Những cô bé 'chín ép'

Chị đồng nghiệp của tôi kể, hôm nọ con trai chị đang học lớp 6 xin mẹ mua giúp một món quà để đi sinh nhật bạn gái chung lớp. Chị chu đáo dặn con, hỏi xem bạn gái đó thích gì để mẹ sắm cho đúng ý. Câu trả lời là son môi.

Ảnh minh hoạ: T.T.D.

Ừ thì lớp 6, mười một tuổi rồi, hơi hơi biết điệu rồi, nên một cây son màu hồng nhạt thơm mùi dâu dành cho tuổi teen cũng hợp lý. Chị nghĩ vậy. Nên thật ngạc nhiên khi con trai tiu nghỉu mang gói quà về, bảo rằng bạn... gửi trả, vì không quen sử dụng màu son này.

Nhờ con trai kết nối để trò chuyện, chị không khỏi bất ngờ khi cô bé ấy bảo "chỉ thích son đỏ quyến rũ thôi bác ạ". Đỏ như thế nào hả cô bé? - Đây, mẫu này nhé bác.

Chị "đứng hình" trước màu son đỏ rực như ớt chín, mà một người đàn bà độ tuổi U40 như chị có tiệc tối trang trọng cũng chưa chắc đủ tự tin để dùng. Hay là mình già quá rồi, lạc hậu dữ dội, nên không biết được bọn trẻ con bây giờ "khác" lắm?

Câu chuyện của chị khiến tôi nhớ tới dịp đầu năm, đi họp phụ huynh cho con gái mới lên lớp 7 của mình. Cuối buổi, cô giáo chủ nhiệm chia sẻ với tôi và một phụ huynh khác về vài trường hợp nữ sinh cá biệt. Cứ nghe tới tên "Lan mỹ phẩm" là từ bảo vệ cho tới giáo viên đều biết tiếng.

Sao cô bé có "nick" lạ thế? Thì đi học nhưng mở cặp ra thấy đầy mỹ phẩm. Có dịp, sau giờ học là cô gái ấy trang điểm, chẳng phải sơ sài nhàn nhạt đâu, mà đậm sắc từng nét cọ mắt, lông mi cho tới kem nền phấn phủ. Trau chuốt không thiếu công đoạn nào!

Nhà Lan nghèo, ba bỏ đi, mẹ mất vài năm trước vì bệnh nan y. Lan ở với bà nội, bà bán vé số nuôi đám cháu vài đứa lít nhít. Gia cảnh đáng tội, chẳng rõ cô bé kiếm đâu ra tiền mua những thứ không hợp lứa tuổi như thế.

Trên trang cá nhân của một bà mẹ là bộ ảnh bikini của đứa con gái. Kèm theo đó là lời giới thiệu như thể cổ vũ: "Con gái yêu, xinh chưa này!". Bộ áo tắm hai mảnh bé xíu, khoe ra thân hình chưa kịp phát triển hoàn chỉnh nhưng đã khá đầy đặn.

Kinh khủng nhất là các tư thế tạo dáng. Một chân cô nhóc ghếch rộng về trước, mấy ngón tay đặt hờ hững đầy khiêu khích. Tất nhiên là thiên hạ xúm vào bình luận theo kiểu "khen cho chúng nó chết".

Cô giáo khẽ lắc đầu cho biết em là một học trò khác trong lớp đấy. Cha mẹ em ly hôn, cô bé ở với mẹ. Em không thuộc về sân trường với những cô bé cùng trang lứa, vì thường nghỉ học đi du lịch xa cùng mẹ, đi mua sắm vì đang có khuyến mãi, cà phê dạo phố hoặc đi chơi đêm. Thậm chí buồn buồn thì bỏ học vậy thôi, chứ chẳng cần lý do gì...

Có lạ lẫm ít gặp không, các câu chuyện về những cô bé mới lớn, chưa kịp hồn nhiên đã vội vàng bị "chín ép" như này? Hay nhiều lắm, phổ biến nhan nhản đến đáng buồn? Do cha mẹ, do hoàn cảnh gia đình, do trường lớp bạn bè tác động, do mạng xã hội, do cuộc sống bây giờ mặc nhiên nó thế?

Những bé gái ấy chỉ là nạn nhân của sự thờ ơ bỏ bê của cha mẹ, đáng thương hơn là đáng trách, nhưng nghĩ tới thấy bất an vô cùng tận...

 Tuổi trẻ

Trương Dũng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy