Nâng cao chất lượng kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính

Thời gian gần đây, tình hình khiếu kiện hành chính trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng, tính chất ngày càng đa dạng, phức tạp. Điều này, khiến các cơ quan tố tụng gặp không ít khó khăn trong giải quyết loại án này.

Theo số liệu thống kê, 6 tháng đầu năm nay, số án hành chính Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh thụ lý tăng 40 vụ so với cùng kỳ năm 2017. Đặc biệt, ở một số địa phương như Lý Nhân, Kim Bảng nổi lên hiện tượng một bộ phận người dân bị kích động, lôi kéo khiếu kiện hành chính, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do đất đai thường xuyên có sự biến động, giá trị quyền sử dụng đất tăng đột biến; công tác quản lý, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở một số nơi còn sai sót trong đo đạc, cấp chồng chéo các thửa đất, cấp đất không đúng diện tích thực tế sử dụng... dẫn đến tranh chấp ngày càng gay gắt, phức tạp.

Cán bộ, KSV Phòng 9, VKSND tỉnh trao đổi nghiệp vụ.

Bà Trần Thị Đông, Trưởng phòng Kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính và các việc khác theo quy định của pháp luật (Phòng 9, VKSND tỉnh) cho biết: Bản chất của tranh chấp án hành chính là do người khởi kiện không đồng ý với các quyết định hành chính, hành vi hành chính mà cơ quan hành chính nhà nước hoặc người đại diện pháp luật của các cơ quan này đã ban hành có liên quan đến quyền lợi của người khởi kiện.

Nội dung khiếu kiện hành chính thường rất phức tạp (phần lớn liên quan đến quản lý đất đai như: cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thu hồi đất, hỗ trợ tái định cư, khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại, hành vi cưỡng chế thu hồi đất, giải phóng mặt bằng….), có nhiều vụ khiếu kiện theo đám đông, ảnh hưởng đến an ninh trật tự.

Do vậy, quá trình giải quyết vụ án hành chính phải gắn liền với ổn định tình hình chính trị địa phương, đường lối giải quyết phải xây dựng trên cơ sở xem xét toàn diện hệ thống văn bản pháp luật có liên quan, cơ chế, chính sách của địa phương có phù hợp với quy phạm pháp luật; yêu cầu khởi kiện có chính đáng, phù hợp với pháp luật và người khởi kiện có đủ tài liệu để chứng minh yêu cầu của mình hay không.

Từ thực tế trên, VKSND hai cấp trong tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, VKSND huyện, thành phố, trọng tâm là Phòng 9 đổi mới, triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính.

Đặc biệt, năm 2018, VKSND tỉnh đã chọn nội dung: "Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc, kinh doanh, thương mại..., chú trọng phát hiện vi phạm và thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị" làm khâu đột phá trong công tác kiểm sát giải quyết vụ, việc dân sự, hành chính; bảo đảm 100% vụ án hành chính đều có kiểm sát viên (KSV) tham gia; kiểm sát chặt chẽ 100% bản án, quyết định của tòa án.

Phòng nghiệp vụ tích cực hướng dẫn VKSND các huyện, thành phố thực hiện công tác chuyên môn; phân công cụ thể cán bộ, KSV theo dõi từng đơn vị cấp huyện. Đây là loại án phức tạp liên quan nhiều văn bản pháp luật, đòi hỏi KSV phải thường xuyên tìm hiểu, nắm bắt các quy định của pháp luật để áp dụng vào từng vụ án chính xác, có căn cứ, đúng quy định cả về luật nội dung và luật hình thức.

Cùng với đó, để đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát, giải quyết án hành chính, KSV phân công giải quyết án tăng cường công tác kiểm sát ngay từ khâu đầu tiên, nghiêm túc tiếp nhận và nghiên cứu hồ sơ để tham gia phiên tòa, nhằm phát hiện những vi phạm về tố tụng; nắm chắc nội dung vụ, việc, yêu cầu của đương sự để phục vụ cho công tác xét xử, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ bị cải sửa, hủy án do vi phạm thủ tục tố tụng hoặc đường lối giải quyết không đúng.

Trường hợp cần thiết, yêu cầu tòa án thu thập bổ sung chứng cứ hoặc tự mình yêu cầu các đương sự và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan cung cấp tài liệu, chứng cứ phục vụ cho nghiên cứu hồ sơ đầy đủ, toàn diện. Quá trình nghiên cứu, quy định nào không rõ hoặc còn vướng mắc, KSV kịp thời xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo.

Đối với các vụ án có tính chất phức tạp, hoặc có quan điểm khác nhau giữa VKSND và TAND, lãnh đạo VKSND trực tiếp nghiên cứu hồ sơ, kiểm tra, đối chiếu kết quả nghiên cứu, báo cáo đề xuất của KSV để kịp thời đưa ra đường lối giải quyết phù hợp quy định của pháp luật.

Với những giải pháp tích cực nâng cao chất lượng kiểm sát xét xử các vụ án hành chính đã góp phần vào việc làm rõ nội dung của vụ án, qua đó bảo đảm cho việc quyết định giải quyết vụ án đúng quy định của pháp luật.

Lê Mai

Lê Mai

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.