Đề phòng "sập bẫy" lừa đảo khi mua hàng qua mạng

Ngày nay, cùng với sự phát triển của Internet, người tiêu dùng có thể dễ dàng mua được những món đồ cần thiết phục vụ nhu cầu cá nhân và gia đình. Tuy nhiên, hình thức mua hàng trực tuyến này hiện tồn tại nhiều kẽ hở, người tiêu dùng dễ bị lừa đảo, mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, thậm chí mất trắng tiền nếu mua hàng ở những trang web giả hoặc những trang web bị hacker.

Đề phòng "sập bẫy"

Không thể phủ nhận những tiện ích mà mua sắm trực tuyến mang lại. Chỉ bằng vài thao tác trên các thiết bị điện tử (máy tính, điện thoại, ipad…), người tiêu dùng đã có thể mua được món hàng ưng ý mà không cần phải tới địa điểm bán, tiết kiệm chi phí, thời gian và công sức. Tuy nhiên, hình thức mua bán trực tuyến cũng tạo cơ hội cho hàng giả, hàng kém chất lượng xâm nhập thị trường, ảnh hưởng không nhỏ đến các nhãn hàng uy tín và lòng tin của người tiêu dùng.

Hiện nay, mua sắm trực tuyến đã trở thành thói quen của nhiều người, tuy nhiên cần thận trọng khi mua hàng để tránh dính bẫy hàng giả.

Chị Trần Thùy Nhung, làm phiên dịch viên tiếng Trung tại Công ty TNHH JY Plasteel Vina (phường Châu Sơn, thành phố Phủ Lý) là một "tín đồ" mua hàng trực tuyến chia sẻ: Những mặt hàng tôi đặt mua qua mạng chủ yếu là mỹ phẩm, quần áo và dụng cụ làm bếp. Cách đây nửa tháng, đúng đợt giảm giá mùa hè của một cửa hàng chuyên son môi trên facebook, kèm lời quảng cáo "Giảm giá 50% cho tất cả các nhãn hàng" vô cùng hấp dẫn, tôi đã đặt mua 4 loại son của Maybelline (màu Almond Rose) và Lily MayMac 3CE (màu 908, 118, 119) với giá gần 900.000 đồng. Tuy nhiên, sau 3 ngày háo hức chờ đợi, khi nhận được hàng, tôi mới giật mình phát hiện vỏ son tôi mua về không có tem chống hàng giả. Kể cả khi so sánh với hàng mẫu trên mạng, màu vỏ hộp và các đặc điểm nhận dạng cơ bản đều rất khác. Tôi lập tức liên hệ với người bán theo số điện thoại ghi trên đơn hàng và địa chỉ facebook nhưng không thể kết nối được. Biết mình bị lừa, nhưng ngoài tức giận và tiếc số tiền đã chi trả ra, tôi không thể làm gì khác.

Chị Phạm Hồng Diệp (xã Tiến Thắng, huyện Lý Nhân) cũng gặp phải trường hợp dở khóc, dở cười khi đặt mua quần áo qua mạng: Đây không phải lần đầu tiên tôi mua hàng online, tôi cũng chưa hề gặp phải cảnh hàng thật không giống hình ảnh quảng cáo. Nhưng 1 tháng gần đây, tôi luôn nhận được những cuộc gọi mời vay tiền, mời mua hàng, quảng cáo… từ những số điện thoại lạ. Thậm chí facebook cá nhân cũng có hàng chục tin nhắn chia sẻ đường link lạ. Tôi rất lo lắng trước tình trạng này, có lẽ số điện thoại của tôi đã bị lộ qua quá trình mua hàng trực tuyến.

Cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm

Theo số liệu thống kê của Ban chỉ đạo 389 tỉnh (Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả), 6 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn tỉnh, số vụ vi phạm về hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả bị phát hiện và xử lý có xu hướng tăng lên so với cùng kỳ năm 2016 với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện. Tổng số vụ xử lý vi phạm trong 6 tháng là trên 1.600 vụ, tăng 8,4%. Trong đó, có 53 vụ kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu; trên 1.500 vụ gian lận thương mại; 13 vụ hàng giả, tịch thu nhiều hàng hóa gồm: quần áo, hóa mỹ phẩm… với tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước là hơn 16,7 tỷ đồng. 

Ông Đinh Văn Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương, kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho rằng: Mua sắm trực tuyến mang lại rất nhiều tiện ích cho người tiêu dùng. Nhưng với tâm lý thích đồ rẻ, hàng khuyến mại, người tiêu dùng rất dễ rơi vào "bẫy" của chủ cửa hàng. Vì chúng ta không thể tận mắt, tận tay kiểm tra chất lượng hàng hóa.

Trong khi đó, công tác kiểm tra, giám sát loại hình kinh doanh này không hề đơn giản, đòi hỏi những yêu cầu khác so với thanh tra theo phương thức truyền thống. Bởi người mua hàng đa số là cá nhân không cần lấy hóa đơn, phương thức thanh toán trực tuyến lại rất linh hoạt, đa dạng như: thẻ visa cá nhân, thẻ điện tử…

Người mua người bán gần như không biết rõ đối phương. Nhiều người khi biết bị lừa cũng chỉ chia sẻ lên mạng xã hội để cảnh báo mọi người, chấp nhận thua thiệt vì số tiền không lớn, ngại các thủ tục pháp lý nếu kiện cáo. Bên cạnh đó, không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng phối hợp với các cơ quan chức năng để thu hồi hàng giả, hàng kém chất lượng vì sợ ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp. Do đó, rất cần sự phối hợp giữa doanh nghiệp và các cơ quan chức năng để nhận biết và triệt phá hàng giả.

Mua mỹ phẩm qua mạng cần chú ý kiểm tra tem chống hàng giả ở vỏ hộp và mã vạch, tránh dùng phải mỹ phẩm giả kém chất lượng.

Tuy nhiên, cùng với sự quản lý chặt chẽ của các đơn vị liên quan, chính người tiêu dùng cũng phải biết cách tự bảo vệ bản thân. Nếu quyết định mua hàng trực tuyến và bảo đảm mua được sản phẩm ưng ý, chất lượng, an toàn giao dịch, người tiêu dùng nên kiểm tra uy tín của các trang mua bán trực tuyến bằng cách tìm hiểu, đọc nhận xét, phản hồi từ những khách hàng từng mua sản phẩm trước đó. Đồng thời, cửa hàng trực tuyến phải có thông tin liên lạc, địa chỉ cụ thể, cam kết chế độ bảo hành, đổi trả khi có sự cố. Không nên trả hết 100% tiền trước khi nhận hàng, có thể lựa chọn hình thức đặt cọc 50% hoặc hình thức COD (thanh toán khi nhận hàng). Với hình thức COD, người tiêu dùng có thể trực tiếp kiểm tra sản phẩm có đúng chất lượng, thông tin như quảng cáo hay không rồi mới thanh toán.

Tìm hiểu kỹ sản phẩm và địa chỉ nơi mình muốn mua hàng sẽ giúp người tiêu dùng hạn chế tối đa những cái "bẫy" khi mua sắm trực tuyến, phát huy được ưu điểm mà loại hình dịch vụ này mang lại.

Thanh Vân

Thanh Vân

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.