Đi, cống hiến và trưởng thành

Đồng Tháp ngày tôi đi vẫn đẹp như Đồng Tháp ngày tôi đã đến. Lòng người vẫn vậy, xanh cả những tin yêu và hi vọng. Dòng Kỳ Son vẫn chảy, dịu dàng kì lạ như tấm lòng người miền Tây gần gũi, thật thà. Trái tim người chiến sĩ đập từng nhịp, nóng hổi, rộn ràng giai điệu tuổi trẻ...

Sen hồng - loài hoa đặc trưng của Đồng Tháp. Ảnh minh hoạ

Chúng tôi là những sinh viên An ninh tình nguyện, tuổi mười tám, đôi mươi với nhiều hoài bão, ước mơ, khao khát được đi, được cống hiến để trưởng thành. Trong chiến dịch Hành quân xanh năm 2017, chúng tôi có dịp dừng chân tại vùng đất sen hồng Đồng Tháp. Tập thể lớp D26D chúng tôi được phân đến xã Ba Sao – một xã xa xôi nhất của Đồng Tháp, nơi đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Ở đó, chúng tôi đã có hành trình 21 ngày được sống, được trải nghiệm những điều mới mẻ và ý nghĩa.

Tôi sẽ không viết nhiều về những ngày đầu còn bỡ ngỡ, xa lạ, e dè khi mới được tiếp xúc với người dân. Bởi khoảnh khắc đó qua đi rất nhanh khi niềm hồ hởi và lòng hiếu khách của bà con vùng sông nước đã kéo chúng tôi trở lại đúng với bản ngã của tuổi trẻ: hồ hởi, nhiệt thành.  Ba Sao trở thành nhà, các cô chú trở thành cha mẹ, đồng đội trở thành anh em, các bé con trở thành những người bạn nhỏ, những bữa ăn trở thành bữa cơm gia đình...và những khám phá về miền Tây trở thành một niềm vui thích kì diệu đối với chúng tôi, nhất là những người lần đầu đặt chân đến nơi này.

Trong những ngày hoạt động tình nguyện ở đây, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, thể hiện tình yêu thương của các bác, các cô, các chú, các anh, chị là người dân địa phương. Những câu hỏi của các cô, các chú: “Có hợp khẩu vị không con?”, “Có gì không thoải mái không con?”... xoá đi khoảng cách bỡ ngỡ, xa lạ ban đầu. Có hôm, tôi mày mò ngồi khâu áo, cô Út về thấy thế hỏi ngay: “Đang làm cái gì đó, đưa đây cô khâu cho nè”. Điều ấy làm cho chúng tôi, những sinh viên đang sống và học tập xa gia đình thấy ấm áp lạ thường, cảm nhận như đang được sống trong chính ngôi nhà của mình, được bố mẹ, anh chị chăm sóc, yêu thương.

Trong hành trình này, chúng tôi hiểu rằng, mình đi để được gần gũi và giúp đỡ quần chúng nhân dân, đi để vẽ tiếp bức chân dung người chiến sĩ công an ngày càng đẹp hơn trong đời sống xã hội Vì thế, 21 ngày ở Ba Sao là ngần ấy thời gian mỗi chúng tôi luôn nỗ lực, khao khát để được cống hiến, được góp phần nhỏ bé công sức, tình cảm của mình cho vùng đất này. Những giờ dãi nắng dầm mưa rong cây, sửa đường. Những ngày rền vang câu hò: “1 - 2 - 3” để dựng nhà, sửa ngõ cho bà con.

Những xúc cảm mạnh khi trò chuyện với những em nhỏ gia đình nghèo nhưng hiếu học, hoặc đến thăm các gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng hay khi nghe anh Tân – Bí thư Đoàn xã tâm sự: “Ba Sao còn nghèo, 90% người dân sống chủ yếu bằng nông nghiệp. Lúa gạo mênh mông nhưng lại phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Mấy năm nay, lũ đã ít dâng, chứ trước đây, cứ đến mùa lũ là trời và đất trắng xóa, gây nhiều khó khăn cho đời sống của người dân.”...

Trong những ngày còn ở Đồng Tháp, người bạn rất thân của tôi, khi cùng đồng đội tham gia vào nhóm đổ bê tông đường cầu, đã tâm sự: “Mày ạ, lúc bọn tao làm xong, cô chú bảo là cảm ơn, chúng mình về giúp cho ấp nhiều quá. Không có bọn mình, cô chú bảo không biết chuyển vật liệu như thế nào để về xây cầu nữa. Nói không phải khoe chứ tao cảm thấy mình có ích ghê luôn í”. Nghe bạn mình nói xong, tôi vừa xúc động, vừa buồn cười. Xúc động vì những tình cảm chân quý mà người dân đã dành cho chúng tôi dù những việc làm ấy không lớn lao. Lại buồn cười và hồ hởi biết bao vì chúng tôi –  20 tuổi rồi, giờ mới cảm nhận thấm thía và rõ ràng việc mình trở thành một người có ích, một cá thể tích cực của xã hội.

Kỉ niệm về những ngày tuổi trẻ, được đi, được cống hiến và trưởng thành là những kỉ niệm tươi đẹp và kì diệu mà chúng tôi được trải nghiệm, sẽ nhớ và in sâu mãi trong suốt hành trình mình đi, như hành trang quý giá cho bước đường tương lai sau này. Rồi mai đây, chúng tôi sẽ trở thành những sĩ quan An ninh, những người nối bước thế hệ đi trước giữ gìn an ninh Tổ quốc, giữ ấm no cho nhân dân, giữ hạnh phúc cho dân tộc ... từ những gì chúng tôi được học và từ những gì chúng tôi đã nhìn thấy, đã nghe được, được cảm nhận và khắc ghi.

Nhiệt tình, dễ thương, hào phóng, hiếu khách, giản dị...bao nhiêu cho đủ để nói về con người miền Tây. Họ đẹp như chính vùng đất của mình, như bạt ngàn lúa sớm, như đằm thắm con kênh, như màu hồng sen nở. Tôi thực sự ấn tượng mạnh về điều này. 

Đồng Tháp ngày tôi đi vẫn đẹp như Đồng Tháp ngày tôi đã đến. Lòng người vẫn vậy, xanh cả những tin yêu và hi vọng. Dòng Kỳ Son vẫn chảy, dịu dàng kì lạ như tấm lòng người miền Tây gần gũi, thật thà. Trái tim người chiến sĩ vẫn đập từng nhịp, nóng hổi, rộn ràng giai điệu tuổi trẻ.

Chiếc đò chở những người chiến sĩ rời đi lướt nhẹ trên mặt kênh. Tôi đã muốn khóc nhưng không để mình rơi lệ. Những ánh mắt vẫn dõi theo cho đến khi chỉ còn là những chấm nhỏ nhòe trong giọt nước xa xăm...

Chưa bao giờ như bây giờ, tôi thấm thía và thấu hiểu hơn cả, câu thơ muôn thuở vẫn luôn được nhắc nhở của Chế Lan Viên:

“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn”

Đúng thế thật nhỉ, Đồng Tháp đã hóa thành cả tâm hồn người lính thanh tươi, trẻ trung cho những chặng dài ngày mai của hành trình đi, cống hiến và trưởng thành.

...

Bảo Linh

Bảo Linh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy