Người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện đều có đầy đủ quyền lợi hưu trí, tử tuất như người tham gia BHXH bắt buộc.
Lương hưu hằng tháng
Công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, làm các công việc tự do, công việc tự làm có thu nhập (không hưởng tiền lương, tiền công, không thuộc đối tượng đang tham gia BHXH bắt buộc) đều có thể tham gia BHXH tự nguyện.
Cũng giống BHXH bắt buộc, chính sách BHXH tự nguyện hướng đến mục tiêu góp phần giúp người lao động tự do giảm bớt khó khăn, rủi ro khi về già, bảo đảm thu nhập, ổn định cuộc sống cho mỗi người khi hết tuổi lao động. Do đó, chế độ cơ bản của người tham gia BHXH tự nguyện là chế độ hưu trí vẫn được hưởng đầy đủ như người tham gia BHXH bắt buộc.
Theo Nghị định số 134/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện, người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng chế độ lương hưu hằng tháng, được lãnh BHXH một lần, thân nhân được hưởng chế độ tử tuất khi chết.
Cụ thể, mức lương hưu hằng tháng được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân thu nhập tháng tham gia BHXH.
Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính như sau:
(1) Người nghỉ hưu từ ngày 1/1/2016 đến trước ngày 1/1/2018, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ, mức tối đa bằng 75%.
(2) Nữ nghỉ hưu từ ngày 1/1/2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
(3) Nam nghỉ hưu từ ngày 1/1/2018, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với số năm đóng BHXH theo bảng dưới đây, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Thời điểm hưởng lương hưu của người tham gia BHXH tự nguyện được tính theo tuổi nghỉ hưu chung. Theo lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, năm 2023, tuổi nghỉ hưu của lao động nam tăng lên mức 60 tuổi 9 tháng, lao động nữ là tròn 56 tuổi.
Người tham gia BHXH tự nguyện cũng được hưởng BHXH một lần theo quy định tại Điều 77 của Luật BHXH và Nghị quyết số 93/2015/QH13 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với người lao động.
Chế độ mai táng và tử tuất
Khi người có thời gian đóng BHXH tự nguyện từ đủ 60 tháng trở lên và người đang hưởng lương hưu hằng tháng chết thì người lo mai táng được nhận trợ cấp mai táng. Trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở.
Ngoài ra, người đang đóng BHXH tự nguyện, đang bảo lưu thời gian đóng BHXH, đang hưởng lương hưu khi chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần.
Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người đang đóng BHXH hoặc đang bảo lưu thời gian đóng BHXH được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng BHXH trước năm 2014; bằng 2 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho các năm đóng từ năm 2014 trở đi.
Trường hợp người tham gia đóng BHXH chưa đủ một năm thì mức trợ cấp tuất một lần bằng số tiền đã đóng nhưng mức tối đa bằng 2 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.
Trường hợp người tham gia có cả thời gian đóng BHXH bắt buộc và tự nguyện thì mức hưởng trợ cấp tuất một lần tối thiểu bằng 3 tháng mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng BHXH.
Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người đang hưởng lương hưu khi chết được tính theo thời gian đã hưởng lương hưu. Nếu chết trong 2 tháng đầu hưởng lương hưu thì tính bằng 48 tháng lương hưu đang hưởng. Trường hợp chết vào những tháng sau đó, cứ hưởng thêm 1 tháng lương hưu thì mức trợ cấp giảm đi 0,5 tháng lương hưu.
Theo dantri.com.vn