“Giải thiêng” là một khuynh hướng sáng tạo trong văn học của chủ nghĩa hiện đại và hậu hiện đại. “Giải thiêng” là việc nhìn lịch sử bằng góc nhìn khác. Nhưng khi lịch sử được “giải thiêng” với ý đồ xấu hạ thấp, bôi nhọ, phỉ báng để “xét lại lịch sử” thì lúc đó lịch sử không còn là lịch sử nữa mà đã bị xuyên tạc, bóp méo. Điều này thực sự nguy hiểm!
Từ một khuynh hướng văn học
“Giải thiêng” theo nghĩa từ nguyên được hiểu là: Làm mất hay xóa bỏ tính thiêng liêng của một đối tượng nào đó. Trong văn học, nghệ thuật, “giải thiêng” là một khuynh hướng sáng tạo của chủ nghĩa hiện đại và hậu hiện đại, với mục đích làm “tan đi” những lớp “sương mù” huyền bí, linh thiêng của nhân vật, đưa nhân vật, sự kiện trở về với đời sống bình thường. “Giải thiêng” khiến cho tính chất huyền thoại của hình tượng bị “bóc” đi. Hình tượng sẽ không còn sự tôn nghiêm, không còn các giá trị biểu tượng, không còn tư cách thần tượng, không còn tính “thiêng” như trước kia đã từng có.
Các nhân vật huyền thoại vẫn lung linh trong tâm thức dân gian. Nhưng các nhân vật lịch sử thì khác. Họ không phải những con người không có thực. Họ là những cá nhân đã từng tồn tại trong một bối cảnh lịch sử nhất định. Họ được ghi chép trong những tài liệu lịch sử khả tín. Tuy nhiên, sách sử thường vắn tắt, không diễn tả biểu cảm, không khắc họa chân dung, tính cách nhân vật mà chỉ viết về những biến cố lịch sử họ tham gia, hành động và kết quả hành động của họ trong đó. Những gì được ghi chép lại chỉ là phần nổi của tảng băng, còn bao nhiêu phần của sự thật lịch sử chưa được biết ? Câu hỏi đó luôn được đặt ra và việc cố gắng trả lời câu hỏi đó cũng đã tạo cho nhà văn cơ hội và khoảng không để hư cấu, tái hiện lại lịch sử bằng nhãn quan của mình.
Trong các tác phẩm văn học nói chung và tiểu thuyết lịch sử nói riêng, những nhân vật lịch sử có thể có những hành vi như các cá nhân bình thường khác trong hoàn cảnh xã hội, thời đại của họ. “Giải thiêng” là quá trình thúc đẩy sự gần gũi, tiếp cận với các nhân vật lịch sử trong mối tương tác suy nghĩ với các thế hệ hậu sinh. Nhờ thế mà lớp hậu thế có thể thấy các nhân vật lịch sử giữa các biến cố lịch sử gần gũi hơn trong những giá trị nhân sinh phổ quát chứ không phải chỉ đơn thuần là những “ông thánh”, là những người cao (và) xa chỉ có thể chiêm bái, ngưỡng vọng…
Theo nghĩa tích cực, việc văn học, nghệ thuật “giải thiêng” các nhân vật lịch sử là soi chiếu các nhân vật lịch sử bằng góc nhìn khác (không phải là góc nhìn quan phương), giúp độc giả nhận ra những chiều cạnh đời thường và có thể thấy các danh nhân gần với cuộc đời hơn chứ không phải là con người siêu thực. Lịch sử được diễn giải không chỉ còn thu gọn trong cái nhìn tư liệu chính thống mà đã được nhìn nhận rộng hơn, sâu hơn, sinh động hơn vì có khuôn mặt và hơi thở của cuộc sống.
Ở Việt Nam, từ những năm 1990 xu hướng “giải thiêng” bắt đầu phát triển trên văn đàn và cũng đã gây nên nhiều cuộc tranh luận. Cuộc tranh luận về “giải thiêng” không chỉ dừng trong phạm vi học thuật văn học mà đã lan vào xã hội. Khuynh hướng “giải thiêng” trong một số tác phẩm còn bỡ ngỡ với phần đông độc giả. Ngoài một số ít người đọc tỉnh táo và hiểu biết, khi công chúng, nhất là giới trẻ, không phân biệt được rạch ròi giữa hư cấu trong văn học và hiện thực lịch sử trong tư liệu thì hệ quả dễ thấy là sẽ hoang mang và mất niềm tin vào lịch sử đáng tự hào của dân tộc. Khi “giải thiêng” trong văn học, một điều xuyên suốt cần khẳng định: “Giải thiêng” luôn gắn với quá trình phân tích, luận giải, đối thoại lịch sử để đi đến đích là tìm kiếm thêm những giá trị lịch sử, văn hóa, đồng cảm với những số phận con người. Hành trình “giải thiêng” luôn phải đi liền với giữ gìn tiếng nói, văn hóa, phong tục, giữ gìn bản sắc dân tộc và tôn vinh lòng tự hào dân tộc – tất cả đều phải được đặt trên bệ đỡ vững chắc là sự thật lịch sử.
Và núp bóng “giải thiêng” để xuyên tạc lịch sử
Hiện nay, ngoài văn học, có hiện tượng một số người lợi dụng xu hướng “giải thiêng” lịch sử với những toan tính khác nhau. Nhiều vấn đề lịch sử được “xới lại”, bị xuyên tạc, bóp méo. Họ lớn tiếng đòi “xét lại lịch sử”, “viết lại lịch sử”, tìm cách tạo ra những nghi hoặc, thậm chí là phủ nhận những thành tựu xây dựng và bảo vệ đất nước. Qua cái gọi là “xét lại lịch sử”, “lật lại lịch sử” họ nhằm vào một số nhân vật, một số sự kiện hay chi tiết lịch sử để hạ thấp, “bôi đen”, hủy hoại lòng tin đã có. Kiểu “giải thiêng” lịch sử đó thực chất là xuyên tạc lịch sử, là một thứ “ngụy sử” để phục vụ những mưu đồ chính trị.
Có những người đặt vấn đề “xới lại” một số sự kiện lịch sử phức tạp, tư liệu chưa đầy đủ, còn có những ý kiến khác nhau để tung ra những tư liệu mà họ cho là “mới”, những quan điểm “mới”. Nhưng những luận điểm suy diễn của họ không thể kiểm chứng được bằng những chứng cứ khoa học. Trên mặt trận tư tưởng, các luồng thông tin xấu độc núp bóng “giải thiêng”, “nhận thức lại” lịch sử thường tập trung vào chủ đề xuyên tạc lịch sử hiện đại của dân tộc, đặc biệt là lịch sử các cuộc kháng chiến chống xâm lược của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20. Cuộc kháng chiến chống xâm lược, bảo vệ độc lập dân tộc được “quy” về cuộc “chiến tranh ý thức hệ”, “chiến tranh ủy nhiệm”, có khi lại được “xoay bản lề” thành “cuộc nội chiến”. Bản chất của cuộc chiến đã bị đánh tráo. Căn nguyên của cuộc chiến đấu chính nghĩa chống xâm lược bảo vệ nền độc lập, ý nghĩa bảo vệ những giá trị nhân đạo và nhân văn của tự do và tự quyết trong quyền thiêng liêng của dân tộc Việt Nam đã bị lờ đi.
Bộ mặt bên ngoài tàn khốc của chiến tranh được nhấn mạnh mà quên đi sự sẵn sàng hy sinh xương máu của bao thế hệ người Việt Nam cầm súng để đổi lấy thống nhất, hòa bình… Tất cả những điều đó nhằm “giải thiêng” vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, hạ uy tín, xuyên tạc hình ảnh của Hồ Chí Minh và các lãnh đạo của Đảng, các tướng lĩnh của Quân đội nhân dân Việt Nam. Mục đích nhằm đến là làm lẫn lộn đen - trắng, xóa nhòa đúng - sai, xóa nhòa ranh giới giữa lòng yêu nước và tinh thần bảo vệ Tổ quốc chân chính với những kẻ sống bằng sự hà hơi tiếp sức của ngoại bang. Thủ pháp thường gặp là tìm những điều bất cập, khiếm khuyết để thổi phồng, từ đó quy nạp và phủ định sạch trơn.
Câu chuyện Lê Văn Tám và việc đốt kho xăng địch là một ví dụ. Có những người cố chứng minh “không có nhân vật Lê Văn Tám”, “giải thiêng”, hạ bệ hình tượng / biểu tượng “em bé đuốc sống” để phủ định tính chính nghĩa cuộc kháng chiến chống Pháp và tinh thần quyết hy sinh để bảo vệ độc lập của quân dân Nam Bộ. Nhưng ý định này đã trở nên lỗi thời. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Nam Bộ lúc đó đang cần có “anh hùng Lê Văn Tám”. Việc tạo nên một hình tượng tuyên truyền là điều rất bình thường và có thể hiểu được. Tuy nhiên, Lê Văn Tám đã được khẳng định rằng không phải là nhân vật lịch sử và câu chuyện anh hùng đó cũng không phải là tư liệu lịch sử - như một số người nhầm lẫn do không có đủ tư liệu chính xác hoặc cố tình lờ đi với một ý đồ hoàn toàn phi lịch sử. Từ năm 2000 cuốn Lịch sử Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và phong trào thanh niên Việt Nam (Nxb Thanh niên, Hà Nội) đã viết rõ: “Các cơ quan thông tin của ta đã đưa hình tượng Lê Văn Tám đốt kho xăng của giặc gây xúc động lớn và cổ vũ mạnh mẽ thanh thiếu niên trong phong trào yêu nước chống quân thù ngoại xâm” (tr 146).
Tiểu sử, tư tưởng và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là đối tượng bị các thế lực thù địch đặc biệt chú ý để bôi nhọ, xuyên tạc. Những ý tưởng “giải thiêng” nhân vật lịch sử vĩ đại này thật sống sượng, trơ tráo. Thậm chí chi tiết “Nguyễn Ái Quốc đã chết ở Hồng Kông năm 1932” còn là “nguồn cảm hứng” để một “GS sử học” viết hẳn một cuốn sách thêu dệt nên câu chuyện về một nhân vật Hồ Chí Minh giả sống đến năm 1969 (!). Tất nhiên câu chuyện hoang tưởng đó không có sức sống và đã bị chính những người “bất đồng chính kiến” bình luận là “một câu chuyện tầm phào”, “sản phẩm của một trí tưởng tượng tồi”. Nhưng nó cũng khuấy lên được những ý kiến bình luận mạt sát Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam ở cộng đồng người Việt hải ngoại (!). Nếu trở lại bối cảnh lịch sử của “Vụ án Hồng Kông năm 1931” và việc xuất hiện tin đồn đó đã khiến cả kẻ thù và nhiều đồng chí của Nguyễn Ái Quốc lầm lẫn thì sẽ không cần tốn công đọc chữ nào của câu chuyện nhảm nhí kia. Tin đồn Nguyễn Ái Quốc (khi đó lấy tên là Tống Văn Sơ) đã chết ở Hồng Kông năm 1931 là có thật do luật sư Lodoby (người đã biện hộ cho Tống Văn Sơ trắng án) đưa ra để giữ an toàn cho Người sau khi thoát khỏi nhà tù ở Hồng Kông.
*
* *
Lịch sử chỉ diễn ra một lần. Sự thật lịch sử chỉ có một, nhưng viết sử có thể phải viết nhiều lần. Để có được nhận thức đúng về lịch sử phải qua những “thao tác” chuyên môn trên cơ sở so chiếu, bổ sung các tư liệu, hình ảnh, nhân chứng... Đó là công việc lâu dài và kiên nhẫn của các nhà sử học chân chính. Nhưng để bảo vệ sự thật lịch sử, bảo vệ tính khách quan, trung thực trong nhận thức lịch sử, chống lại việc núp bóng “giải thiêng” lịch sử với những ý đồ xấu thì cần nâng cao trình độ nhận thức, và bồi đắp tri thức lịch sử, khả năng đánh giá, lọc bỏ những thông tin giả, những thông tin xấu của mỗi người cũng như tạo xu hướng phê phán, loại trừ những thông tin xấu đó trong xã hội. Để giúp cho việc này, từ phía chuyên môn, những tư liệu chính xác và chính thống nên được chính thức công bố rộng rãi. Khi nguồn tư liệu đầy đủ và được công khai tiếp cận, mọi người quan tâm sẽ không còn hoang mang trước những thông tin trái chiều. Cùng với đó là sự lên tiếng của các nhà sử học có chuyên môn sâu, của các nhân chứng lịch sử có thể định hướng cho dư luận.
Thiên Phương