Ấm áp những bữa cơm của mẹ

Bị cuốn theo guồng quay của xã hội hiện đại, nhiều bữa ăn giờ đây chỉ còn mang ý nghĩa của sự… nạp năng lượng. Thế nhưng, những bữa cơm gia đình vẫn luôn tồn tại. Bởi, đó là một biểu tượng của sự gắn kết…

Tôi sống riêng đã khá lâu. Dù ở cách nhà bố mẹ không xa lắm, nhưng vì bận rộn nên hiếm khi có dịp được ăn bữa cơm của mẹ. Tôi biết, sự ấy thường làm mẹ buồn. Có lần mẹ bảo: “Nhà mày cứ về ăn là mẹ vui rồi!”.

Và rồi, mỗi lần cả nhà tôi về, mẹ mừng lắm. Mẹ tất tả đi chợ, nào thịt, nào cá, rau dưa… nặng tay xách, thế nhưng, gương mặt mẹ vẫn không giấu nổi niềm vui. Hai nàng con dâu vào bếp, dường như mẹ vẫn chưa ưng. Mẹ nhất định phải vào tận nơi, tự tay nấu nướng những món tôi ưa thích.

Bữa cơm gia đình luôn tạo sự gần gũi, gắn kết.

Bữa cơm dọn lên, đầy ngất. Mẹ giục cả nhà tập trung. Mẹ thường bảo: “Người làm không bực bằng người trực nồi cơm”. Với mẹ, một bữa cơm trọn vẹn luôn phải đầy đủ tất cả các thành viên trong gia đình. Mấy đứa cháu mải chơi, chưa kịp nhập mâm, mẹ chẳng quát mắng, nhưng mặt rất không vui.

Mỗi bữa cơm gia đình tôi là một lần cả nhà tụ họp đông đủ. Ở đó, trên trời dưới bể chuyện. Chuyện mẹ muốn nghe nhất là về gia đình tôi, công việc của vợ chồng tôi và việc học hành của cháu nội bà. Những bữa cơm ấy, hầu như mẹ chỉ ngồi giục, tiếp đồ ăn cho con cháu. Nhìn con cháu ăn ngon miệng, ánh mắt mẹ hơi rưng rưng. Cuối bữa, nếu thức ăn được vét sạch, vẻ mặt mẹ đầy hân hoan. Tôi biết, mẹ mừng vì nấu những thức con cháu ăn ngon miệng.

Câu chuyện ấy của nhà tôi có lẽ đã trở thành tình trạng chung hiện nay của nhiều gia đình. Mà thậm chí, ngay bữa cơm của những gia đình “nhỏ”-gia đình hai thế hệ-nay cũng đã có nhiều đổi khác. Cùng với sự phát triển của xã hội, quỹ thời gian của mỗi người dành cho gia đình ít dần. Các bữa ăn trong gia đình vì thế mà hiếm khi đầy đủ thành viên, thậm chí, không được duy trì thường xuyên. Công việc, học hành cuốn con người vào guồng quay bận rộn. Giờ người người ăn trưa tại công sở, trường học. Hết giờ làm, mỗi người lại về một giờ khác nhau nên bữa tối cũng chỉ chuẩn bị qua loa. Chưa kể, dịch vụ ăn uống ngày càng phát triển, cái sự “ăn ngoài” ngày càng phổ biến.

Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa phải lúc để phủ nhận bữa cơm gia đình!

Xuất phát điểm từ nền văn minh lúa nước, nên bữa ăn trong gia đình Việt, dù là ăn gì, đều được gọi chung là “bữa cơm”. Bữa cơm ấy mang nhiều đặc điểm khác biệt với xã hội phương Tây. Trong đó, khác biệt lớn nhất là văn hóa ứng xử trên bàn ăn. Ở bữa ăn của người phương Tây nói chung, thức ăn được đưa lần lượt, “lính tráng có suất”, tránh nói chuyện trong khi ăn. Trong khi đó, ở mâm cơm của người phương Đông nói chung, người Việt nói riêng, có nhiều thứ chung, từ bát, đĩa đựng đồ ăn đến bát nước chấm, mọi thành viên cùng quây quần trò chuyện vui vẻ. Nó không chỉ là thời điểm hội tụ đủ các thành viên mà còn là dịp để những người thân được trò chuyện, trao đổi, tâm tình bên nhau. Bữa cơm gia đình là dịp để bố mẹ thể hiện sự quan tâm, lo lắng cho con cái, cũng là lúc con cái thể hiện lòng thành kính, sự hiếu thảo của mình đối với cha mẹ. Nhiều hơn thế, bữa cơm còn là dịp để gia đình người Việt đoàn tụ sau khoảng thời gian bận rộn với công việc thường nhật. Bữa cơm ấy cũng tạo sự gần gũi, gắn kết giữa các thành viên và hơn hết là nhân tố quan trọng duy trì hạnh phúc gia đình.

Trong quá khứ chưa xa, khi tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa chưa diễn ra mạnh mẽ như hiện tại, bữa cơm gia đình tồn tại như một điều mặc nhiên tại cả nông thôn lẫn thành thị. Dù các thành viên trong gia đình đi đâu, làm gì thì đến bữa cơm, đặc biệt là bữa tối, mọi người lại có mặt ở nhà, cùng nhau quây quần bên mâm cơm. Cả nhà vừa ăn, vừa chuyện trò, kể cho nhau nghe chuyện học hành, công việc, tạo không khí gia đình đầm ấm. Vì thế, không ít người lớn lên, rời xa gia đình, điều họ luôn nhớ nhất chính là những bữa cơm có đầy đủ thành viên trong nhà cùng quây quần, đoàn tụ.

Duy Anh/qdnd.vn

Tòa soạn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy