Bạn đọc có địa chỉ tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội hỏi: Cần làm gì để tạo thuận lợi cho việc thực hiện các thủ tục hành chính trước khi sổ hộ khẩu giấy hết giá trị vào ngày 31/12/2022?
Liên quan đến câu hỏi trên, Luật sư An Bình, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết: Theo Luật Cư trú năm 2020, chỉ bỏ sổ hộ khẩu giấy, chứ hoàn toàn không bỏ khái niệm hộ khẩu. Theo đó, khi bỏ sổ hộ khẩu giấy, những cuốn sổ giấy đã được cấp sẽ không còn giá trị, cơ quan Nhà nước sẽ quản lý thông tin cư trú người dân bằng phương thức điện tử hay còn gọi là sổ hộ khẩu điện tử.
Tại khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú, Luật số: 68/2020/QH14, ngày 13/11/2020 có hiệu lực từ ngày 01/7/2021: Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022.
Do đó, sổ hộ khẩu giấy đã cấp vẫn tiếp tục được sử dụng đến hết ngày 31/12/2022. Từ ngày 01/01/2023, sổ hộ khẩu giấy chính thức bị "khai tử", không còn có giá trị sử dụng.
Để không gặp phải khó khăn khi sổ hộ khẩu giấy hết giá trị, người dân cần làm ngay những điều này trước khi sổ hộ khẩu giấy hết giá trị vào cuối năm 2022.
Cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
Tại khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú 2020, khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ hộ khẩu đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về dân cư và không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu. Theo đó, khi sổ hộ khẩu bị thu hồi, các thông tin cư trú của công dân được cập nhật lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Theo Luật Căn cước công dân, Luật số: 59/2014/QH13, ngày 20/11/2014, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Tại Điều 9 Luật Căn cước công dân quy định thông tin về công dân được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gồm: Họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; quê quán; dân tộc; tôn giáo; quốc tịch; tình trạng hôn nhân; nơi thường trú; nơi ở hiện tại; nhóm máu...
Theo Bộ Công an, trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư đã đi vào vận hành chính thức từ ngày 01/7/2021. Bộ đã cập nhật vào hệ thống hơn 102 triệu thông tin dân cư và các địa phương đã rà soát, "làm sạch" dữ liệu trên hệ thống phần mềm và củng cố hồ sơ sổ sách, tàng thư hồ sơ hộ khẩu được hơn 98 triệu nhân khẩu (đạt 95,8%).
Trường hợp nếu công dân chưa được cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc cập nhật nhưng chưa chính xác, cần nhanh chóng đi cập nhật lại để tạo thuận lợi cho việc thực hiện các thủ tục hành chính sau 31/12/2022. Những thông tin trên Cơ sở dữ liệu được sử dụng thay thế sổ hộ khẩu giấy khi sổ hộ khẩu giấy hết hiệu lực từ năm 2023.
Làm Căn cước công dân gắn chip
Những thông tin liên quan về cư trú của công dân đều được cập nhật tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được quy định tại khoản 1 Điều 37 Luật Cư trú 2020.
Trong đó, Điều 12 Luật Căn cước công dân 2014 quy định số định danh cá nhân như sau: Số định danh cá nhân được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành; số định danh cá nhân do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc và cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác.
Do đó, Cảnh sát quản lý cư trú sẽ sử dụng mã số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Vì thế, nếu công dân đang sử dụng chứng minh thư nhân dân 9 số, tức là chưa biết mã định danh cá nhân của mình, sẽ rất khó khăn trong việc xin thông tin về cư trú. Nếu công dân chưa có Căn cước công dân gắn chip, cần nhanh chóng đi làm ngay nhằm tạo thuận lợi khi thực hiện các thủ tục hành chính khi sổ hộ khẩu giấy chính thức bị xóa bỏ./.
ĐCS