Thành tích, áp lực và niềm vui học tập: Những cuộc đua không kỳ thú

Đằng sau trào lưu chụp hình bảng điểm tổng kết, các giải thưởng và thành tích học tập của con cái khoe trên mạng xã hội mới đây là cả những tán thưởng lẫn âu lo, tranh luận về khả năng thái độ đó sẽ tạo nên một áp lực nữa xuống cả cha mẹ và con cái, khiến niềm vui trong học tập của trẻ mất dần...

Minh họa: Sà Và Ná

Học tiếng Anh từ lúc bi bô giúp trẻ nói như người bản ngữ, học làm toán lúc chỉ mới lên ba giúp trẻ sau này cộng trừ nhân chia nhoay nhoáy, học piano từ lúc bé tẹo giúp tăng cường khả năng tập trung... Rồi học robotics, học lập trình, học cho không bị đứng bên rìa thời đại 4.0... Trẻ con thời nay có vô vàn điều bổ ích để học, mà rất nhiều "nhu cầu học" đó thực ra lại xuất phát từ các cuộc đua của cha mẹ.

Trường đua Facebook

“Hôm nay con nhận được học bổng của Đại học A... top 10 của Mỹ, vượt qua hàng trăm ứng viên khắp thế giới...”.

“Con đã thi đậu nhạc viện đầu bảng khi mới học lớp 4. Thầy khen tiếng đàn của con điêu luyện”.

“Bé My của mẹ mới lên 4 mà đã kể cả một câu chuyện dài bằng tiếng Anh thế này đây (kèm clip). Mẹ tự hào về con quá đi mất...”.

“Có nằm mơ tui cũng không ngờ có ngày thằng con mới lớp 3 của tui lập trình được con robot chuyển động như thế này. Bao công lao của nó, của vợ chồng tui đã đâm quả ngọt rồi...”.

Chỉ cần lướt một vòng Facebook, bạn sẽ thấy vô vàn status khoe con kiểu như thế này. Và như một công thức có sẵn, rất nhiều ông bố bà mẹ yêu con vô cùng, cả đời vất vả để con thành đạt, khao khát được hãnh diện vì con, đã đua nhau khen ngợi chúc tụng, đua nhau học hỏi bí quyết thành công để bưng về áp dụng cho những cục cưng của mình.

Dẫu lương tháng có vài triệu, cha mẹ vẫn gồng mình đóng tiền cho con học những khóa tốn cả chục triệu. Dẫu thời gian có bận tíu tít, họ vẫn nỗ lực không ngừng sắp xếp đưa đón con đi học thêm. Dẫu đứa trẻ có thích toán tư duy, có yêu âm nhạc, có say mê lập trình hay không... nhiều bậc cha mẹ cũng không quá quan tâm. Mục tiêu là cả nhà cùng phấn đấu để con "phát triển toàn diện", để tạo đà bứt phá cho con, để con thành đạt...

Mỗi thành tích của con đều được đưa lên Facebook, nhưng cha mẹ “quên” kể những lúc phải hò hét con đi học, những thời khắc đứa trẻ dật dờ mệt mỏi, những buổi ăn vội ngay cổng trường cho kịp giờ rèn những kỹ năng nào đó trong khi chẳng có tí giờ để học cách tự tắm giặt, tự rửa chén rửa ly... Lại những lời chúc tụng, lại những câu hỏi bí quyết... Những cuộc đua không kỳ thú cứ thế tiếp diễn mà cả cha mẹ, con cái đều cứ xoay tít, không còn thời giờ để tự hỏi chóng mặt thế có lợi hay hại?

Đọc và hiểu

Không chỉ những bài viết tưởng chừng "vô thưởng vô phạt" trên Facebook, các dạng bài viết quảng cáo “kín đáo” hơn cũng xuất hiện trên khắp các phương tiện truyền thông cả truyền thống và hiện đại. Hãy đọc thử đoạn mào đầu của một bài viết về một khóa học tiếng Anh hè: “Nghiên cứu của Oxford Learning cho thấy nếu không học hè, trẻ sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt kiến thức và kỹ năng xã hội ở mức độ cực kỳ nghiêm trọng”.

Bạn sẽ lập tức đẩy con lao vào học hè để không “thiếu hụt kiến thức nghiêm trọng"? Hay bạn sẽ phải từ từ tìm hiểu Oxford Learning là tổ chức nào, có uy tín hay không, mục đích nghiên cứu là gì, thực hiện trên đối tượng nào, trong khoảng thời gian bao lâu?

Bài viết dẫn nguồn chính xác chưa, đã nêu hết toàn bộ cuộc nghiên cứu chưa, hay chỉ dẫn “một nửa sự thật” có lợi cho mục đích bài viết? Và tất nhiên, bạn cũng phải tự hỏi bài viết mang động cơ gì? Hay chỉ nghe đến cái danh "Oxford" là đã răm rắp tin sao?

Chưa bao giờ kỹ năng đọc hiểu và tư duy phản biện lại quan trọng với người đọc như hiện nay. Hiểu và tư duy cũng là để cha mẹ sáng suốt chọn lựa con đường vừa sức, thích hợp với khả năng và mang lại hạnh phúc cho con.

Học mọi lúc mọi nơi và học cả đời

Học mọi lúc mọi nơi và học cả đời - tôi chẳng thấy có bất kỳ vế nào trong câu này là không chí lý. Chỉ là chúng ta quan niệm thế nào là học và học bằng cách nào? Một đứa trẻ từ lúc lọt lòng đã phải học hỏi không ngừng: học bú mút để tồn tại, học sờ chạm để khám phá thế giới xung quanh, để nhận ra mẹ; học lật, học ngồi, học trườn, học bò, học đứng, học đi...

Rồi thông qua vô vàn trò chơi của con trẻ, nó học cách tương tác với người xung quanh, học ngôn ngữ, học cách chờ đợi, học kết bạn, nó phát triển trí tuệ... Rõ ràng đứa trẻ học lúc ăn, lúc chơi, lúc tắm, lúc ngồi vào bàn...

Ra trường, đi làm, nếu không liên tục học hỏi để bắt kịp đà tiến của thời đại, con người sẽ tụt hậu, sẽ lạc lõng. Với thực tế như thế, nếu học là những cuộc chạy đua không ngừng nghỉ, học đến bở hơi tai, học đến mất ăn mất ngủ... thì con người học được bao lâu?

Chỉ khi nào học là những bữa ăn có thời gian để nhấm nháp tách trà, để nhai kỹ miếng thịt, để thưởng thức hương vị của con cá và được cho đủ giờ tiêu hóa... con người ta mới còn đủ hăng hái khám phá kho tàng tri thức vô tận suốt cả cuộc đời. Còn từ nhỏ đã bị dồn ép học quá nhiều, học như thể cứ sợ ngày mai không còn giờ để học, học đến ám ảnh, nhiều đứa trẻ đã buông tay đầu hàng ngay khi mới vào đại học, giai đoạn lẽ ra trẻ phải tăng cường đào sâu kiến thức.

Khả năng dung nạp của mỗi người khác nhau, giống như có người ăn nhiều, kẻ ăn ít, người thích cá, kẻ thích thịt, người không dung nạp được sữa, kẻ nốc cả lít mỗi ngày… Vậy dùng thước đo nào để biết học thế nào là vừa đủ, là thú vị với một đứa trẻ? Tôi đã chứng kiến hai hình ảnh, một ở bệnh viện nhi và một trên tàu lửa để rút ra kết luận cho riêng mình: đo bằng nụ cười của đứa trẻ.

Ở bệnh viện: Đứa trẻ 3 tuổi nằm mệt mỏi suốt ngày trên giường bệnh. Bà mẹ tất bật chăm sóc, cho uống thuốc, bón cơm cho con... Rảnh ra một chút, chị lại lôi dưới gối quyển sách bìa cứng sặc sỡ in hình rất đẹp, yêu cầu con đọc: car, octopus, tree... Đứa bé mệt mỏi, thều thào miễn cưỡng đọc theo... Không hiểu ấn tượng học tiếng Anh sẽ thế nào trong đầu nó cả đời.

Trên xe lửa (chuyến tàu đêm Sài Gòn - Nha Trang): Tới giờ đi ngủ, ông bố lôi trong túi xách ra quyển truyện Bu Bu đọc cho đứa con trạc 3 tuổi. Đứa trẻ lập tức nằm xuống ngoan ngoãn, háo hức nghe từng câu rồi hai bố con cười khúc khích. Có lẽ ông bố muốn duy trì thói quen học qua sách cho con mọi lúc mọi nơi...

Theo Tuổi trẻ cuối tuần

Hải Phong

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.