Lợi dụng mặt trái của mạng xã hội, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị cố tình tán phát các thông tin xấu độc, không đúng sự thật lên không gian mạng, rồi tạo ra các bình luận nhằm lôi kéo, kích động cộng đồng mạng tham gia, thành lập các hội, nhóm tự phát để bàn tán, chỉ trích, xuyên tạc, bôi nhọ danh dự, uy tín người khác.
Mục tiêu của họ là gieo rắc các nhận thức sai lầm, tâm lý hoài nghi, tâm trạng bất an, bức xúc trong xã hội và cộng đồng; ngấm ngầm kích động các tư tưởng bất tuân, chống đối luật pháp, chuẩn mực xã hội, cộng đồng; xúi giục các hành vi bạo loạn, bạo lực... Nhiều người gọi đây là những “comment bẩn”.
Nguy hại "comment bẩn"
Trên thực tế, “comment bẩn” có khá nhiều dạng. Dạng dễ nhận thấy nhất là những comment tục tĩu. Những “comment bẩn” dạng này thường là những lời nói bậy bạ, vô văn hóa, văng tục, chửi thề, song thường thì câu từ không có nhiều ý nghĩa cụ thể mà chỉ nhằm mục đích a dua phá hoại. Loại này có thể dễ dàng gặp ở những diễn đàn không có người quản lý trực tiếp (admin) hoặc những trang mạng có bộ lọc ngôn từ không cao. Tuy nhiên, số lượng comment loại này thường rất nhiều nên dễ vượt quá sự kiểm soát.
Dạng “comment bẩn” thứ hai tinh vi hơn, dễ lọt lưới kiểm soát hơn vì nhìn thoáng qua tưởng chừng vô hại. Những kẻ thường xuyên tung “comment bẩn” dạng này bỏ thời gian để theo dõi xem những người còn lại trong diễn đàn đang nói về điều gì để bắt lỗi, chất vấn... những bình luận này thường gay gắt hơn mức bình thường. Người đưa ra bình luận luôn sẵn sàng đối đáp kịch liệt với “chủ thớt” (cách gọi của cư dân mạng để chỉ người lập ra topic) để chứng minh nhận xét của mình, cứ như vậy sẽ tạo nên làn sóng lan truyền trên mạng.
Dạng “comment bẩn” thứ ba là những comment do chính “chủ thớt” nêu ra để làm chủ đề bàn luận cho cư dân mạng tham gia hoặc mượn một topic nào đó và đưa ra nhận xét, bình phẩm, đánh giá của mình, từ đó lôi kéo, kích động người khác cùng bình luận nhằm đạt được ý đồ. Dạng “comment bẩn” này thường được dựng lên có chủ đích rõ ràng, có thể vì mục đích chính trị, kinh tế, xã hội... Trong phạm vi bài viết này chỉ đề cập đến dạng “comment bẩn” của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lợi dụng mạng xã hội, truyền thông xã hội để xuyên tạc, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, xúc phạm danh dự các vị lão thành cách mạng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội...
Những người thực hiện thủ đoạn này được đào tạo khá bài bản với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin nên họ thực hiện ngày càng thường xuyên và tinh vi hơn. Đối tượng họ hướng đến là các lão thành cách mạng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội và những người có vị trí, vai trò, tầm ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước hoặc cán bộ, đảng viên thường xuyên, trực tiếp tiếp xúc với nhân dân. Dạng thức phổ biến là: Xuyên tạc, bịa đặt về lịch sử thân thế, sự nghiệp; xúc phạm đời tư, cuộc sống gia đình, gán ghép các mối quan hệ xã hội... Để tăng hiệu quả, họ thường tung thông tin này vào những thời điểm nhạy cảm về chính trị, như: Những sự kiện chính trị trọng đại của đất nước; trước, trong và sau dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn; đại hội Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp...
Ngoài ra, họ còn mượn một hiện tượng, một cá nhân cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất bị pháp luật nghiêm trị để đánh tráo khái niệm, quy chụp, đánh đồng thành bản chất chế độ xã hội, bản chất của Đảng và Nhà nước. Chỉ cần một hành động, một câu nói nào đó của cán bộ, đảng viên cũng bị họ phân tích, mổ xẻ, xuyên tạc ở nhiều góc độ để thêu dệt thành những câu chuyện thị phi rùm beng. Thậm chí, họ còn cố tình dàn dựng những “cạm bẫy” nhằm kích động, làm cho những cán bộ, đảng viên thiếu bản lĩnh, kinh nghiệm, mất kiềm chế trong những tình huống cụ thể để tổ chức quay phim, chụp hình rồi cắt ghép, chỉnh sửa, thêu dệt thành những câu chuyện gây bức xúc trong “dư luận”. Hơn thế nữa, họ còn rất thạo các cách thức để thổi phồng sự việc, để thu hút người theo dõi, tạo điểm nóng trong “dư luận”. Từ một hành động nhỏ chưa phù hợp của một cán bộ, đảng viên nào đó, họ có thể "vẽ" thành một bức tranh toàn cảnh về đạo đức, lối sống, về nghệ thuật xã giao, văn hóa công vụ... của cả một cơ quan, đơn vị, của Đảng, của xã hội rồi đem so sánh với các nước khác, bất chấp sự khập khiễng. Nguy hiểm hơn, để hướng dư luận theo mưu đồ của mình, họ chặn hoặc loại bỏ những bình luận trái chiều, ý kiến đấu tranh của những người có chính kiến để tạo nên dạng thông tin một chiều có lợi cho mục đích chống phá.
Không khó để nhận ra đây là những thủ đoạn của hoạt động “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị. Bởi vì, thủ đoạn dù có tinh vi đến đâu, xảo quyệt thế nào thì bản chất cũng chỉ là chiêu trò “bình mới, rượu cũ”. Vấn đề đặt ra ở đây là đã có không ít người dân vì tính hiếu kỳ, nhận thức đơn giản, phiến diện, thậm chí một bộ phận cán bộ, đảng viên, trí thức, văn nghệ sĩ vô tình hoặc cố ý tham gia “góp ý” rất sôi nổi tạo nên một “làn sóng” lan truyền nhanh chóng với hàng nghìn, thậm chí hàng triệu “comments”, qua đó giúp cho các thế lực thù địch, phản động đạt được ý đồ chống phá. Vậy làm thế nào ngăn chặn là câu hỏi đặt ra cấp thiết đối với các cơ quan hữu quan, các ban, ngành và cả những người tham gia mạng xã hội.
Làm thế nào để ngăn chặn "comment bẩn"?
Thứ nhất, đối với các cơ quan hữu quan của Đảng, Nhà nước và các chủ thể quản lý pháp luật về an ninh mạng: Cần chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường các biện pháp giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức của công dân về pháp luật, nhất là Luật An ninh mạng; các chỉ thị, quy định về cung cấp, phát triển, sử dụng các nền tảng mạng xã hội; ý thức, trách nhiệm và những nguyên tắc khi tham gia các nền tảng mạng xã hội của người dân. Hoàn thiện các quy định về quản lý thông tin trên mạng xã hội; tập trung nghiên cứu xây dựng luật về quản lý thông tin trên mạng, Luật An ninh mạng để có thể tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ, phù hợp; tích cực xây dựng khung khổ pháp luật khoa học, tiến bộ để truyền thông xã hội hoạt động, phát triển lành mạnh, đúng hướng và quản lý tốt mạng xã hội.
Các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội thực hiện nghiêm túc Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, hướng tới xây dựng môi trường mạng xã hội lành mạnh, an toàn tại Việt Nam. Các cá nhân, tổ chức cần phải có trách nhiệm pháp lý với các thông tin đưa lên mạng xã hội nhằm hạn chế tối đa những phát ngôn “vô tội vạ”, xâm phạm đời tư, hạ thấp uy tín, bôi nhọ danh dự của cá nhân, tổ chức trên mạng xã hội. Xây dựng và hoàn thiện các văn bản thực hiện Luật Báo chí, trong đó chú trọng việc nâng cao vai trò định hướng thông tin của các cơ quan báo chí chủ lực, tích cực, chủ động phê phán, phản bác thông tin xấu, độc trên mạng xã hội để góp phần khắc phục những mặt trái của truyền thông xã hội.
Thứ hai, đối với các chủ thể cung cấp mạng xã hội: Các nhà cung cấp, khai thác dịch vụ mạng, nhất là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới phải có trách nhiệm tuân thủ luật pháp Việt Nam, tôn trọng chủ quyền, lợi ích dân tộc, an ninh quốc gia Việt Nam. Yêu cầu các đối tác phải thể hiện rõ sự hợp tác và tuân thủ các quy định khi vào hoạt động tại Việt Nam, như: Đặt cơ quan đại diện, thiết lập tính chính danh của người dùng trong đăng ký tài khoản, phối hợp tích cực để kịp thời bóc gỡ những trang mạo danh, các topic cố tình xuyên tạc, bôi nhọ, xúc phạm các cá nhân, tổ chức, xóa bỏ triệt để các tài khoản đưa thông tin sai sự thật... Đồng thời, cần coi trọng hơn các biện pháp kinh tế, trách nhiệm của những doanh nghiệp phải tương xứng với lợi ích mà họ được hưởng.
Thứ ba, đối với các cơ quan quản lý, giám sát các phương tiện truyền thông: Cần tiếp tục hoàn thiện đồng bộ hệ thống văn bản pháp luật với các điều khoản cụ thể, rõ ràng, sát thực, phù hợp, theo kịp tốc độ biến động của truyền thông xã hội, thay vì chỉ dừng ở quy tắc điều chỉnh mang tính khuyến nghị. Tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, đặc biệt là sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng có liên quan và của cả hệ thống chính trị để xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, gây hại như: Lưu trữ, cung cấp, đăng tải, tán phát tin giả, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, nói xấu, kích động, chống phá Đảng, Nhà nước trên internet, mạng xã hội...
Tăng cường các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn, bóc gỡ, loại bỏ những thông tin độc hại, xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá Việt Nam. Đây là biện pháp rất cần thiết và hữu hiệu trong bối cảnh hiện nay. Các đơn vị chuyên trách về an ninh mạng cần kịp thời hỗ trợ với các tổ chức, cá nhân khi phát hiện dấu hiệu “lỗ hổng” bảo mật và cả khi bị tội phạm tin học tấn công để khắc phục và tạo lập môi trường mạng lành mạnh, trong sạch để người dùng yên tâm khi sử dụng mạng xã hội phục vụ nhu cầu chính đáng của cá nhân, tổ chức.
Thứ tư, đối với người tham gia mạng xã hội: Khi tham gia môi trường mạng, các “cư dân mạng” nên lan tỏa những thông tin, hình ảnh tốt đẹp về các hoạt động xã hội, hoạt động vì cộng đồng, phê phán những thói xấu, biểu hiện lệch lạc, hướng tới thông điệp nhân văn, xây dựng văn hóa ứng xử trên mạng xã hội thanh lịch, văn minh. Đồng thời, cần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, không sử dụng ngôn ngữ lai căng, tục tĩu, có tính bạo lực; chỉ đăng, phát thông tin rõ nguồn gốc, đã được kiểm chứng. Đặc biệt, không được lập nhóm, hội để nói xấu, bôi nhọ, xúc phạm người khác hoặc công kích lẫn nhau; không “vào hùa” theo đám đông khi chưa hiểu rõ về vụ việc hoặc không có căn cứ. Trong quá trình đăng tải các thông tin, các cư dân mạng không đăng những thông tin bịa đặt, thông tin vi phạm pháp luật; không sử dụng những ứng dụng không rõ nguồn gốc để tránh bị làm phiền bởi các tin rác hay bị lấy cắp thông tin tài khoản. Các “cư dân mạng” cần nắm rõ và tuân thủ các quy định của Luật An ninh mạng. Trên cơ sở đó, mỗi người cần biến tài khoản mạng xã hội của mình thành một kênh thông tin lành mạnh và thực hiện truyền thông xã hội trên tinh thần trách nhiệm cộng đồng, kịp thời phát hiện, góp ý, phê bình, phản bác... những thông tin phản động, độc hại trên mạng xã hội.
Khi tham gia mạng xã hội, các “cư dân” cần trang bị các kỹ năng tự bảo vệ thông tin cá nhân, cách thức chắt lọc, tiếp nhận thông tin. Việc người dùng nâng cao "sức đề kháng”, trang bị hiểu biết về pháp luật, bộ lọc văn hóa tốt, ứng xử văn minh trong tranh luận, phản biện, có năng lực về tin tức, đánh giá được độ tin cậy của thông tin trên mạng xã hội là rất quan trọng. Có như vậy, việc khai thác, sử dụng mạng xã hội mới hiệu quả, thiết thực và lành mạnh, người dùng mới có thể bảo vệ những giá trị của bản thân, của cộng đồng và dân tộc.
Theo qdnd.vn