Lợi dụng tình trạng tranh chấp, khiếu kiện vẫn xảy ra và diễn biến phức tạp, các đối tượng xấu lôi kéo, kích động người dân gây rối, làm ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Trách nhiệm của mỗi người khi thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo là phải tuân thủ pháp luật, đúng cả về nội dung và trình tự.
Lợi dụng khiếu nại, tố cáo để kích động
Thời gian qua, một số vụ việc khiếu kiện tuy đã được các cấp giải quyết, đã được tòa án có thẩm quyền xét xử đúng pháp luật, nhiều quyết định đã có hiệu lực nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu kiện không đúng trình tự, thủ tục quy định. Nhiều vụ việc bị kích động đẩy từ khiếu nại lên khiếu kiện, từ vụ việc cá nhân trở thành vụ việc đông người. Một số vụ việc khiếu nại, tố cáo dù đã được các cấp, các ngành giải quyết nhiều lần nhưng các đối tượng khiếu kiện vẫn cho rằng “chưa thỏa đáng” rồi hô hào tập trung đông người, kéo đến cơ quan Đảng, Nhà nước gây mất an ninh, trật tự. Lợi dụng danh nghĩa “đấu tranh đòi quyền lợi” vin vào các vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, một số đối tượng phản động, lưu vong gia tăng các hoạt động móc nối, chỉ đạo các đối tượng khiếu kiện cực đoan tiến hành các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước. Âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động ưa thích của các đối tượng này là lôi kéo, kích động, thậm chí hỗ trợ tài chính, hướng dẫn người dân khiếu kiện tham gia các tổ chức trá hình với danh nghĩa “dân oan” để tập hợp lực lượng có các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, làm phức tạp tình hình an ninh, trật tự.
Những vụ việc khiếu kiện, tố cáo là “miếng đất tốt” để các thế lực thù địch, phản động khai thác để chống phá. Chúng triệt để lợi dụng những bức xúc để lôi kéo, kích động người dân khiếu kiện có các hoạt động gây phức tạp tình hình an ninh, trật tự với âm mưu thực hiện những hoạt động gây rối trong những thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước hoặc lợi dụng bối cảnh, tình hình thế giới, khu vực, trong nước phức tạp, những vấn đề nhạy cảm về chính trị, kinh tế, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, những vi phạm liên quan đến tôn giáo, môi trường,… để kích động đưa kiến nghị, biểu tình “đòi” bảo vệ chủ quyền, môi trường, “đòi” tự do tôn giáo v.v... gây mất an ninh, trật tự.
Trong các vụ việc, hầu hết những người đi khiếu kiện là nhân dân lao động. Các đối tượng lợi dụng tâm trạng bức xúc cùng với tình trạng thiếu hiểu biết về pháp luật để kích động người dân không đồng ý với cách giải quyết của các cấp, các ngành, đẩy mâu thuẫn lên cao, xúi giục người dân biểu tình gây mất an ninh, trật tự. Chỉ cần ở đâu đó xuất hiện các điểm nóng xung đột quyền lợi giữa người dân với chính quyền hoặc giữa những người dân với nhau là các đối tượng đã có thể xuất hiện đặt vấn đề viết “hộ” (!) đơn, thư khiếu kiện hoặc “lo” giúp giải quyết vụ việc. Cách làm thường thấy của các đối tượng này là đi đến tận nơi có người dân đang khiếu kiện, hứa hẹn giúp đỡ “đòi công bằng”, giúp gửi đơn ra các cơ quan Trung ương. Bước cao hơn là xúi giục người dân làm băng rôn, khẩu hiệu, tụ tập đông người kéo đến trụ sở các cơ quan Đảng, chính quyền các cấp để gây sức ép. Nhiều đối tượng còn đặt vấn đề viết bài đăng báo, “đòi quyền lợi” (?). Nguy hiểm hơn, để tạo được “tiếng vang”, họ xúi giục người dân vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác hoặc cơ quan, tổ chức liên quan. Các “nhà dân chủ” thường đóng vai “người bảo vệ quyền lợi” cho dân để thực hiện các bài “phỏng vấn” lồng ghép các nội dung bôi nhọ chính quyền, xuyên tạc chủ trương, chính sách rồi đưa lên các trang mạng xã hội vu cáo, chống Đảng và Nhà nước.
Thực hiện quyền hiến định, công minh…
Từ năm 1959, khi tiến hành sửa đổi Hiến pháp 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Quy định nhiệm vụ cho tất cả các cơ quan Nhà nước là phải dựa vào nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự kiểm soát của nhân dân”(1). Điều này trong các đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước là nhất quán. Điều 20, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm...”. Quyền tố cáo của công dân được quy định tại Điều 30: “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân”. Những điều đó trong Hiến pháp đã được cụ thể hóa trong các Bộ luật Dân sự (2015) và Luật Hình sự (2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Cần phải khẳng định, đơn thư tố cáo đúng có vai trò quan trọng trong công tác tổ chức, nhất là những công việc có liên quan đến kinh tế, tài chính, đặc biệt là liên quan đến con người. Những năm qua, cùng với công cuộc xây dựng chỉnh đốn, làm trong sạch Đảng được đẩy mạnh từ hai nhiệm kỳ Đại hội gần đây, từ việc thực hiện khiếu nại, tố cáo, nhiều vụ việc bị phanh phui đã giúp Đảng làm rõ nhiều cán bộ có sai phạm và thi hành kỷ luật nghiêm minh những cá nhân không đủ trình độ, tư cách, phẩm chất đạo đức. Nhiều đại án bị phanh phui cũng bắt đầu từ các đơn thư tố cáo đúng sự thật, có trách nhiệm. Dựa vào các thông tin có cơ sở, Đảng và các cơ quan Nhà nước các cấp đã kiên quyết xử lý nhiều cán bộ sai phạm, trong đó có cả những cán bộ cấp cao. Điều này làm tăng thêm lòng tin của dân với Đảng, gây được không khí phấn chấn và tin tưởng vào công lý trong xã hội. Việc đấu tranh với tiêu cực được khuyến khích, việc tố cáo đúng được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, mặt trái của nó là tình trạng đơn thư tố cáo nặc danh, mượn danh, tố cáo sai sự thật; động cơ nhằm triệt hạ người khác, gây mất đoàn kết nội bộ... đã gây ra những hậu quả xấu. Điều này không chỉ là nguyên nhân gây rối loạn trật tự, an toàn xã hội, gây thêm khó khăn cho công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân.
Luật Tố cáo (2018) đã quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, trong đó người tố cáo có nghĩa vụ trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo; hợp tác với người giải quyết tố cáo khi có yêu cầu... Luật cũng nghiêm cấm nhiều hành vi đối với người tố cáo, như: Cố ý tố cáo sai sự thật; cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; sử dụng họ tên của người khác để tố cáo; mua chuộc, hối lộ, đe dọa, trả thù, xúc phạm người giải quyết tố cáo; lợi dụng quyền tố cáo để tuyên truyền chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước; gây rối an ninh, trật tự công cộng; xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác; đưa tin sai sự thật về việc tố cáo và giải quyết tố cáo...
… Và thượng tôn pháp luật
Pháp luật cho phép người dân thực hiện các quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị theo luật định qua đơn thư gửi các cơ quan chức năng có thẩm quyền thụ lý giải quyết, nếu thấy chưa thỏa đáng thì có thể tiếp tục khiếu nại lên cấp trên hoặc khởi kiện ra tòa án để bảo vệ quyền lợi của mình. Trên tinh thần đó, mỗi người dân cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, phân biệt rõ giới hạn của quyền khiếu nại, tố cáo, đấu tranh với những hành vi sai trái. Điều mỗi người cần hiểu rõ và thực hiện đúng là: Bảo vệ quyền lợi của mình nhưng phải đúng quy định và với tinh thần thượng tôn pháp luật. Đặc biệt, người dân cũng cần cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng khiếu nại, tố cáo để kích động gây rối, xâm phạm an ninh, trật tự - những điều đó là phạm pháp. Khi cần tìm hiểu, tư vấn về pháp luật liên quan đến khiếu kiện, người dân nên/có thể đến các trung tâm hỗ trợ pháp lý, các văn phòng luật sư, gặp cán bộ tư pháp... để được hướng dẫn cụ thể về nội dung và trình tự những điều mình có thể làm để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bản thân, gia đình. Mỗi cá nhân khi thực hiện việc khiếu nại, tố cáo đều phải hiểu rõ và thực hiện đúng các quy định của pháp luật với đầy đủ trách nhiệm của mình.
Để làm sáng rõ tính công minh, chính đáng và rộng đường dư luận, các cấp chính quyền cũng cần tăng cường hơn nữa công tác tiếp dân, đối thoại với công dân để khi giải quyết mỗi vụ việc đều bảo đảm chính xác, khách quan, có tình, có lý và có tính thuyết phục cao. Đồng thời, cùng với việc có biện pháp quyết liệt để đấu tranh, xử lý có hiệu quả, triệt để tình trạng khiếu nại, tố cáo sai sự thật, vượt cấp, cơ quan chức năng cần tập trung xử lý dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo còn tồn đọng, những vụ việc phức tạp đã kéo dài và công khai kết quả trước dư luận công chúng. Những vụ việc đã được giải quyết thỏa đáng, đúng quy định của pháp luật cần có các biện pháp thuyết phục, tuyên truyền, vận động để các đương sự nghiêm túc chấp hành. Cùng với đó, cần kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các cán bộ lợi dụng kẽ hở, lợi dụng sự phức tạp và chồng chéo của các văn bản để gây khó khăn, nhũng nhiễu, “dọa” dân, làm phức tạp thêm vụ việc nhằm đạt các mục đích xấu khi người dân có việc cần khiếu nại, tố cáo.
Thiên Phương