Hoa ti-gôn rừng đua nở

Núi rừng Lai Châu chào đón chúng tôi bằng thứ "đặc sản" mang đầy hương vị của mình. Xe đổ đèo Ô Quý Hồ, trong tiếng gió vuốt ràn rạt, chốc chốc lại hiện ra những chùm hoa ti-gôn rừng trắng muốt nhìn thoáng xa thấy tựa như ngàn vạn cánh bướm dồn về đậu kín đầu cành.

Với Tây Bắc, mùa hoa ti-gôn rừng đua nở cũng đồng nghĩa với vụ thu hoạch lúa nương của bà con đang vào kỳ hối hả. Dưới thung sâu đang mở ra bức tranh của mùa vàng rộm nắng. Từng thửa ruộng bậc thang nối nhau, góp thêm nét chấm phá tuyệt mỹ cho cảnh sắc vùng đất hùng vĩ này.

Mải mê ngắm cảnh và mải mê quay phim chụp ảnh nên chiều muộn chúng tôi mới tới được thành phố Lai Châu. Ánh ngày dần phai, đổ xuống quảng trường thành phố là những bóng núi thâm u nhưng trong sân khu hành chính của tỉnh dường như không thấy dấu hiệu của một ngày làm việc đã hết. Khắp sân, ô-tô, xe máy các loại còn đỗ yên ắng. Chính sự yên ắng ấy đã nói lên một cung cách "làm việc bằng xong" mới nghỉ của cán bộ các ngành, các cấp nơi đây.

Kể từ khi tỉnh mới Lai Châu được thành lập, đã qua mười hai mùa lúa chín. Quãng thời gian chưa phải là dài nhưng cũng đủ để miền đất biên cương này có nhiều thay đổi rõ nét. Mấy năm lại đây nhờ có đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai mà người đến với Lai Châu cũng đã nhiều và háo hức hơn. Ðó là thuận lợi cho tuyến du lịch "vòng cung Tây Bắc" trở nên thu hút.

Minh họa: TUYẾT NHUNG

Tỉnh Lai Châu có dãy núi Hoàng Liên Sơn và dãy núi Sông Mã chạy qua. Với nhiều đỉnh núi cao từ trên 1.500 mét trở lên, quanh năm mây mù che phủ, khí hậu mát lành. Trong đó phải kể đến các đỉnh núi cao như: Phan Xi Păng cao 3.143 mét, Pu Sa Leng cao 3.096 mét và Bạch Mộc Lương Tử cao 3.046 mét. Ở giữa hai dãy núi đó là vùng đất thấp tương đối rộng lớn với nhiều cao nguyên đá vôi. Tất cả những đặc điểm địa hình đó đã tạo nên những cảnh quan thiên nhiên vừa hùng vĩ lại vừa thích hợp cho du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch khám phá và du lịch cộng đồng.

Xã Bản Hon, huyện Tam Ðường, là địa phương đầu tiên chúng tôi xuống thăm. Tiết trời Tây Bắc đã hanh hanh, nắng đang trải mầu vàng nhẹ lên khắp các nương chè. Trải ra trước mắt chúng tôi là những vạt đồi lúp xúp vốn trước kia chỉ rặt cỏ với sim, mua thì nay ngập trong mầu xanh của lá chè. Người Bản Hon từ khi có thêm cây chè thì tập tục lao động đã có nhiều thay đổi, đời sống khấm khá hẳn lên đã tạo thêm thuận lợi cho việc xây dựng nông thôn mới.

Khu trung tâm xã được "quy hoạch" khá tập trung và đặt ở bản Hon, bản đã làm nên cái tên cho toàn xã. Theo quy hoạch đó thì ở khu vực trung tâm xã ngoài trụ sở của Ðảng ủy, Ủy ban nhân dân ra còn có các cơ sở công cộng khác cùng tề tựu, đó là trạm y tế xã, các trường học. Những con đường đổ bê-tông trong bản tầm này khá tĩnh lặng và sạch sẽ như vừa mới quét. Ðiều làm chúng tôi vô cùng thích mắt là dưới gầm sàn, cũng rất sạch và thoáng đãng, là một mầu ngô chín vàng đỏ như choán kín hết gầm nhà sàn. Người dân xã Bản Hon có thói quen treo ngô ở đó, nhà nào cũng vậy. Tiện cho bảo quản và sử dụng.

Xã Bản Hon có chín bản thì chỉ có một bản là người Mông, còn đều là bản người Lự. Bởi thế mới có "chuyện" xã Bản Hon được gọi là "xã của người Lự". Bà con người Lự có tập quán ăn cơm nếp và dệt cửi. Tài nghệ dệt may của người Lự khá cao. Mỗi gia đình thường có vài ba khung cửi. Chúng tôi được biết: Chị em người Lự một khi chưa mặc đủ trang phục của dân tộc mình thì chưa ngồi vào khung cửi. Nhất là chiếc khăn trùm đầu. Họ sẽ thiếu tự tin nếu chưa trùm khăn.

Hiện tại 100% số hộ gia đình còn giữ nếp sinh hoạt nhà sàn truyền thống. Ðặc biệt, người Lự có truyền thống làm ruộng nước, hiện xã Bản Hon có 205ha trồng lúa. Nói chuyện với chúng tôi bằng một giọng điệu khá thân vui như quen nhau đã lâu, ông Tao Văn Si, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Bản Hon, không quên nhắc tới tập tục riêng có của bà con. Ông cho biết: Về thăm Bản Hon mà chưa được dự lễ "Cấm bản" hay gọi là lễ "Căm Mường" thì kể cũng tiếc. Ðây được coi là một tục đáng nhớ của người Lự. Ông Si kể rằng: Bên kia dòng Nậm Hon chảy ngang rìa bản có một khu rừng nhỏ, ở đó có một cây sanh cổ thụ xum xuê cành lá. Theo phong tục lâu đời, người Bản Hon mỗi năm có hai lần làm lễ Cấm bản. Lễ thứ nhất được chọn vào dịp mùng 3 tháng 3 và lễ thứ hai được làm vào ngày mùng 6 tháng 6 Âm lịch. Ðiểm chung của hai lễ này là vào dịp đó bản sẽ được "cấm". Người trong bản không ai đi đâu khỏi bản. Người nơi khác đến dịp đó sẽ không được vào bản. Ai nhỡ đã bước chân vào bản trước rồi thì phải đợi xong lễ mới được ra. Vào ngày làm lễ các gia đình đồng tiến hành làm cỗ cúng thần linh. Những mâm cỗ đều bắt buộc phải chế biến và nấu nướng ngay trong rừng và cúng xong sẽ được ăn ngay trong rừng. Tất cả mọi người trong bản đều ăn chung ở đó.

Lễ "Cấm bản" dâng lễ vật tế thần sông, thần núi, thần khe, thần rừng nhằm phù hộ cho bà con dân bản ăn nên làm ra, điều dữ qua đi, điều lành sẽ tới và nguyện cầu một năm mưa thuận gió hòa mùa vụ bội thu.

Còn lễ "Cấm bản" tiến hành vào ngày mùng 6 tháng 6 mang dáng dấp như lễ cúng "thập vạn chúng sinh" của người Kinh. Vào dịp đó người Bản Hon cũng kéo nhau vào rừng làm cỗ cúng. Cũng cấm "nội bất xuất ngoại bất nhập", cốt là để mọi người "toàn tâm toàn ý" cho việc cúng lễ. Có vậy việc cúng mới chu toàn và đạt được mục đích. Chỉ khác là bà con làm cơm cúng cho những người chết rừng, chết suối, chết không ai chôn cất hoặc không có người cúng giỗ. Gọi là cúng "ma cơ nhỡ". Ðó là nét sinh hoạt tâm linh rất nhân văn của người dân tộc Lự. Ðiều đáng nói thêm, tuy làm lễ có cúng có thờ nhưng bà con lại loại bỏ những yếu tố mê tín dị đoan và thay vào đó là đề cao vai trò sinh hoạt văn hóa dân gian mang tính cộng đồng, làm tăng thêm tính gắn kết mọi người dân trong bản.

Nằm ở độ cao trên 1.500 mét trên dãy Hoàng Liên Sơn, xã Sin Súi Hồ hay còn được gọi là Sin Suối Hồ (có nghĩa là suối có nhiều vàng) thuộc huyện Phong Thổ. Tầm này cũng đang vào mùa lúa chín. Ruộng bậc thang Sin Súi Hồ được xếp vào hàng những ruộng bậc thang đẹp và rộng lớn được ví sánh ngang với ruộng bậc thang Mù Cang Chải tỉnh Yên Bái. Xã có 11 bản, riêng bản Sin Súi Hồ có 100% người Mông. Nét thú vị nhất khi đặt chân lên Sin Súi Hồ là ngắm nhìn phong cảnh, chúng tôi có cảm giác nơi đây như một Sa Pa của Lai Châu. Sin Súi Hồ có khí hậu vùng núi cao nên mùa hè thì mát mẻ, còn mùa đông rất lạnh, đôi khi xuất hiện băng giá và tuyết. Nhưng lại rất thích hợp cho việc nghỉ dưỡng và trồng hoa ôn đới.

Có phải vì điều kiện như thế mà nơi đây đã nhanh chóng hình thành điểm du lịch "homestay", luôn rộng cửa chào đón du khách Việt và du khách người nước ngoài. Ðến với Sin Súi Hồ du khách được trải nghiệm với chính gia đình người địa phương, cùng ra suối bắt cá, lên nương kiếm rau, vào bếp tự làm những món ăn dân tộc và cùng ăn với gia đình. Ðêm thì ngủ lại trên những chiếc giường gỗ mộc mạc.

Và câu chuyện tình cờ ngay nơi đầu bản giữa chúng tôi với Hảng A Xà diễn ra không theo một "kịch bản" nào nhưng lại nhiều thú vị. Người đàn ông Mông nhỏ nhắn, có gương mặt sáng sinh năm 1975, khá vui tính là người "đi tiên phong" cho phong trào làm kinh tế hộ. Hảng A Xà cho biết về "bí quyết làm ăn" của bà con nơi đây. Ðó là việc "thay đổi tư duy của mình, thay đổi tư duy của bà con trong bản". Cũng theo Hảng A Xà, tại bản Sin Súi Hồ ngoài làm du lịch trải nghiệm, "homestay" ra còn chú trọng tới việc trồng và kinh doanh hoa địa lan. Mỗi chậu hoa địa lan bán tại chỗ cho thương lái từ 3 cho tới 15 triệu. Mỗi năm các gia đình bán được hàng chục cho tới cả trăm chậu địa lan. Thu nhập cũng từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng. Hồi mới trồng địa lan bà con phải lặn lội vào rừng tìm kiếm cây giống thì nay nhờ tiếp thu khoa học - kỹ thuật nên giống địa lan đã hoàn toàn chủ động được.

Ðấy là chưa kể đến trồng và bán đào cây. Chúng tôi mới nhớ đến những vạt rừng đầy cây đào. Cứ tưởng đó là cây gì khô lá ai dè lại là đào chơi tết. Giống đào rừng Hoàng Liên Sơn mấy năm lại đây khá ăn khách. Người Sin Súi Hồ lại có dịp thu nhập gối lên thu nhập. Ðúng là một cách làm rất Sin Súi Hồ, năng động và vô cùng ấn tượng.

Tỉnh Lai Châu xác định phát triển kinh tế - xã hội gắn với văn hóa - du lịch nhằm tạo ra những mô hình và thực tế những mô hình thí dụ như Bản Hon, như Sin Súi Hồ đã cho thấy cách đi cách làm lấy nội lực làm cơ sở kết hợp với sự quan tâm và đầu tư thích đáng. Qua đó làm nên những gợi ý để từng bản, từng huyện tìm ra cách làm, cách đi của mình. Theo đó sẽ có bốn nội dung chính như: Giữ gìn và đề cao bản sắc văn hóa riêng có. Lấy tập tục sinh hoạt cộng đồng lâu đời làm điểm tựa cho xây dựng nông thôn mới; Mạnh dạn thay đổi nếp sống cũ lạc hậu và tự cô lập. Ðón nhận tư duy mới từ việc đẩy mạnh giáo dục văn hóa cho thế hệ trẻ; Tiếp cận thông tin để mở mang đầu óc và khuyến khích người dân tự chủ, tự lập, tự phấn đấu. Sau đó rút kinh nghiệm và nhân rộng.

Việc xây dựng kinh tế và xây dựng nông thôn mới ở đây không phải là chuyện chuyển nếp sống làng bản vốn có sang nếp sống thị trường. Tập tục cũ nhưng tốt đẹp rất cần được lưu giữ. Do vậy những giá trị sẵn có cần được đề cao bằng một cách làm bài bản và có trọng tâm hơn. Cũng từ đó mà có cách khai thác hiệu quả mà vẫn giữ được nét truyền thống riêng có.

Phát huy những điều kiện mới để xây dựng thành công những "Bản văn hóa mang đậm nét văn hóa của từng dân tộc ngay trong sự phát triển kinh tế- xã hội" sẽ là một điều vô cùng thú vị không chỉ riêng với Lai Châu. Gắn kinh tế với văn hóa. Gắn văn hóa với du lịch đang là bước đi của nhân dân các dân tộc Lai Châu.

Chúng tôi sẽ rất nhớ vô vàn những cánh hoa ti-gôn rừng đua nhau nở trắng đầu cành. Tiềm năng Lai Châu có thể ví như những cánh hoa mầu trắng đó. Rừng Lai Châu tự nhiên sinh ra như cuộc sống nơi đây đã trải bao năm mà tự hình thành nên những giá trị mang đậm mầu sắc các dân tộc. Biết khai thác nâng lên vốn tự nhiên sẽ tạo ra những giá trị mới đem lại nguồn sống mới.

Bút ký của NGUYỄN TRỌNG VĂN

Theo nhandan.vn

Tòa soạn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy