Bạn Nguyễn Hương tại địa chỉ quận Hoàn Kiếm, Hà Nội hỏi: Trường hợp kinh doanh hàng hóa trên các trang mạng xã hội không đảm bảo an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ bị xử lý ra sao?
Liên quan câu hỏi trên, Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Công ty Luật Intercode, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Quy định về xử phạt vi phạm Hành chính hiện hành đối với việc buôn bán thực phẩm không rõ nguồn gốc chưa có quy định cụ thể đối với trường hợp bán thực phẩm không rõ nguồn gốc trên các trang mạng xã hội nên việc xử phạt vi phạm hành chính có thể vẫn áp dụng như mọi loại hình kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ khác.
Theo quy định của pháp luật tại Điều 21 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP, ngày 15/11/2013, sửa đổi bổ sung bởi Khoản 17 Điều 1 Nghị định 124/2015/NĐ – CP, ngày 19/11/2015 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. “Hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ” là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa. Vì vậy loại hình kinh doanh nào cũng đều phải tuân thủ quy định về nguồn gốc xuất xứ.
Đối với trường hợp vận chuyển, mua bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, pháp luật quy định hình thức xử phạt từ 200.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Để chứng minh nguồn gốc hàng hóa trong trường hợp này, khi nhập hàng, người vận chuyển phải xuất trình hóa đơn thanh toán, bằng chứng giao dịch và xuất trình hóa đơn thanh toán khi mua hàng hóa cho cơ quan quản lý thay cho giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Bên cạnh đó, các đối tượng vi phạm sẽ bị phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt nêu trên đối với người sản xuất, nhập khẩu thực hiện hành vi vi phạm hành chính hoặc hàng hóa vi phạm thuộc một trong các trường hợp: Thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế; chất tẩy rửa, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón, xi măng, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản, thức ăn thủy sản; hàng hóa khác thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Ngoài ra hành vi kinh doanh, vận chuyển, buôn bán, sử dụng... hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ hàng vi phạm đó. Tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc hoặc vật khác được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm.
Hiện nay hình thức buôn bán hàng hoá nói chung và thực phẩm nói riêng trên mạng xã hội là phổ biến, vì vậy để có cơ sở xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi buôn bán trên mạng xã hội thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ thì cần thiết phải bổ sung quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này./.
ĐCS