Đấu tranh chống những âm mưu lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền

Trong những năm qua, dân chủ, nhân quyền luôn là một trong những vấn đề được các thế lực thù địch lợi dụng để gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở Việt Nam. Sự chống phá diễn ra cả ở trong và ngoài nước với nhiều bộ mặt. Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định tôn trọng và bảo đảm các quyền tự do dân chủ nhưng kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn hoạt động lợi dụng những quyền này để chống phá, gây mất ổn định.

1. Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi năm 2013) đã dành chương II với 36 điều hiến định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Pháp luật Việt Nam bảo đảm mọi công dân có quyền bình đẳng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quyền khiếu nại và tố cáo; quyền lao động, học tập, chăm sóc sức khỏe… không phân biệt giới tính, sắc tộc, tôn giáo. Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc bảo vệ, thúc đẩy quyền con người và được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Liên hợp quốc đã xác nhận: Việt Nam đứng thứ hai trong khối châu Á - Thái Bình Dương và thứ chín trên 135 nước về tỷ lệ phụ nữ làm việc trong Chính phủ. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em. Đến nay, Việt Nam đã tham gia hầu hết các công ước của Liên hợp quốc về quyền con người như: Công ước về Quyền dân sự, chính trị; Công ước về quyền kinh tế, văn hóa, xã hội; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc v.v…

Cán bộ Đồn Biên phòng Quang Long, Bội đội Biên phòng Cao Bằng phối hợp với dân quân địa phương tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: bienphong.com.vn

Mặc dù vậy, các thế lực thù địch vẫn ra sức xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm quyền cơ bản của con người, đàn áp “những người bất đồng chính kiến” v.v... Chúng giải thích nhân quyền là tự do thực hiện quyền mà không bị cấm đoán, không bị giới hạn (!) nhằm cổ xuý hoạt động lợi dụng nhân quyền vi phạm pháp luật. Các thế lực thù địch còn lợi dụng những vụ việc phức tạp nảy sinh trong dân tộc, tôn giáo nhằm thổi phồng, bóp méo tình hình thực tế để xuyên tạc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vu cáo Nhà nước Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, đàn áp dân tộc, tôn giáo hòng kích động quần chúng, tín đồ gây rối, tạo cớ để bên ngoài can thiệp.

Chúng phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phủ nhận lịch sử dân tộc, cho rằng chủ nghĩa Mác-Lênin đã lỗi thời, không còn phù hợp với xu thế phát triển của thời đại để từng bước làm mất lòng tin cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Chúng cho rằng việc tồn tại nhiều đảng phái chính trị lãnh đạo xã hội là tiêu chí duy nhất của dân chủ, đồng thời xuyên tạc rằng, chế độ độc đảng là trở ngại lớn nhất trong quá trình dân chủ hóa ở Việt Nam, muốn có dân chủ thực sự thì Việt Nam nên xóa bỏ chế độ độc đảng (!). Thông qua đó, chúng tập hợp lực lượng hình thành các tổ chức dưới danh nghĩa “bảo vệ dân chủ, nhân quyền”, “yêu nước”, ra sức tuyên truyền về vai trò của các tổ chức dân sự trong xã hội, qua đó thúc đẩy sự ra đời của các khuynh hướng dân chủ cực đoan, hình thành các tổ chức chính trị, hội nhóm bất hợp pháp, tập hợp lực lượng hình thành các hội nhóm chống chính quyền, tiến tới hình thành các tổ chức chính trị đối lập.

Bọn chúng còn lợi dụng các vấn đề về lịch sử, đất đai và cuộc sống khó khăn của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số để vu cáo Nhà nước “phân biệt đối xử”, “đàn áp người dân tộc thiểu số”, ép người dân tộc thiểu số phải “bỏ văn hoá dân tộc”, “hoà nhập với cuộc sống văn minh” của người Kinh…(!), triệt để lợi dụng sơ hở, thiếu sót trong thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, giải quyết khiếu nại tố cáo… ở vùng dân tộc thiểu số để mua chuộc, lôi kéo gây mất ổn định trên địa bàn.  Từ đó, chúng tìm cách kích động, lôi kéo đồng bào dân tộc đòi “quyền dân tộc tự quyết, tự quản”, đòi thành lập nhà nước riêng như: “Nhà nước Tin lành Đề-ga” ở Tây Nguyên, “Vương quốc Khmer Krom” ở Tây Nam Bộ, “Vương quốc Mông” ở Tây Bắc... Các tổ chức phản động lưu vong còn tìm cách gây sức ép đòi Nhà nước Việt Nam phải trao “quyền tự quyết, tự quản” cho người Khmer, người Thượng… ở trong nước, thậm chí kích động, lôi kéo người dân tộc thiểu số biểu tình, bạo loạn, xâm phạm an ninh chính trị, trật tự xã hội như đã từng xảy ra ở Tây Nguyên, Điện Biên.

2. Từ phía bên ngoài, Hoa Kỳ và các nước đồng minh luôn gắn vấn đề viện trợ, hợp tác kinh tế với các điều kiện về dân chủ, nhân quyền trong quan hệ ngoại giao với Việt Nam, gây sức ép buộc Việt Nam phải có những “tiến bộ cụ thể về nhân quyền, tôn giáo”, yêu cầu Việt Nam phải đưa ra các lộ trình thực hiện các điều ước quốc tế về dân chủ, nhân quyền, thành lập Tòa án Hiến pháp...

Các thế lực thù địch còn tác động tới Quốc hội Mỹ, EU và các nước phương Tây thông qua các dự luật, nghị quyết, báo cáo thường niên v…v… với nội dung xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, đàn áp tôn giáo, điển hình như: Báo cáo Tự do tôn giáo quốc tế của Bộ Ngoại giao Mỹ, Báo cáo tình hình nhân quyền thế giới hàng năm của Anh, Úc, Nghị quyết của Nghị viện châu Âu...v...v... Hạ viện Mỹ đã thông qua nhiều dự luật, nghị quyết về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Các báo cáo thường niên của các tổ chức quốc tế như: Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW), Nhà Tự do (FH), Ủy ban bảo vệ nhà báo (CPJ), Tổ chức Ân xá quốc tế (AI)... mặc dù phải thừa nhận Việt Nam có “chuyển biến tích cực” về dân chủ, nhân quyền nhưng vẫn xuyên tạc tình hình thực tế trong nước, vu cáo Nhà nước vi phạm dân chủ, nhân quyền. Ngoài ra, các thế lực bên ngoài còn tác động các chính khách cực đoan trong Quốc hội Mỹ, Anh, Đức… tổ chức các buổi điều trần, hội thảo nhằm xuyên tạc, vu cáo hoặc thổi phồng các sự kiện thực tế trong nước để vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, đàn áp tôn giáo, dân tộc, hạ thấp uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.

Họ dùng dân chủ, nhân quyền làm điều kiện để gây sức ép, can thiệp vào nội bộ Việt Nam. Họ tìm cách gắn vấn đề viện trợ, hợp tác kinh tế với các điều kiện về dân chủ, nhân quyền trong quan hệ ngoại giao với Việt Nam, đòi Việt Nam chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, cải cách chính trị, cải cách dân chủ, pháp luật theo cách phương Tây muốn.

3. Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định tôn trọng và bảo đảm quyền của mọi người dân được bày tỏ quan điểm của mình một cách công khai nhưng kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn hoạt động lợi dụng quyền tự do, lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để gây mất ổn định, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xâm phạm quyền và lợi ích chính đáng của Nhà nước và công dân. Đảng, Nhà nước đã và tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các chính sách, văn bản pháp luật nhằm bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền con người đi đôi với việc kiện toàn các cơ quan bảo vệ pháp luật. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền dân chủ của nhân dân trên cơ sở pháp luật. Đẩy mạnh xây dựng và củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở bảo đảm thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Công tác đấu tranh phòng, chống những hoạt động lợi dụng dân chủ, nhân quyền luôn đi cùng với việc phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo… kết hợp với thực hiện công bằng xã hội, không ngừng nâng cao trình độ dân trí, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo nhằm góp phần bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền và lợi ích chính đáng của người dân trên cơ sở pháp luật; tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm phát triển ổn định ở trong nước, tiếp tục thực hiện các cam kết quốc tế và các khuyến nghị về nhân quyền mà Việt Nam đã chấp thuận; tăng cường hợp tác quốc tế trên lĩnh vực nhân quyền với các quốc gia, tổ chức quốc tế quan tâm vấn đề này.

Gần đây nhất, Việt Nam đã bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia theo Cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc ngày 4/7/2019 tại Geneva (Thụy Sỹ) đã khẳng định nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về những thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người là những minh chứng sinh động để bác bỏ những luận điệu sai trái, xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam.

Thiên Phương

Điện tử

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.