Không để bị lợi dụng vì vấn đề môi trường

Cái gọi là “đấu tranh vì môi trường” gần đây được dựng lên như một cái cớ, như một vỏ bọc, “mượn” sự cố môi trường để tăng “tính thời sự” cho các hoạt động sai trái nhằm gây bất ổn trong đời sống chính trị, làm giảm sút lòng tin của người dân với đường lối lãnh đạo của Đảng, làm suy yếu hiệu quả quản lý, điều hành của Nhà nước. Đây là những hành vi cần lên án và xử lý vi phạm trước pháp luật.

1. Thời gian gần đây, vấn đề môi trường được một số đối tượng nhắc đến nhiều trên mạng xã hội để lôi kéo, tập hợp người dân phản đối các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Với mục tiêu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, làm mất ổn định tình hình, các phần tử phản động đang cố tình tạo ra các “điểm nóng”. Khi các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý thì chúng lấy cớ đó xuyên tạc, vu cáo chính quyền. Cách thức thường thấy là thổi phồng những bất cập, thiếu sót trong quá trình xử lý những sự cố môi trường để kích động một bộ phận quần chúng thiếu thông tin, có nhận thức hạn chế, tổ chức khiếu kiện đông người, cao hơn nữa là trực tiếp chỉ đạo những phần tử cực đoan gây ra các vụ đập phá tài sản, xâm hại sức khỏe, tính mạng người khác, chống người thi hành công vụ... Thủ đoạn cũng như phương thức hoạt động của các thế lực chống phá lúc điên cuồng, công khai, khi âm thầm bí mật nhưng có một điểm chung là rất ráo riết và các hoạt động đều được chuẩn bị kỹ, có tính toán, có sự phối hợp. Điều này được thể hiện rõ khi các cuộc tuần hành, biểu tình diễn ra thì lập tức được tung lên mạng xã hội và được những “nhà dân chủ bàn phím” làm “tăng nhiệt”, hà hơi tiếp sức, kích động, phá hoại những nỗ lực của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, chính quyền địa phương trong việc khắc phục những sự cố môi trường.

Thành phố Hà Nội mờ mịt trong ngày chỉ số ô nhiễm không khí cao vào cuối tháng 9/2019. Ảnh: vnexpress.net

Môi trường xuống cấp, ô nhiễm là vấn đề có tính toàn cầu. Sự suy thoái của môi trường ảnh hưởng xấu tới tất cả các quốc gia, tới từng con người và để giải quyết những vấn nạn môi trường cũng cần sự phối hợp có tính vĩ mô, đồng bộ ở tầm quốc tế, quốc gia cũng như những hành động cụ thể của mỗi cá nhân. Cần phải nhấn mạnh rằng: Yếu tố đầu tiên để bảo đảm giải quyết thiết thực các vấn đề môi trường là sự đồng thuận. Tất cả các diễn đàn về môi trường có sự tham gia của nhiều quốc gia đều đề ra các giải pháp dựa trên nguyên tắc đồng thuận, kêu gọi các quốc gia cùng thực hiện. Trong phạm vi một quốc gia cũng vậy, mọi giải pháp nhằm giải quyết vấn đề môi trường đều cần sự chung tay góp sức thực hiện của mỗi người dân bên cạnh những cơ quan hữu trách. Việt Nam cũng không nằm ngoài vùng ảnh hưởng xấu của biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường. Hơn thế, Việt Nam còn là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Ô nhiễm môi trường nước, ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường sinh thái nói chung, thiên tai và những hệ lụy do biến đổi khí hậu… đang hằng ngày gây ra những hậu quả ngày càng trầm trọng. Đó là thực tế đáng báo động.

Tuy nhiên, lợi dụng những vấn đề này để tuyên truyền xuyên tạc với mục đích “diễn biến” tình hình theo chiều hướng tiêu cực, kích động, kêu gọi, tổ chức biểu tình gây mất an ninh, trật tự thì cần lên án, đấu tranh, ngăn chặn. Thời gian qua, những sự cố môi trường đã được truyền thông hải ngoại và nhiều trang phản động trong nước lợi dụng để xuyên tạc, vu cáo, kích động, lôi kéo, kêu gọi biểu tình nhằm gây mất ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Họ cố tình “thổi phồng” vấn đề, đưa thông tin sai, kích động một bộ phận quần chúng nhân dân tổ chức khiếu kiện, tụ tập biểu tình, gây mất an ninh trật tự. Ngoài những vấn đề (đã quen thuộc) như dân chủ, nhân quyền, vấn đề môi trường đã được các phần tử này lựa chọn là một trong những mũi nhọn để đẩy mạnh các hoạt động chống phá. Vấn đề môi trường được tranh thủ lợi dụng bởi dễ thu hút dư luận, dễ kích động, lôi kéo, tập hợp lực lượng. Thực tế đã chứng minh những điều đó.

2. Sau khi Công ty Formosa xả thải làm ảnh hưởng nặng nề môi trường biển tại một số tỉnh miền Trung, lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành đã nhanh chóng vào cuộc, thực hiện nhiều biện pháp, tổ chức thu thập, phân tích dữ liệu, có sự phản biện độc lập của các chuyên gia quốc tế, để đề ra các biện pháp pháp lý kiên quyết buộc thủ phạm là Công ty Formosa thừa nhận trách nhiệm, công khai xin lỗi và cam kết bồi thường cả cho xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường. Những nỗ lực đó đã được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá là khách quan, khoa học, đúng pháp luật và trên tinh thần nhân văn.

Tuy nhiên, khi các bộ, ngành chức năng rốt ráo thực hiện các công việc nhằm khắc phục hậu quả sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung thì vẫn có nhiều kẻ lợi dụng sự cố này để tung tin bịa đặt, bóp méo sự việc, chính trị hóa vấn đề. Trong khi việc cần làm là đoàn kết chung tay với địa phương khắc phục sự cố thì có người đi kích động nhân dân tụ tập đông người gây rối tại trụ sở các cơ quan công quyền. Ở một số tỉnh miền Trung đã xuất hiện hàng chục vụ tuần hành, tụ tập đông người dưới cái gọi là “đấu tranh vì môi trường”, gây trở ngại cho hoạt động giao thông trên quốc lộ 1A, biểu tình trước cổng Công ty Formosa, kích động, phản đối chính quyền, vu khống lực lượng chức năng, gây rối tại UBND huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh, ngày 3-4-2017) v.v. Không khó để có thể nhận ra các phần tử phản động, cơ hội chính trị đã lợi dụng triệt để sự cố môi trường biển để tuyên truyền, xuyên tạc chống phá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phủ nhận tinh thần trách nhiệm, và sự chỉ đạo của Chính phủ, sự nỗ lực, khẩn trương vào cuộc, sát cánh cùng người dân các vùng bị thiệt hại của các bộ, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền các địa phương. Đây là những hành vi coi thường kỷ cương, phép nước, gây phẫn nộ trong các tầng lớp nhân dân, vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật đòi hỏi các cơ quan chức năng vào cuộc, điều tra làm rõ, xử lý nghiêm minh.

Đối với vấn đề ô nhiễm không khí, để đánh giá đúng tình hình, các cơ quan chuyên môn vẫn đang tích cực theo dõi, thu thập số liệu quan trắc, phân tích số liệu, tìm ra nguyên nhân và có giải pháp hữu hiệu để xử lý, phòng ngừa và ngăn chặn. Nhưng các trang mạng, blog của các tổ chức, phần tử phản động lợi dụng tập trung khai thác, phân tích, thông tin dẫn dắt dư luận theo chiều hướng tiêu cực. Họ lợi dụng vấn đề ô nhiễm môi trường không khí, ô nhiễm nguồn nước để xuyên tạc, bôi nhọ, quy kết thành vấn đề chính trị. Một thủ đoạn khác cũng hay được sử dụng là viện dẫn (không đầy đủ) một vài ý kiến cá nhân, dẫn lại một số phương tiện truyền thông quốc tế cho rằng “Người nước ngoài rời bỏ Hà Nội vì môi trường” (!), xuyên tạc để làm méo mó hình ảnh Việt Nam trong mắt bè bạn, cộng đồng quốc tế. Ở mức cao hơn, các phần tử chống phá tuyên truyền rằng Nhà nước bỏ mặc người dân. Họ kêu gọi, tổ chức tụ tập, biểu tình gây mất an ninh, trật tự trên địa bàn. Họ quy kết Nhà nước bưng bít thông tin, chính quyền thờ ơ với đời sống người dân. Mục đích của họ là phủ nhận sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong vấn đề giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu để làm mất niềm tin, chia rẽ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Ở một số địa điểm tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Bình... đã thấy xuất hiện những lời kêu gọi người dân, nhất là giới trẻ tụ tập, tuần hành nhân sự cố môi trường. Trong những cuộc tụ tập “xuống đường” đó thường xuất hiện một số gương mặt quen thuộc, thường xuyên gây rối ở các đô thị. Một số phần tử vỗ ngực nhân danh “trí thức” còn nhằm vào cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, hô hào, kích động tuần hành gắn với phản đối, tẩy chay bầu cử. Đây đó, còn có cả những “khuyến nghị” đòi môi trường sạch, “bầu cử minh bạch” bằng các tâm thư gửi ra nước ngoài v.v.

3. Chúng ta không phủ nhận hay bao biện cho thực trạng ô nhiễm môi trường - mà theo số liệu của các cơ quan chức năng Việt Nam là ảnh hưởng trực tiếp, ở mức nguy hiểm, nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Mỗi người dân, với tư cách là một công dân có trách nhiệm, trước những vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường đều có thể lên tiếng, góp ý, phản ánh có tính xây dựng với chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước theo đúng chức năng nhiệm vụ mà pháp luật quy định. Những ý kiến xác đáng, có tinh thần xây dựng đều được ghi nhận, nghiên cứu tiếp thu để giải quyết, để xử lý tình hình bảo đảm cuộc sống của người dân tốt hơn, để những hoạt động của chính quyền, của hệ thống chính trị có hiệu lực, hiệu quả hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn.

“Không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế” là thông điệp nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Những vi phạm đều bị xử lý nghiêm khắc trên tinh thần không có vùng cấm, không có ai nằm ngoài pháp luật. Cùng với đó, mỗi người dân cũng cần luôn đề cao cảnh giác với những âm mưu thủ đoạn chống phá núp bóng bảo vệ môi trường. Hơn bao giờ hết, sự đồng thuận của nhân dân đối với quyết sách của Đảng và Nhà nước là nền tảng vững chắc để đấu tranh với những âm mưu gây rối của bọn phản động, cơ hội chính trị. Mỗi người dân cần sáng suốt suy xét để nhận ra các luận điệu kích động, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự. Cần cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của truyền thông xuyên tạc được các hội, nhóm, phần tử cơ hội, phản động núp bóng vấn đề môi trường sử dụng để phá hoại an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Thiên Phương

Điện tử

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy