Trong lúc nói chuyện với nhân viên, bạn tôi đã bị lén ghi âm và doạ sẽ kiện.
Bạn tôi tranh chấp với một nhân viên cấp dưới, khi vào phòng riêng nói chuyện với nhân viên, do nóng tính nên đã nói lên 1 số khuyết điểm của nhân viên (cả về cá nhân lẫn trong công việc) và những việc này là có thật chứ không phải bịa ra. Tuy nhiên, nhân viên này đã lén ghi âm lại và dọa sẽ kiện.
Xin hỏi là bạn tôi có thể bị kiện vì băng ghi âm lén này không ạ? Xin cảm ơn.
Luật sư tư vấn:
Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử tại Điều 102. Vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
q) Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật;
Theo quy định “ghi âm” sẽ bị coi là trái pháp luật khi người ghi âm sử dụng nội dung ghi âm vào những mục đích trái pháp luật như tiết lộ thông tin cuộc ghi âm để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác như : hạ thấp uy tín của người khác, xúc phạm người khác, tiết lộ bí mật cá nhân hoặc bí mật kinh doanh của doanh nghiệp.
Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 tại Điều 95. Xác định chứng cứ
1. Tài liệu đọc được nội dung được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận.
2. Tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản trình bày của người có tài liệu đó về xuất xứ của tài liệu nếu họ tự thu âm, thu hình hoặc văn bản có xác nhận của người đã cung cấp cho người xuất trình về xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó.
Căn cứ theo quy định nêu trên, trường hợp nhân viên tự ghi âm và không xuất trình được xuất xứ của tài liệu hoặc không có văn bản xác nhận của người đã cung cấp thì văn bản ghi âm đó chưa được coi là chứng cứ trong vụ kiện.
VNN