Bảo hiểm bắt buộc đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ

Thời gian qua, trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, tính mạng con người. Tình trạng trên đặt ra yêu cầu hoạt động phòng cháy, chữa cháy (PCCC) cần được quan tâm triển khai mạnh mẽ, khẩn trương, đồng loạt, toàn diện.

Liên quan đến vấn đề này, Nghị định số 23/2018/NĐ-CP của Chính phủ (NĐ23-CP) vừa ban hành, có hiệu lực từ ngày 15/4/2018 đã có những nội dung mới, quy định chi tiết hơn về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

Bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là chế độ bảo hiểm đối với tài sản của các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ. Theo ông Lữ Mai Thanh Tùng, Trưởng phòng Phổ biến giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp, NĐ23-CP mới ban hành đã có những quy định chi tiết hơn về chủ thể phải tham gia cũng như mở rộng đối tượng được bảo hiểm so với những văn bản quy phạm pháp luật trước đó. 

Cụ thể, theo NĐ23-CP quy định, các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ cần bắt buộc mua bảo hiểm cháy, nổ như: chung cư, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000m3 trở lên; nhà trẻ, trường mẫu giáo có từ 100 cháu trở lên… 

Đặc biệt, chủ thể phải tham gia bảo hiểm được quy định chi tiết, mở rộng hơn như: bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh có quy mô từ 21 giường trở lên (so với trước là 50 giường trở lên); trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000m3 trở lên (thay vì từ 6 tầng hoặc khối tích 25.000m3 trở lên như quy định cũ); cơ sở phát thanh, truyền hình, bưu chính viễn thông cấp huyện (trước đây là cấp tỉnh) trở lên; cửa hàng xăng dầu có từ 1 cột bơm trở lên…

Các thiết bị phòng cháy và chữa cháy tại Khách sạn Mường Thanh Luxury Hà Nam được đơn vị kiểm tra định kỳ, thường xuyên.

Đối tượng được bảo hiểm trong NĐ23-CP cũng được làm rõ hơn về thuật ngữ. Cụ thể, đối tượng được bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đã được mở rộng là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ, bao gồm: nhà, công trình, tài sản gắn liền với nhà, công trình; máy móc, thiết bị; các loại hàng hóa, vật tư (bao gồm cả nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm). 

Những thuật ngữ này mang tính xác định cao hơn so với trước. Trước đây chỉ quy định đối tượng gồm: nhà, công trình kiến trúc và các trang thiết bị kèm theo; máy móc thiết bị; các loại hàng hóa, vật tư khác. Những thay đổi này nhằm hạn chế tối đa vướng mắc, tiêu cực có thể phát sinh trong quá trình thiết lập hay thực hiện hợp đồng bảo hiểm.

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng có thể mua bảo hiểm cháy, nổ. Theo NĐ23-CP, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền từ chối bán bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho cơ sở chưa được nghiệm thu về PCCC theo quy định pháp luật; cơ sở không có biên bản kiểm tra an toàn về PCCC của cơ quan Cảnh sát PCCC hoặc biên bản kiểm tra đã quá 1 năm tính từ thời điểm lập đến thời điểm mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; cơ sở đang bị tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động do vi phạm quy định về PCCC. 

Những trường hợp không được nhận bồi thường là thiệt hại do động đất, núi lửa phun hoặc những biến động khác của thiên nhiên; thiệt hại do những biến cố về chính trị, an ninh, trật tự an toàn xã hội gây ra; tài sản bị đốt cháy, làm nổ theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; sét đánh trực tiếp vào tài sản được bảo hiểm nhưng không gây cháy, nổ; nguyên liệu vũ khí hạt nhân gây cháy, nổ…

Trên thực tế, việc chấp hành nghiêm quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc chỉ là một trong những biện pháp khắc phục về thiệt hại tài sản khi sự cố hỏa hoạn đáng tiếc đã xảy ra. Quan trọng nhất vẫn là ý thức chủ động PCCC của từng cá nhân, tổ chức trong ngăn chặn nguy cơ xảy ra hỏa hoạn, cháy nổ. 

"Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Cơ sở thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc mà không mua theo quy định;

b) Mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc không đúng quy tắc, biểu phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc do Bộ Tài chính ban hành;

c) Cơ sở thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc không tách riêng hợp đồng phần bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc trong hợp đồng bảo hiểm trọn gói theo quy định;

d) Không trích nộp phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc để đóng góp kinh phí cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy theo quy định".

(Trích Khoản 2, Điều 46, Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ)

Không chỉ thực hiện nghiêm túc những quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, Khách sạn Mường Thanh Luxury Hà Nam còn là đơn vị chủ động trong công tác PCCC. Với quy mô cơ sở vật chất cùng lượng khách hàng thường xuyên lưu trú, sử dụng dịch vụ lớn, công tác PCCC tại khách sạn luôn đóng vai trò hết sức quan trọng. 

Ông Nguyễn Thái Hải, Giám đốc điều hành Khách sạn Mường Thanh Luxury Hà Nam cho biết: Khách sạn có đội ngũ chuyên biệt (gồm bộ phận an ninh và kỹ thuật) thường xuyên kiểm tra định kỳ các phương tiện PCCC như: bình cứu hỏa, đầu báo khói, báo điện, hệ thống bơm nước tự động... Công tác rà soát được tuân theo quy trình, quy định, kế hoạch cụ thể, tùy theo tiêu chuẩn PCCC của từng thiết bị. Nhờ đó, kịp thời có phương án khắc phục, sửa chữa nếu phát hiện sự cố về thiết bị. 

Thời điểm hiện tại, 100% cán bộ, nhân viên của khách sạn được trang bị kiến thức, kỹ năng về PCCC. Mường Thanh Luxury Hà Nam cũng đã xây dựng kế hoạch, tiến tới phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức diễn tập PCCC ngay tại đơn vị. Qua đó, chủ động xây dựng những phương án sẵn sàng trong PCCC phù hợp với đặc thù khách sạn, chung cư khi có sự cố xảy ra.

Nguyễn Khánh

Khánh Chi

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy