Tham nhũng sinh ra và gắn liền với nhà nước. Đây là vấn đề có tính toàn cầu, không của riêng đất nước, quốc gia nào. Tuy nhiên, các đối tượng núp dưới nhãn hiệu “dân chủ, nhân quyền” luôn lợi dụng vấn đề tham nhũng và công cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam để xuyên tạc, phá hoại niềm tin về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Hơn lúc nào hết, việc nhận thức rõ và đấu tranh chống lại những âm mưu, thủ đoạn chống phá này là điều cần/ ấp thiết.
Vấn đề “nóng” nên dễ bị lợi dụng
Tệ tham những đã được Đảng ta coi là “quốc nạn”. Nạn tham nhũng, tệ quan liêu và nhũng nhiễu (để vòi) “ăn” hối lộ đã và đang gây bức xúc dư luận, làm nhụt chí các nhà đầu tư. Không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, cản trở tiến trình phát triển của đất nước, “quốc nạn” này làm băng hoại niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng gây sự hoài nghi về tính trong sạch của bộ máy, về những con nguời điều khiển bộ máy đó và những quyết định được đưa ra... Đây chính là điểm “đen” được các đối tượng thù địch, bất mãn nhằm đến để xuyên tạc, bôi đen, chia rẽ dân với Đảng, kêu gọi kích động, xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng v.v và v.v.
Càng ngày thủ đoạn chống phá càng tinh vi, đa dạng hơn bởi sự phát triển của công nghệ thông tin và mạng xã hội chứ không chỉ còn là các phương pháp “cổ truyền” như rỉ tai tung tin thất thiệt, truyền tay phát tán tài liệu “mật” (?!). Trong thời công nghệ số toàn cầu, dễ dàng bắt gặp những trang trên nền tảng mạng xã hội nhân danh những điều tốt đẹp: cùng Đảng chống tham nhũng, diệt trừ quan tham, vì một xã hội trong sạch, vì một chính phủ liêm chính… Tuy nhiên, nếu nhìn sâu vào những thông tin, bài viết đó có thể dễ dàng nhận thấy sự suy diễn chủ quan, thổi phồng, xuyên tạc tình hình tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam. Mục đích của những người tung ra những thứ “hỏa mù” này phá hoại lòng tin rồi lôi kéo người dân tin vào các luận điệu xấu.
Những đối tượng này lợi dụng những vụ án tham nhũng liên quan đến cán bộ, đảng viên đã xảy ra hoặc những sự việc tiêu cực trong xã hội để suy diễn, quy kết “do tham nhũng”, từ đó xuyên tạc rằng đó là tình trạng “phổ biến”, quy kết rằng đó là “bản chất” của chế độ, đó là một “căn bệnh trầm kha” do cơ chế độc đảng lãnh đạo, do năng lực quản lý yếu kém của Nhà nước do đã bị những cán bộ xấu kiểm soát, v.v. Điều thường được lặp lại là tình trạng đó có sự “bao che, dung túng, tiếp tay”, thậm chí can thiệp, ngăn cản việc chống tham nhũng, lãng phí của lãnh đạo, chính quyền các cấp. Ngoài / và cùng với xuyên tạc là vu cáo, “bôi đen” cá nhân lãnh đạo lãnh đạo Đảng, Nhà nước bằng những bài viết, hình ảnh về đời tư, về sự minh bạch tài sản, một “món khoái khẩu” khác là lái dư luận suy diễn theo hướng “cuộc chiến chống tham nhũng là cuộc đấu đá phe cánh”, tung tin “đang có cuộc thanh trừng, đấu đá nội bộ trong Đảng”, hoặc “tăng cường phòng, chống tham nhũng chỉ là chiêu trò mị dân, chỉ là hô khẩu hiệu” v.v. Qua đó phủ nhận những nỗ lực, xuyên tạc những nỗ lực trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, làm mất niềm tin của nhân dân về công cuộc chống tham nhũng mà Đảng ta đang quyết liệt thực hiện.
Mục đích của tất cả những thủ đoạn đó là nhằm vẽ lên một bức tranh đen tối về thực trạng xã hội Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Từ đó gây hoài nghi trong nhân dân vào các cấp lãnh đạo, vào hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, phá hoại sự đoàn kết trong Đảng, chia rẽ cán bộ, đảng viên với quần chúng và phá hoại sự đoàn kết, đồng thuận trong xã hội.
Tham nhũng không phải là một “định mệnh”
Tham nhũng, hối lộ chưa bị tiêu diệt nhưng người ta có thể kiềm chế nó bằng cách tác động đến những yếu tố có thể làm nó biến đổi. Một công thức đã được thừa nhận: Tham nhũng = Quyền lực độc quyền + Tùy ý định đoạt - Trách nhiệm (1).
Công thức này chỉ ra những mặt cần can thiệp để có thể kiềm chế được tham nhũng. Đồng thời cố gắng làm giảm bớt quyền lực độc quyền (bằng những cải cách định hướng thị trường), giảm quyền tuỳ ý định đoạt (bằng cải cách hành chính) và tăng cường tính trách nhiệm (thông qua các cơ chế giám sát) của các quan chức để bất cứ một công việc gì cũng phải gắn với trách nhiệm của một người nào đó.
Một nghiên cứu khác cho rằng: Tham nhũng = Độc quyền + Tùy tiện quyết định + Thiếu công khai.
Độc quyền dẫn đến việc tự quy định giá và chỉ bán khi được giá; Tùy tiện dẫn tới việc các quan chức có thể tuỳ ý trả lời "Có" hoặc "Không" hoặc "Bao nhiêu tiền" mà không bị khiếu kiện và Bí mật thể hiện sự không thể kiểm soát nổi các thoả thuận. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng do vậy phải thông qua việc không ngừng giảm bớt những độc quyền; hạn chế sử dụng quyền hành một cách tuỳ tiện và nhất là phải thiết lập sự công khai hoá ngày càng cao trong các lĩnh vực của đời sống xã hội vì thông tin là kẻ thù số một của lậu thuế.
Những cải cách chống tham nhũng phải nhằm vào các mục tiêu cốt lõi về chính trị và hành chính. Quá trình thực hiện những mục tiêu đó phải thường xuyên được đánh giá bằng các báo cáo trung thực và những tiến bộ cụ thể sẽ xác nhận những lời cam kết. Nhiều quốc gia trên thế giới đã thành công trong việc xây dựng một chính phủ trong sạch dựa trên những công thức đó.
Những nỗ lực của Đảng cùng với nhân dân trong công cuộc chống tham nhũng được đặc biệt đẩy mạnh trong những năm gần đây cũng đi theo hướng đó, mạnh mẽ, quyết liệt và “không có vùng cấm”.
Không thể phủ nhận sự thật
Trong nhiệm kỳ Ðại hội khóa XII, công tác phòng, chống tham nhũng đã có những chuyển biến quan trọng. Đó là nguồn động viên to lớn, làm tăng niềm tin trong xã hội về tinh thần kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của Đảng. Chưa bao giờ công tác phòng, chống tham nhũng lại được chỉ đạo mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả như thời gian vừa qua; để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
“Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành mới đây, tuyệt đại đa số ý kiến người dân (93%) bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng”(2) . Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) của Việt Nam năm 2019 đứng thứ 96 trong số 180, tăng 27 bậc so năm 2012, trong bảng xếp hạng toàn cầu.
Trong nhiệm kỳ XII, Đảng đã xử lý dứt điểm nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, cả những vụ tồn đọng, kéo dài từ nhiều năm trước, với nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý hình sự. Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, đã thi hành kỷ luật hơn 87 nghìn cán bộ, đảng viên, trong đó, có trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng; đã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (27 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang). Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng.
Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được tiến hành kiên quyết, “không có vùng cấm”, không khoan nhượng, không nương nhẹ, không làm oan, không bỏ lọt tội phạm. Chính điều này có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa mạnh mẽ, được dư luận, nhân dân rất đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, tạo bước đột phá trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng.
Đảng ta đã xác định, tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Ðảng và chế độ. Phòng, chống tham nhũng là “chống giặc nội xâm”, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa khó khăn, phức tạp, lâu dài; phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực, phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa trọng tâm, những giải pháp có tính đột phá để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả.
Điều được Đảng ta nhấn mạnh là luôn luôn cần nâng cao vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu, quyết liệt của cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, trước hết là của người đứng đầu đối với công tác phòng, chống tham nhũng. Cấp ủy, tổ chức đảng phải xác định phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, cấp bách để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Ðồng chí bí thư cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, quyết liệt, đi đầu, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng.
Trong chặng đường phòng, chống tham nhũng trước mắt, Đảng ta đã xác định quyết tâm tập trung đẩy mạnh rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý kinh tế - xã hội, xây dựng Ðảng, hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng, tạo hành lang chính trị, pháp lý hoàn chỉnh, thống nhất, đồng bộ, chặt chẽ, hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng; giám sát, kiểm soát quyền lực để bảo đảm quyền lực được thực hiện công khai, minh bạch, không bị lợi dụng, lạm dụng; hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới. Những nỗ lực đó đang được nhân dân đồng tình, ủng hộ, tạo được không khí phấn chấn và tin tưởng trong xã hội.
Đó là những sự thật mà những kẻ kích động, chống phá không thể phủ nhận.
___________________________________
(1) Xem thêm Kiềm chế tham nhũng - Hướng tới một mô hình xây dựng sự trong sạch quốc gia - Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, tr. 169
(2) Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020, tổ chức ngày 12/12/2020, tại Hà Nội.
Thiên Phương