kỳ thông báo cho Toàn quyền Đông Dương về việc sáp nhập các đảo và các đảo phụ cận đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa.

Ngày 4 tháng 1 năm 1932, Chính phủ Pháp gửi công hàm tới Công sứ quán Trung Quốc tại Paris khẳng định chủ quyền của Pháp đối với Hoàng Sa và đề nghị giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán hữu nghị hoặc bằng phương thức Trọng tài quốc tế. Công hàm ngày 4 tháng 1 năm 1932 của Trung Quốc trả lời Công hàm của Pháp đã khước từ đề nghị giải quyết tranh chấp chủ quyền Hoàng Sa bằng phương thức Trọng tài quốc tế. Trung Quốc lập luận rằng khi vua Gia Long chiếm hữu quần đảo ấy, Việt Nam là một nước chư hầu của  Trung Quốc.

Ngày 24 tháng 4 năm 1932, Chính phủ Pháp đã có kháng nghị nêu rõ các danh nghĩa lịch sử và các bằng chứng về sự chiếm hữu của An Nam, sau đó là Pháp đối với Hoàng Sa.

Ngày 13 tháng 4 năm 1933, một hạm đội nhỏ thuộc lực lượng hải quân Pháp ở Viễn Đông, dưới sự chỉ huy của Trung tá Hải quân De Lattre rời Sài Gòn đi ra quần đảo Trường Sa (gồm thông báo hạm La Malicieuse, Pháo thuyền Alerte, các tàu thủy văn Astrobale và De Lanessan) để tiến hành chiếm đóng các đảo của quần đảo Trường Sa.

Ngày 26 tháng 7 năm 1933, chính phủ Pháp tuyên bố Hải quân Pháp đã chiếm đóng các đảo Trường Sa, An Bang, Ba Bình, Song Tử Đông và Song Tử Tây và các đảo phụ cận.

Ngày 21 tháng 12 năm 1933, thống đốc Nam Kỳ J.Krautheimer ký Nghị định số 4762-CP sáp nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa.

Ngày 18 tháng 2 năm 1937, một lần nữa, Pháp chính thức yêu cầu Trung Quốc áp dụng phương thức Trọng tài quốc tế để xác định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, phía Trung Quốc lại khước từ.

Ngày 26 tháng 11 năm 1937, Pháp phái kỹ sư trưởng công chính J.Gauthier ra Hoàng Sa để nghiên cứu tìm địa điểm xây dựng đèn biển, bãi đỗ cho thủy phi cơ và các điều kiện định cư ở quần đảo này.

Năm 1938, Pháp bắt đầu phái các đơn vị bảo an tới các đảo và xây dựng một hải đăng, một trạm khí tượng (OMM đăng ký số 48860) ở đảo Hoàng Sa và số 48859 ở đảo Phú Lâm), một trạm vô tuyến TSF trên đảo Hoàng Sa.

Ngày 15 tháng 6 năm 1938, Pháp xây xong trạm khí tượng ở trạm Ba Bình quần đảo Trường Sa.

Ngày 30 tháng 3 năm 1938, vua Bảo Đại ký dụ số 10 sáp nhập Hoàng Sa vào tỉnh Thừa Thiên thay vì Nam Ngãi trước đây.

Ngày 15 tháng 6 năm 1938, Toàn quyền Đông Dương Jules Brévié ký Nghị định số 156-S-V thành lập đơn vị hành chính ở quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên.

Tháng 6 năm 1938, một đơn vị lính bảo an Việt Nam được phái ra đồn trú tại quần đảo Hoàng Sa. Một bia chủ quyền được dựng trên đảo Hoàng Sa với dòng chữ: "République Francaise - Empire d'Annam - Archipel de Paracel 1816 - Ile de Pattle 1938".

Trong chiến tranh thế giới lần thứ 2, Nhật Bản đã rắp tâm biến các quần đảo trong Biển Đông trở thành bàn đạp để mở rộng sự chiếm đóng của mình xuống khu vực Đông Nam Châu Á, ngày 31 tháng 3 năm 1939, Nhật tuyên bố sáp nhập các quần đảo trong Biển Đông vào các vùng lãnh thổ mà Nhật đã chiếm đóng. Ngày 4 tháng 4 năm 1939, Chính phủ Pháp gửi công hàm phản đối các quyết định nói trên của Nhật và bảo lưu các quyền của Pháp tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

Ngày 5 tháng 5 năm 1939, Toàn quyền Đông Dương J.Brévié ký Nghị định số 3282 tách đơn vị hành chính Hoàng Sa thành hai đơn vị hành chính: "Croissant và các đảo phụ thuộc", "Amphitrite và các đảo phụ thuộc".

Ngày 26 tháng 11 năm 1943, Tuyên bố Cairo về việc kết thúc chiến tranh với Nhật và giải quyết các vấn đề sau chiến tranh, trong đó có vấn đề lãnh thổ nước khác bị Nhật chiếm đóng: Mục đích của 3 nước là Nhật Bản phải bị loại ra khỏi tất cả các quần đảo ở Thái Bình Dương mà Nhật Bản đã cướp hoặc chiếm đóng từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất năm 1914...".

Ngày 15 tháng 8 năm 1945, Nhật thua trận phải rút khỏi Đông Dương.

Ngày 26 tháng 7 năm 1945, Tuyên bố Posdam khẳng định "các điều khoản của Tuyên bố Cairo sẽ được thực hiện".

Ngày 26/8/1945, ngay sau khi Nhật đầu hàng, quân đội Nhật đã rút khỏi quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

(Còn nữa)

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy