Sắp đến Tết rồi...

"Sắp đến Tết rồi/ Đến trường rất vui/ Sắp đến Tết rồi/ Về nhà rất vui/ Mẹ sẽ may áo mới nhé/Ai cũng vui mừng ghê/ Mùa xuân nay em đã lớn/ Biết đi thăm ông bà". Gần đến Tết, trong đầu tôi cứ vang lên giai điệu của bài hát này. Ca khúc viết cho trẻ thơ với nhạc điệu, câu từ đầy tươi vui, đúng không khí của ngày Tết làm cho ai cũng bồi hồi náo nức.

Sắp đến Tết rồi
Ảnh minh họa

Ai đó đã nói, Tết vui nhất là với trẻ con. Quả thật là như vậy, đặc biệt là trong Tết xưa, khi mọi thứ còn khó khăn, chỉ đến ngày Tết mới được ăn ngon, có quần áo mới và được vui chơi thỏa thích. Tôi sinh ra ở nông thôn. Cuộc sống ngày thường thiếu thốn, quanh năm chỉ ngày nhà có giỗ mới có thịt ăn. Quần áo chỉ có hai bộ tươm tất mặc đi học, rách mông mẹ lại mang đến ông thợ may làng dưới tích kê (đáp một miếng vải vào phía trong và trần chỉ dày làm mông quần cứng như mo nang), hoặc lộn ống để phần rách xuống dưới. Cả năm, chỉ đến Tết chúng tôi mới có quần áo mới, có giò, có bánh chưng và nhiều đồ ăn ngon, được đi chúc Tết và nhận lời chúc, đặc biệt là có tiền mừng tuổi. Vì thế chúng tôi mong chờ Tết lắm.

Gần đến Tết chúng tôi vô cùng háo hức. Người lớn thì tất bật chuẩn bị, nào đổ lúa nếp từ chum ra đi xay, giã lấy gạo, rồi xiết đỗ xanh, mua lá dong, ống giang chẻ lạt để gói bánh chưng. Còn chúng tôi, ban ngày hay tối đến lên giường đi ngủ, đến trường hay khi làm việc nhà, việc đồng, đều thấy lâng lâng một niềm vui khôn tả, hân hoan phơi phới trong lòng khi biết Tết đang đến gần. Ngày thường được sai làm việc gì cũng có khi chúng tôi mè nheo, trốn tránh, nhưng gần đến Tết bố mẹ bảo làm việc gì chúng tôi cũng làm rất hào hứng với hiệu suất cao. Nào cùng mẹ hoàn thành việc đồng áng. Nào dọn dẹp nhà cửa, phụ bố mẹ đánh cá dưới ao lên, rồi nướng cá, chặt chuối, lấy bưởi, lấy những quả trứng gà chín vàng trên cây bày ngũ quả,... Vui nhất là ngày 28, 29 Tết, người lớn thì đụng lợn, giã giò, trẻ con tíu tít đứng xem, hít hà mùi lòng lợn, thịt xỏ luộc thơm lừng. Chiều đến mỗi người một việc, rửa lá dong, vo gạo nếp, đãi đỗ, đồ đỗ, gói bánh chưng. Nồi bánh chưng bắc ở góc sân sôi xình xịch từ sáng cho đến tối, ánh lửa reo vui như lòng những đứa trẻ chúng tôi reo vui rộn ràng vậy.  

Sáng mùng một Tết, dù trời lạnh nhưng tôi và những đứa trẻ trong xóm đều dậy sớm. Không dậy sớm sao được, chúng tôi đã chờ giây phút này cả năm rồi. Người lớn tất bật nấu nướng làm cơm cúng gia tiên, trẻ con ra phụ giúp, rón rén, nhẹ nhàng để không làm đổ vỡ đồ vật ngày đầu năm như lời mẹ dặn. Trong lúc chờ cúng gia tiên, cũng là lúc mẹ mang quần áo mới ra mặc cho chúng tôi. Tôi không thể quên được cảm giác hồi hộp khi cầm bộ quần áo còn nguyên nếp gấp, thơm mùi vải mới trên tay. Mẹ mặc quần áo cho anh em chúng tôi một cách tỷ mỉ, cẩn thận, cài từng chiếc khuy, vuốt nếp áo, sau khi mặc xong còn bảo chúng tôi quay trước, sau để chỉnh cho thật ngay ngắn. Mặc xong quần áo mới, dù mẹ dặn là không được sang nhà hàng xóm ngay vì sang sẽ xông nhà người ta, nhưng không kìm được sự vui sướng, tôi vẫn chạy ra ngõ, đứng ngấp nghé đầu cổng nhà đứa bạn hàng xóm. Chỉ một lát cả mấy đứa trẻ trong xóm đều chạy ra ngõ, tất cả đều mặc quần áo mới, khuôn mặt rạng rỡ mãn nguyện. Với quần áo mới, chúng tôi không ríu rít xòe ra khoe như khi có đồ chơi, giày dép,…mới, bởi việc mặc lên người đã là khoe ra rõ nhất rồi. Chúng tôi cứ đi đi lại lại ở ngõ một cách ngay ngắn nhất như để cho những đứa bạn có thể nhìn thấy rõ nhất vẻ đẹp của bộ quần áo mới. Cũng có đứa được bố hay anh chị đi công tác về nghỉ Tết mua cho cái áo rực rỡ hơn, lạ hơn, đẹp hơn, cả lũ chạy lại trầm trồ xuýt xoa,…

Sau khi ăn cơm xong chúng tôi hòa vào đoàn của gia đình đi chúc Tết. Đến nhà nào cũng ào ào tíu tít những lời chúc tốt đẹp. Chúng tôi cũng được nhận rất nhiều những lời chúc như “Sang năm học hành giỏi giang,…”, và được nhận tiền mừng tuổi. Những đồng tiền mệnh giá nhỏ thôi, nhưng mới cứng, còn thơm mùi giấy, cùng với lời chúc tốt đẹp, khiến cho lũ trẻ chúng tôi thấy hạnh phúc vô cùng… Những ngày Tết nhanh chóng qua đi trong nuối tiếc của lũ trẻ chúng tôi. Chúng tôi trở lại cuộc sống ngày thường, mong chờ đến Tết năm sau…

Bây giờ cuộc sống đủ đầy hơn, ngay trong ngày thường nhiều trẻ em đã được ăn ngon, mặc đẹp. Vì thế lũ trẻ không quá háo hức, rộn ràng mong chờ Tết như trước đây. Nhưng quả thực sao tôi vẫn nhớ đến thao thiết những cái Tết thời nghèo khó trước đây, nhớ cái cảm giác xao xuyến mong chờ, rộn ràng sung sướng mỗi khi Tết đến.

Đỗ Hồng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy