Smartphone và sự vô tình "lấy đi" tuổi thơ của trẻ

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ dường như cả vũ trụ được thu về trong chiếc điện thoại thông minh (smartphone) nhỏ bé. Có lẽ vì thế mà nhiều cha mẹ đã coi smartphone là "cánh cửa mở ra thế giới" cho con. Thế nhưng, rất ít bậc cha mẹ biết rằng, việc lạm dụng smartphone vô tình đã "lấy đi" tuổi thơ của trẻ, "lấy đi" sự hồn nhiên, trong sáng cùng một thế giới thực sinh động mà trẻ cần có.

Gia đình tôi và một vài gia đình bè bạn thỉnh thoảng cùng nhau đi uống trà hoặc đến thăm nhau. Nhà nào cũng có con trong độ "dở ương" mười bốn, mười lăm, hoặc tuổi mẫu giáo. Thế nên, để có thời gian hàn huyên, tâm sự thay vì hướng cho bọn trẻ làm quen, chơi đùa với nhau thì bố mẹ lại đưa cho trẻ chiếc điện thoại để chúng khỏi phụng phịu, "giở chứng".

Thế là, mặc dù có cơ hội giao lưu, chơi đùa cùng các bạn song đứa nào đứa nấy chỉ chăm chăm vào những thú vui từ chiếc smartphone. Những môn thể thao: bóng đá, cầu lông, đạp xe, những cuộc trải nghiệm thăm vườn cây, ao cá… chúng cũng chẳng thiết mà chỉ háo hức chìm đắm vào "thế giới ảo" trong điện thoại.

Nói về chuyện con trẻ với điện thoại thông minh, chị Nguyễn Quỳnh Anh (Quang Trung, TP. Phủ Lý) cho biết: "Trong một chuyến đi biển kết hợp thăm quê Bác, mặc dù các gia đình đều đông đủ cả nhưng khi tắm biển, thăm khu di tích, nhiều trẻ em được cha mẹ cho ở lại khách sạn cùng chiếc smartphone.

Lý do được đưa ra là vừa để chúng khỏi nắng nóng, vừa tạo điều kiện về thời gian cho cha mẹ rảnh rang vui chơi, đỡ phải trông nom. Tôi bày tỏ ý tiếc bởi đây cũng là dịp trải nghiệm thực tế cho con nhưng chị cười bảo: "Lên mạng cái gì cũng có. Không những phong cảnh làng Sen quê Bác mà cả những danh lam, thắng cảnh của Việt Nam, thậm chí lâu đài, cung điện, kim tự tháp ở các nước khác cũng có hết...".

Ảnh minh họa.

Có lẽ từ suy nghĩ như vậy mà hiện nay nhiều cha mẹ đã coi smartphone là phương tiện "mở ra cả thế giới" cho trẻ. Vì thế tiếng ru con ầu ơ "cái cò đi đón cơn mưa..." ngày càng ít các bà mẹ thạo thuộc. Thay vào đó là những bản nhạc được phối âm, phối khí "chuẩn sẵn" trong chiếc điện thoại thông minh. Rồi khi con khôn lớn hơn nữa những bữa bột, bữa cháo bé ăn cũng được nhiều bố mẹ kết hợp cùng điện thoại thông minh.

Chị Phạm Thị Huyền (Thanh Châu, TP. Phủ Lý) cho biết: Chiếc smartphone nếu biết "dùng đúng cách" giúp chị rất nhiều trong nuôi dưỡng trẻ. Chị có con 5 tuổi nên thường cho con học Toán, tiếng Việt, làm quen với tiếng Anh qua các chương trình trên smartphone. Buổi tối, chị mở cho con xem những bộ phim hoạt hình dành cho lứa tuổi thiếu nhi, cho con nghe kể chuyện cổ tích trên điện thoại. Smartphone vừa giúp "dạy con", vừa tạo điều kiện để chị làm việc khác, không mất thời gian đọc truyện, kể chuyện hay giải thích về hiện tượng này, sự việc kia.

Xung quanh chiếc smartphone, tôi còn được chứng kiến một câu chuyện khác. Em Nguyễn Thanh M. (học sinh Trường THCS Trần Phú, TP. Phủ Lý) trong những ngày hè rảnh rỗi tham gia đá bóng cùng lũ trẻ khu phố. Thấy con mồ hôi nhễ nhại sợ con ốm mẹ em đưa chiếc smartphone để con chơi. Có điện thoại của mẹ đưa, M. lập tức không chơi bóng, lũ trẻ khu phố cũng xúm đến xem cùng. Thế là quả bóng đành nằm “ngủ yên” trong suốt những ngày hè.      

Qua hỏi ý kiến của nhiều trẻ em, đa số đều tỏ ra rất thích khi bố mẹ đưa cho chiếc điện thoại thông minh. Theo các cháu ở đó có rất nhiều "thứ hấp dẫn và muốn biết gì đều có". Tuy nhiên, theo nghiên cứu của các nhà khoa học và chuyên gia tâm lý những chiếc điện thoại thông minh không thể giúp trẻ thông minh hơn, hòa nhập với cộng đồng nhiều hơn. Trái lại, trẻ càng tiếp xúc nhiều với smartphone càng hạn chế về giao tiếp, ngôn ngữ, thậm chí có những đứa trẻ "tự kỷ" chỉ vì cha mẹ cho con "tiếp xúc với thế giới" bằng smartphone.

Chiếc điện thoại thông minh không thể thay thế sự quan tâm của cha mẹ. Những mối quan hệ, sự hiểu biết xã hội, kỹ năng sống… chỉ có thể có được qua trải nghiệm thực tế. Hành động tưởng chừng vô hại của nhiều bậc cha mẹ đã vô tình "lấy đi" tuổi thơ của con trẻ. Bố mẹ cần hướng tới sự yêu thương bằng những hành động chăm sóc thực tế để tình yêu gia đình, tuổi thơ trong tâm hồn  trẻ được nuôi dưỡng, nhân lên từ lời nói, tiếng cười của người thân, gia đình, bè bạn chứ không phải từ những cái lướt tay trên chiếc smartphone.  

Nguyễn Hằng

Nguyễn Hằng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.