Cảnh giác với những âm mưu lợi dụng vấn đề đất đai để chống phá

Lợi dụng những khúc mắc chưa giải quyết xong trong việc thỏa thuận, đền bù giải phóng mặt bằng, các thế lực chống đối xuyên tạc, kích động những đối tượng có quyền lợi liên quan. Cần cảnh giác đấu tranh với những âm mưu và hành động chống phá này.

Ảnh minh họa.

1. Ngay từ những ngày đầu thành lập, vấn đề đất đai đã được Đảng Cộng sản Việt Nam coi là mục tiêu của cách mạng. Khẩu hiệu “Dân cày có ruộng” đã là động lực thôi thúc các thế hệ nông dân nghèo khổ đấu tranh thắng lợi dưới lá cờ lãnh đạo của Đảng. Sau khi giành được độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân, vấn đề đất đai cũng luôn được Đảng quan tâm, xác định là vấn đề quan trọng của quốc gia và đã có nhiều chủ trương, chính sách bảo đảm cho người nông dân có đất đai là tư liệu sản xuất quan trọng nhất để bảo đảm đời sống.

Đất đai là một loại tài sản đặc biệt, là tài nguyên quốc gia, là tư liệu sản xuất chủ yếu, thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, giao quyền sử dụng cho các đối tượng theo quy định của pháp luật. Trong những trường hợp cụ thể, đất đai được Nhà nước giao cho các cơ quan chức năng thực hiện những nhiệm vụ an ninh, quốc phòng. Điều 4 của Luật Đất đai (năm 2013) ghi: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người dân sử dụng đất theo quy định của Luật này”. Đây là cơ sở pháp lý bảo đảm quyền, nghĩa vụ hợp pháp cho người sử dụng. Điều này cũng bảo đảm tôn chỉ “đất đai là tài sản quốc gia” luôn là nguyên tắc trong quá trình quản lý, sử dụng đất đai.

Trong quá trình phát triển của đất nước, với tốc độ phát triển hạ tầng như hiện nay, hằng năm số lượng đất đai phải thu hồi, đền bù, giải phóng mặt bằng là rất lớn. Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, đạt được sự đồng thuận của nhân dân nên phần lớn các dự án có liên quan đến sử dụng đất đều bảo đảm tiến độ, bảo đảm quyền, lợi ích của nhân dân trong quá trình thu hồi đất đai, giải phóng mặt bằng. Nhưng cũng còn không ít nơi để xảy ra tình trạng mâu thuẫn, thậm chí xung đột giữa những người dân đang sử dụng đất và các cơ quan doanh nghiệp, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho các chủ thể quản lý, sử dụng đất đai nhưng tình trạng tranh chấp, xung đột vẫn có xu hướng gia tăng, tính chất ngày càng trở nên phức tạp và trở thành vấn đề nóng ở một số nơi. Một số dự án  chậm tiến độ do gặp nhiều khó khăn trong việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Hiện nay, tình trạng khiếu kiện tập trung nhiều nhất ở đất đai, trong đó, liên quan nhiều nhất là lợi ích kinh tế đất đai. Mức đền bù khiến người dân không hài lòng, việc đền bù của nhà đầu tư cũng chưa thỏa đáng. Trong quá trình quản lý và sử dụng đất đai luôn có những vấn đề phức tạp phát sinh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến tình trạng mâu thuẫn, tranh chấp về nghĩa vụ, quyền lợi giữa các chủ thể quản lý, sử dụng đất đai.

2. Cùng với thời gian dài để xảy ra một số yếu kém, buông lỏng trong công tác quản lý của chính quyền địa phương và các cán bộ liên quan, một số cá nhân, hộ gia đình đã tự ý lấn chiếm, sử dụng đất công. Khi Nhà nước thực hiện chủ trương thu hồi, các thế lực thù địch cố tình xuyên tạc để nhiều người hiểu sai, “lập lờ đánh lận con đen” cho rằng diện tích đó thuộc quyền sử dụng của mình và từ đó có nhiều hành vi sai trái, gây rối, chống đối. 

Mục đích sâu và xa hơn của chúng là vu cáo Đảng, Nhà nước, chính quyền, làm suy giảm niềm tin của nhân dân, kích động tâm lý ức chế, chống đối để chống phá với những giọng điệu cực đoan như: “đấu tranh đến cùng”, “thà hy sinh cũng phải chống lại quân cướp đất”, nhiều khi đội lốt những khẩu hiệu tưởng như tiến bộ - những khẩu hiệu mà “dân oan” thường đưa ra trong các cuộc tụ tập, biểu tình: “chống lại lợi ích nhóm”, “chống tham nhũng”… Những khẩu hiệu này bao giờ cũng được “đi kèm” với những lời lẽ xuyên tạc, vu cáo, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tạo ra những luồng dư luận trái chiều trong quần chúng nhân dân. Mục đích của chúng là đẩy người dân xung đột với chính quyền, phá hoại mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước hòng chia rẽ, kích động tư tưởng đối đầu, thậm chí bạo loạn.

Khi xảy ra các vụ xung đột liên quan đến vấn đề đất đai, lập tức các thế lực thù địch triệt để lợi dụng để tuyên truyền, xuyên tạc, kích động chống phá, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thủ đoạn quen thuộc của chúng là lôi kéo những đối tượng bất đồng chính kiến và các phần tử cơ hội để cản trở việc thực hiện những chủ trương, chính sách về đất đai. Nếu có chương trình, có dự án, có vấn đề liên quan đến việc đền bù, giải phóng mặt bằng, giải tỏa đất đai là các phần tử này tìm mọi cách kích động, tạo dựng hiện trường, quay phim, chụp ảnh, tán phát trên các trang mạng xã hội những thông tin thất thiệt và đưa ra những yêu sách phi lý nhằm kích động chống Đảng, Nhà nước. 

Nhiều đối tượng trực tiếp livetream, cắt, ghép, đưa những hình ảnh sai sự thật để xuyên tạc bản chất vụ việc. Chúng triệt để lợi dụng những sơ hở, yếu kém và những hành vi tiêu cực của một bộ phận cán bộ trong công tác quản lý, quy hoạch, sử dụng đất đai, trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để kích động, gây tâm lý chống đối, gây khó khăn, cản trở việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất đai của Nhà nước, gây khó khăn cho doanh nghiệp và chủ đầu tư, gây chia rẽ, mất đoàn kết và tạo ra những tranh chấp trong các tầng lớp nhân dân, cố ý tạo điểm nóng gây xung đột xã hội. 

Nguy hiểm hơn, các đối tượng còn sử dụng người già, phụ nữ, trẻ em như một công cụ, phương tiện để chống lại sự cưỡng chế của các lực lượng chức năng. Việc làm này, tạo điều kiện cho các trang mạng phản động trong và ngoài nước xuyên tạc, vu cáo Đảng, Nhà nước Việt Nam vi phạm “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền”. Một số vụ việc nghiêm trọng thậm chí được “quốc tế hóa”, cố tình tạo ra nhận thức sai lệch, từ đó kêu gọi các tổ chức, cá nhân lên tiếng, can thiệp.

3. Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, coi trọng công tác giải quyết những khiếu nại tranh chấp về đất đai một mặt để bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân, mặt khác sẽ góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Để nâng cao hiệu quả giải quyết những vấn đề liên quan đến đất đai hiện nay, kịp thời ngăn chặn âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, trước hết là phụ thuộc vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, sự quản lý điều hành của chính quyền, nhất là ở cấp cơ sở. Để không phát sinh những khiếu kiện phức tạp, trước tiên, các cấp ủy và chính quyền phải có dự báo được tình hình xấu dễ nảy sinh để có kế hoạch giải quyết khiếu nại, tố cáo, phân công trách nhiệm một cách rõ ràng, cụ thể để giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc tranh chấp. Ở cấp cao hơn, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ thuộc thẩm quyền. 

Một kênh khác giúp tháo “ngòi nổ” những bức xúc, khiếu kiện về đất đai là các cơ quan nhà nước phải chấn chỉnh và làm tốt việc đối thoại, làm tốt công tác tiếp công dân, bố trí cán bộ có đủ năng lực, trình độ, kinh nghiệm, phẩm chất để đối thoại và đảm nhiệm công tác tiếp dân. Các cơ quan thanh tra Nhà nước tăng cường thanh tra trách nhiệm, tập trung giải quyết dứt điểm những vụ việc kéo dài, vượt cấp, đông người, phức tạp... Cần làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, chấn chỉnh những tồn tại, yếu kém, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, vi phạm pháp luật về đất đai. 

Đối với các trường hợp lợi dụng vấn đề này để kích động, gây rối thì phải kiên quyết tiến hành làm rõ, xử lý công khai, nghiêm minh đúng pháp luật. Đồng thời cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức pháp luật của cán bộ, nhân dân; tăng cường vận động, thuyết phục công dân chấp hành pháp luật và các quyết định giải quyết của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Đất đai là vấn đề nhạy cảm vì liên quan trực tiếp đến lợi ích của chủ thể được Nhà nước trao quyền sử dụng, liên quan trực tiếp đến các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam về đất đai là tôn trọng luật pháp, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân trong quản lý, quy hoạch và sử dụng đất đai. Đối với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, dù ở cấp độ nào cũng phải kết hợp hài hòa lợi ích Nhà nước, lợi ích của nhân dân và lợi ích của doanh nghiệp. 

Việc thu hồi, đền bù, giải phóng mặt bằng phải dựa trên chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, lợi ích và sự đồng thuận của nhân dân trên cơ sở bảo đảm tính công khai, công bằng, bình đẳng và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Điều này sẽ loại trừ những nguyên nhân gây mâu thuẫn, xung đột có thể bị các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá.

Thiên Phương

Thiên Phương

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy