Cảnh giác với tội phạm cướp, cướp giật

Thời gian gần đây, tình hình tội phạm cướp, cướp giật tài sản trên địa bàn tỉnh đang có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân và ảnh hưởng đến tình hình ANTT tại các địa phương. Tuy nhiên, việc đấu tranh với loại tội phạm này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bởi nguyên nhân chủ yếu do sự chủ quan, mất cảnh giác từ chính những người bị hại.

Điển hình như vụ việc xảy ra ngày 19/5/2018 trên địa bàn phường Thanh Châu (TP. Phủ Lý): Khoảng 21h30, ngày 19/5/2018, chị Đỗ Thị Thu Hiền (tổ 1, phường Thanh Châu) đi trên đường Trương Công Giai thuộc  Bào Cừu, Thanh Châu thì bị 1 đối tượng (chưa rõ tên tuổi, địa chỉ) đi mô tô áp sát, giật chiếc điện thoại Iphone 6 chị đang cầm trên tay, bên trong vỏ ốp điện thoại có 1,7 triệu đồng. Vụ việc đang được điều tra làm rõ.

Tiếp đó, khoảng 0h30 phút, ngày 21/5/2018, chị Mai Thị Hồng Hiệp (ở tổ 6, thị trấn Quế, Kim Bảng) đang ngủ một mình ở nhà thì nghe có tiếng động lạ trên tầng 2, chị Hiệp đi ra khỏi giường thì có một đối tượng nam giới dưới gầm ghế phòng khách chui ra dùng dao khống chế chị Hiệp. Đồng thời, một đối tượng khác đi từ tầng 2 xuống, các đối tượng yêu cầu chị Hiệp mở két sắt lấy 61 triệu đồng và khoảng 1,5 cây vàng. Đối tượng dùng khăn quàng cổ trói chị Hiệp, lấy tiếp 1 điện thoại di động và 2 nhẫn vàng chị Hiệp đeo trên tay. Lực lượng chức năng đang tập trung điều tra làm rõ.

Cán bộ Công an thành phố Phủ Lý lấy lời khai của một đối tượng cướp giật tài sản.

Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh, 6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra 17 vụ cướp, cướp giật tài sản (riêng cướp giật tài sản tăng 8 vụ so với cùng kỳ năm 2017).

Tội phạm cướp, cướp giật tài sản thường là các đối tượng mới lớn, đua đòi, cần tiền chơi game, sử dụng các chất ma túy. Hoạt động của tội phạm có sự liên kết giữa đối tượng tỉnh ngoài, chủ yếu quen biết nhau thông qua mạng xã hội.

Thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này là chúng  thường đi theo nhóm từ hai người trở lên, có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng, sử dụng xe mô tô phân khối lớn, chạy vòng quanh các tuyến đường, khi thấy người dân sơ hở trong việc quản lý tài sản như: không khóa cửa nhà, ở nhà một mình, vừa chạy xe vừa nghe điện thoại, treo túi xách trên xe, đeo dây chuyền trên cổ mà không che chắn... (thường là chị em phụ nữ) rồi áp sát, đối tượng ngồi phía sau nhanh tay giật lấy tài sản hoặc dùng dao cắt dây túi sau đó nhanh chóng tẩu thoát. 

Thực tế khi lưu thông trên đường, không khó bắt gặp nhiều trường hợp vừa đi đường vừa nghe điện thoại, nhất là chị em phụ nữ treo túi xách bên hông xe máy, để trước giỏ xe, đeo ngang người, đeo nhiều đồ trang sức có giá trị... tạo cơ hội cho tội phạm hoạt động.

Thượng tá Đỗ Hoài Nam, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự (Công an tỉnh) cho biết: Đấu tranh đối với loại tội phạm này, ngoài việc tuyên truyền phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm cướp, cướp giật trên các phương tiện thông tin đại chúng, các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh, Công an các huyện, thành phố đã triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ; thường xuyên tuần tra kiểm soát trên các tuyến giao thông, địa bàn, nhất là những tuyến, địa bàn trọng điểm; kiểm tra các phương tiện và đối tượng có biểu hiện nghi vấn để phòng ngừa.

Mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa, đấu tranh nhưng tình hình tội phạm cướp, cướp giật tài sản vẫn còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, manh động. 

Theo cơ quan công an, tội phạm cướp đang có xu hướng sử dụng hung khí để đe dọa khi thực hiện cướp hoặc sẵn sàng gây thương tích cho bị hại để thực hiện việc cướp tài sản có giá trị.

Do vậy, thời gian tới, Công an tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh triệt phá, tập trung vào các băng nhóm hoạt động cướp, cướp giật tài sản; phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân, Tòa án Nhân dân đưa những vụ án điểm ra xét xử công khai, lưu động phục vụ công tác phòng ngừa, răn đe đối tượng.

Tuy nhiên, qua các vụ việc xảy ra thời gian qua cho thấy, chủ yếu do ý thức chủ quan, mất cảnh giác từ phía người dân đã tạo điều kiện cho bọn cướp thực hiện hành vi phạm tội.

Vì vậy, người dân cần phải nâng cao ý thức cảnh giác, không dựng, đậu xe nơi tối, vắng người qua lại, nếu phải đi qua những nơi này thì nên đi từ 2 người trở lên, cảnh giác khi phát hiện có người nghi vấn đi phía sau. Không nghe, gọi điện thoại khi lưu thông trên đường, trường hợp cần dùng thì phải dừng xe vào lề đường, quan sát xung quanh. Khi đi trên đường, người đeo đồ trang sức (dây chuyền, vòng vàng,...) cần cài kín nút cổ áo, mặc áo chống nắng không để lộ trang sức ra ngoài.

Trường hợp mang túi xách, ví tiền không nên cầm ở tay hoặc treo trên xe, để giỏ xe mà nên bỏ vào cốp xe hoặc ràng buộc vào xe; trường hợp phát hiện có đối tượng nghi vấn bám theo thì chạy xe chậm, sát lề đường hoặc tấp vào nơi có đông người.

Các cửa hàng kinh doanh hàng hóa có giá trị như vàng, bạc, điện thoại di động, đồng hồ,… cần lắp đặt thiết bị bảo vệ, camera, cảnh giác với đối tượng giả vờ xem hàng, mua hàng rồi ra tay cướp giật. Khi bị cướp, cướp giật cần phải hô hoán để người khác giúp đỡ trong việc truy bắt thủ phạm. Phải giữ tâm lý bình tĩnh, điều quan trọng nhất là bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho chính mình, không nên có những hành động liều lĩnh đuổi theo thủ phạm khi không có người trợ giúp hoặc nơi đang có các phương tiện giao thông đi với tốc độ cao.

Lê Mai

Lê Mai

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.