Tôi thành lập một doanh nghiệp sản xuất và cần tuyển dụng nhân sự mảng kỹ thuật. Tuy nhiên bên tôi có nhu cầu cần bảo vệ bí mật công nghệ. Tôi có thể yêu cầu người lao động giữ bí mật công việc không?
Luật sư tư vấn:
Theo Khoản 2 Điều 21 Bộ luật Lao động 2019 quy định: “Khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp vi phạm”.
Trên cơ sở của điều này, nhiều doanh nghiệp và người lao động đã tiến hành ký thoả thuận về bảo vệ bí mật kinh doanh, công nghệ của doanh nghiệp.
Theo Khoản 2 Điều 4 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH có quy định thỏa thuận về bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ có thể sẽ gồm những nội dung chủ yếu sau:
“a) Danh mục bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ;
b) Phạm vi sử dụng bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ;
c) Thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ;
d) Phương thức bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ;
đ) Quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động trong thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ;
e) Xử lý vi phạm thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ.”
Quy định này giúp ngăn ngừa, hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh giữa người lao động làm cho doanh nghiệp và đã thôi không làm việc cho doanh nghiệp, bảo vệ doanh nghiệp và những lợi ích hợp pháp của họ.
Trường hợp người lao động và người sử dụng lao động đều tự nguyện xác lập thoả thuận về bảo mật kinh doanh, bí mật công nghệ thì được coi là thỏa thuận hợp pháp. Nếu vi phạm thoả thuận, người lao động phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người sử dụng lao động theo mức phạt đã cam kết trong thoả thuận.
VNN