Thói quen và kỷ luật lao động

Thời công nghiệp hóa, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động đang tạo nên những thay đổi đáng kể và dần trở thành xu thế chính trong nhịp điệu lao động, học tập, công tác, sinh hoạt ở các cộng đồng dân cư. Để thích ứng kịp với xu thế tất yếu đó, ngay từ mỗi người, mỗi gia đình cũng cần thay đổi nếp nghĩ, điều chỉnh tác phong và những thói quen không còn phù hợp.

Từ ngày xứ đồng trũng ven sông Đáy huyện Thanh Liêm có dăm ba nhà máy mọc lên, nhiều lao động tuổi từ 18-45 trước đây những khi nông nhàn chẳng có mấy việc cho thu nhập ổn định nay được nhận vào làm công nhân hết. Nhà bà Tâm (Thanh Nguyên) cũng vậy, con trai, con dâu cùng được đào tạo rồi vào làm công nhân, thu nhập ổn định. Nhờ thế nên dù ông chẳng may mất sớm, bà đã cao tuổi nhưng gia cảnh vài năm nay khá hẳn lên. Khu công trình phụ khép kín, máy giặt, tủ lạnh, điều hòa, ti vi đời mới… cũng nhờ thu nhập của các con đi làm công nhân mà có. Hiềm nỗi, trong cảnh đầy đủ, nhàn nhã an hưởng tuổi già nhưng đôi lúc bà cứ thấy buồn buồn. Năm nay là năm thứ ba liên tiếp, ngày giỗ ông không trùng vào ngày nghỉ, các con vẫn phải đi làm. Vẫn biết con trai, con dâu rất chu đáo, tối hôm trước đi làm về đã sắm sửa đủ hoa quả, hương nến. Con dâu còn dúi cho mẹ mấy đồng để sớm nay đi chợ sắm giỗ.

Công nhân làm việc trong nhà máy phải có tác phong công nghiệp, chấp hành nghiêm kỷ luật lao động. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Chiều, con trai, con dâu hết giờ làm, các cháu cũng vừa tan buổi học cùng ríu rít ùa về, không khí trong nhà chộn rộn, câu chuyện bên bữa cơm gia đình ngày giỗ ông càng thêm rôm rả, ấm áp. Chuyện nhà máy ăn nên làm ra, chuyện thu nhập công nhân ngày càng cải thiện… làm bà vui lây. Câu chuyện của các con cũng làm bà "vỡ" ra rằng: khác với làm nông nghiệp, lao động trong nhà máy theo dây chuyền liên hoàn khép kín, mỗi người mỗi công đoạn, một người nghỉ làm ảnh hưởng đến nhiều người khác, không thể tự do nghỉ được. Lại nữa, việc riêng gia đình nếu khéo thu xếp thì vẫn chu tất, đầy đủ, vừa ấm cúng trong nhà, giữ việc làm, thu nhập ổn định, vừa không gây khó cho doanh nghiệp… Nghe chuyện, bà Tâm thấy nhẹ cả người.

Vừa xong chương trình thời sự buổi tối trên đài truyền hình, chị Nguyễn Thị Sen (Phù Vân, TP. Phủ Lý) đã nghe tiếng lao xao ngoài ngõ, trông ra thì thấy bà Bảo xóm dưới hối hả đi vào, nét mặt lo lắng. Nghe bà Bảo tỏ bày, chị Sen mới rõ ngọn ngành. Chuyện rằng con trai bà là công nhân nhà máy sản xuất đồ chơi nơi chị đang là nhân viên văn phòng. Theo lời bà Bảo phân bua thì: "Em nó có tay nghề cứng nhất tổ và cũng chỉ mới nghỉ không phép vài lần mà giám đốc công ty nhất quyết cho nghỉ việc". Rồi bà giãi bày: "Em nó còn trẻ, ham chơi và cứ nghĩ mọi chuyện đơn giản chứ đâu có ngang bướng, nghịch ngợm gì. Thôi thì trăm sự nhờ chị là cán bộ văn phòng nói giúp một tiếng với giám đốc…".  Sau một hồi nghĩ ngợi, chị Sen từ tốn: "Thôi được, cháu nhận lời và sẽ cố nói giúp. Kết quả thế nào, cháu báo lại ngay".

Tối hôm sau, chương trình thời sự đài truyền hình chưa kết thúc người ta đã nghe tiếng bà Bảo ở đầu ngõ nhà chị Sen. Rót chén nước mời khách, chị lễ phép thưa: "Công nhân làm việc trong nhà máy phải có tác phong công nghiệp, chấp hành nghiêm kỷ luật lao động. Không chấp hành nghiêm kỷ luật lao động thì tay nghề giỏi mấy người ta cũng không nhận. Em nhà bác người địa phương được nhà máy ưu tiên nhận ngay đợt đầu tuyển dụng, đào tạo thành nghề rồi bố trí việc làm phù hợp, thu nhập ổn định. Hợp đồng lao động giữa công ty và em cũng nêu rõ điều khoản cụ thể, thế mà em nay tự ý nghỉ việc dự đám cưới bạn, mai nghỉ đi chơi… Dây chuyền công nghiệp liên hoàn, không thể tùy tiện, một người nghỉ ảnh hưởng đến nhiều người khác. Nhà máy đã ưu tiên mình thì mình càng nên chấp hành nghiêm để ủng hộ lại người ta. Cháu phải nói mãi giám đốc mới thông cảm, nhận lại nhưng yêu cầu em phải viết cam kết lần sau không tái phạm...

Nghe chị Sen giảng giải vẻ mặt bà Bảo giãn dần, ngần ngừ một hồi bà mới thốt thành lời: Cháu có nói, bác mới hiểu hết nhẽ. May có cháu nói đỡ cho, nếu không thì chẳng những hỏng việc mà bác còn mắc lỗi trách oan người ta. Bác sẽ nói cho em nó hiểu và bảo em viết cam kết mai mang ngay ra nhà máy. Câu chuyện chả mấy chốc loang ra cả xóm. Nghe chuyện nhà bà Bảo, mấy gia đình xung quanh có con em làm công nhân tình cờ có thêm bài học thiết thực, thấm thía về tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động.

Qua vài câu chuyện nhỏ trên mới hay chuyển dịch cơ cấu kinh tế không chỉ giản đơn là chuyển dịch theo nghĩa hẹp: "Làm ngành nghề, dịch vụ gì", "trồng cây gì, nuôi con gì" mà theo nghĩa rộng là phải chủ động chuyển dịch ngay cả trong quan niệm, tác phong, thói quen làm việc, sinh hoạt để có sự thích ứng kịp thời.

Thanh Nghị 

Thế Vĩnh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy